
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, thị trường kim loại kết thúc phiên 4.4 với diễn biến phân hóa rõ rệt giữa nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản.
Cụ thể, giá bạch kim tăng 3,27% lên 1.029 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng hai tháng. Đáng chú ý, giá bạc tăng mạnh 4,50%, lên mức cao nhất kể từ tháng 4.2022, là 25,10 USD/ounce.
Trái lại, sắc đỏ bao phủ bảng giá của nhóm kim loại cơ bản. Giá các mặt hàng kim loại chủ chốt như đồng giảm 1,84% về 3,97 USD/pound, giá quặng sắt giảm 1,74% về 118,7 USD/tấn. Đáng chú ý, giá đồng giảm về mức thấp nhất trong vòng hai tuần và giá quặng sắt giảm về mức thấp nhất kể từ tháng 1.2023.
Xét triển vọng tại Trung Quốc, nhà tiêu thụ lớn nhất về đồng về quặng sắt, nhu cầu không tăng trưởng quá mạnh và cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng kém hơn. Sau khoảng thời gian dài đi ngang, sức mua trên thị trường quặng sắt đã giảm rõ rệt. Báo cáo của Fitch Solution cho biết, sản lượng thép của Trung Quốc dự kiến sẽ sụt giảm nhẹ trong 5 năm tới, với tốc độ tăng trưởng thấp chỉ khoảng 0,9% hàng năm.
Đối với Việt Nam, theo MXV, trong quý 2.2023 đà tăng của giá nguyên vật liệu cho ngành sản xuất thép có thể sẽ chững lại, góp phần ổn định giá thép sau khi liên tục tăng kể từ đầu năm nay.
“Việc Trung Quốc cho biết sẽ xem xét các biện pháp để kiềm chế giá quặng sắt có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam giảm bớt một phần áp lực chi phí đầu vào. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ còn là thách thức lớn cho ngành”, MXV nhận định.
Theo đó, sản lượng tiêu thụ trong 2 tháng đầu năm nay suy giảm so với cùng kỳ, trong đó thép xây dựng giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, thép cuộn cán nóng HRC giảm 23%. Dự báo trong quý 2, nhu cầu đối với ngành thép vẫn còn hạn chế trong bối cảnh thị trường bất động sản nội địa gặp khó khăn.
Mặc dù vậy, MXV tin tưởng, việc tập trung cho các dự án đầu tư nhà ở xã hội và lĩnh vực đầu tư công sẽ là điểm sáng cho ngành thép trong giai đoạn tới, hỗ trợ cho nỗ lực vượt khó của các nhà sản xuất. Các doanh nghiệp thép Việt Nam hiện cũng đã kiểm soát hàng tồn kho về mức thấp, do đó có thể kiểm soát biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới tốt hơn so với giai đoạn quý IV năm ngoái.