Giá phân bón tăng đột biến - do đâu?

- Thứ Năm, 04/03/2021, 06:23 - Chia sẻ
Giá nhiều loại phân bón tăng cao, đặc biệt phân Diammonium Phosphate (DAP) tăng tới 50% nhưng cũng không có để mua. Có ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân DAP, MAP nhập khẩu để các doanh nghiệp mua hàng, tăng nguồn cung trong nước.

Thiếu nghiêm trọng

Ông Nguyễn Hoàng Bá (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đang thuê nông dân trồng 30ha lúa. Trung bình mỗi hecta cần hơn 5 triệu đồng phân bón các loại, trong đó phân DAP chiếm 60%. Giá phân bón tăng cao khiến chi phí tăng đến 6 - 7 triệu đồng/ha. “Đại lý bán thế nào thì người dân phải mua thế đó. Giá phân bón tăng cao chúng tôi vẫn phải dùng, nếu không lúa không thể tốt và cho năng suất được. Người làm nông nghiệp lấy công làm lãi. Nếu chi phí phân bón tăng quá cao sẽ đe dọa trực tiếp đến thu nhập của nông dân”, ông Bá nói.

Nguồn: ITN

Trồng 1ha rau sạch ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, ông Hà Văn Thắng chủ yếu bón phân urea và DAP. Do ảnh hưởng của Covid-19, giá rau giảm mạnh, tiền bán không đủ để mua phân bón, trả công cho người làm. “Nông sản đã khó tiêu thụ, rớt giá liên tục, giá phân bón bị đẩy lên cao khiến người nông dân khốn khổ hơn”, ông Thắng nói.

Thông tin về giá phân bón, ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vinacam cho biết hầu hết các loại đều tăng giá, trong đó phân urea và DAP tăng mạnh nhất. Cụ thể, phân đạm urea được các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu chào bán với giá 9.000 - 9.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần và đến tay nông dân sẽ trên 10.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Phân DAP do các nhà máy trong nước sản xuất đang bán sỉ 9,52 triệu đồng/tấn và bán lẻ 10,4 triệu đồng/tấn, tăng lần lượt 10% và 23% so với tháng 10.2020. Đáng chú ý, cũng trong khoảng thời gian trên, giá DAP nhập khẩu tăng rất “sốc”. Chẳng hạn, DAP của Hàn Quốc tăng từ 12,8 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn (tăng 21%), DAP Trung Quốc tăng từ 10,4 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn (tăng tới 49%).

“Mặc dù giá tăng mạnh nhưng cũng không có hàng để mua, muốn đặt hàng nhiều cũng khó”, ông Hải cho biết và khẳng định tình hình thiếu hụt DAP ở Việt Nam hiện rất nghiêm trọng. Vinacam gần như không còn tồn kho hàng DAP nhập khẩu. Phân DAP rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp nhưng trong nước mới chỉ đáp ứng được 30 - 35%, còn lại phải nhập khẩu, đang có dấu hiệu khan hàng.

Theo Giám đốc Công ty SSG International Pte Ltd Nguyễn Đức An Sơn, đây là lần tăng giá khá đột biến kể từ năm 2008 đến nay. Hiện tại, lượng hàng DAP ở các đại lý ở trong nước rất khan hiếm, không có hàng. Đơn vị cung cấp rất nhỏ giọt, trong khi mùa vụ khoảng 1 tháng nữa bắt đầu.

Bên cạnh đó, DAP cũng là nguyên liệu để sản xuất phân bón NPK vì vậy, khi giá DAP tăng 50% khiến giá phân NPK cũng tăng 30% và ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người nông dân.

Từ tháng 3.2018, Bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức với sản phẩm phân bón DAP và MAP với mức thuế hơn 1 triệu đồng/tấn. Tháng 3.2020, Bộ Công thương tiếp tục gia hạn áp dụng biện pháp này.

Nên bỏ biện pháp tự vệ với DAP, MAP nhập khẩu?

Phân tích nguyên nhân, ông Hải cho rằng, dịch Covid-19 kéo dài khiến các quốc gia tập trung bảo đảm  an ninh lương thực dẫn tới nhu cầu sử dụng phân bón cho sản xuất tăng cao. Điều này kéo theo lượng phân bón xuất khẩu bị hạn chế và đẩy giá tăng trên toàn cầu. Cùng với đó, tàu biển khan hiếm, giá cước container tăng cao gấp 4 - 5 lần so với trước đã đội giá vận chuyển lên cao.

Tiếp đến, mùa đông tại châu Âu và Mỹ đến sớm và lạnh bất thường, do đó khí gas được ưu tiên cho sưởi ấm làm cho nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất phân urea giảm và khí gas tăng giá cũng làm giá phân urea tăng theo.

Điều đáng nói ở đây, theo ông Sơn, giá phân DAP tăng rất cao nguyên nhân chính do Chính phủ đang áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu  nhằm bảo vệ 2 đơn vị sản xuất DAP trong nước là Nhà máy DAP Lào Cai và DAP Đình Vũ. “Chúng tôi là nhà cung cấp, nhập giá cao thì chắc chắn phải bán với giá cao nhưng chính sách này ảnh hưởng rất lớn tới nông dân". Trong khi thị trường Việt Nam 1 năm tiêu thụ 1,4 triệu tấn phân DAP, nhưng 2 đơn vị trên chỉ bảo đảm được khoảng tối đa 400 nghìn tấn. 

Trong khi nông dân đang thiếu trầm trọng phân DAP, DAP Lào Cai và Đình Vũ lại xuất khẩu sản phẩm sang các nước châu Á. Cụ thể, năm 2019 xuất khẩu 40 nghìn tấn, năm 2020 là 130 nghìn tấn và trong 2 tháng đầu năm nay xuất khoảng 40 nghìn tấn. “Như vậy có thể thấy chính sách bảo hộ chỉ mang lại lợi ích cho 2 doanh nghiệp trên”, ông Sơn nói. Ông cũng kiến nghị Chính phủ tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với phân DAP, MAP nhập khẩu để các doanh nghiệp mua hàng, tăng nguồn cung trong nước.

Tuệ Anh