Gia Lâm trên đường về đích

ĐÀO CẢNH 28/03/2017 07:52

Đưa 3 xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện Gia Lâm phấn đấu về đích trong năm 2017. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với những cách làm cụ thể, quyết tâm mạnh mẽ, Gia Lâm đang vững chắc về đích.

Nỗ lực ở Lệ Chi

Lệ Chi là một trong 3 xã đăng ký về đích trong năm 2017. Đây là xã nghèo của huyện với xuất phát điểm thấp trong xây dựng NTM. Dù vậy, diện mạo nông thôn ở Lệ Chi đã có bước thay đổi đáng kể. Những tuyến đường giao thông nông thôn, nội đồng đã và đang được bê tông hóa; cơ sở vật chất khang trang, điểm sáng là Trường Mầm non Lệ Chi với hạ tầng hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, phát triển của trẻ; những vùng trồng lúa kém hiệu quả đang được chuyển đổi sang các mô hình sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trang trại xanh tại xã Lệ Chi Ảnh: Đào Cảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trang trại xanh tại xã Lệ Chi 
 Ảnh: Đào Cảnh

Nhờ tổ chức triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 - 2020, các thôn của xã đã đăng ký các vùng sản xuất ổn định chuyên canh tập trung như: Sản xuất lúa chất lượng cao; rau an toàn; cây ăn quả; vùng sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại… Trong đó, có mô hình trồng hoa ở thôn Chi Nam cho thu nhập cao gấp hàng chục lần cấy lúa; mô hình trồng cây ăn quả, hoa và cây cảnh ở thôn Sen Hồ cho thu nhập hàng tỷ đồng; nhiều mô hình chăn nuôi trang trại xanh xa khu dân cư cũng cho thu nhập cao. Diện tích chuyên canh rau trên 35ha trước đây nay đã áp dụng quy trình VietGAP, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn rau, củ an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng. Người dân còn khai thác triệt để lợi thế xã ven đê có đồng cỏ tự nhiên để phát triển mạnh đàn bò thịt và nuôi lợn theo quy mô vừa và lớn. Đàn lợn trên địa bàn hiện có 4.435 con, đàn bò thịt 1.676 con, đàn gia cầm có 13.500 con. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 70,2 tỷ đồng, mang lại nguồn thu cao và ổn định cho nhiều gia đình.

Mô hình của gia đình ông Ngô Văn Đỉnh (thôn Sen Hồ) là điển hình về chuyển đổi thành công. Ông Đỉnh cho biết, nhờ chủ trương khuyến khích chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi của TP, huyện và xã, ông đã mạnh dạn tìm hiểu, lập phương án chuyển đổi 2,4ha diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa và cây cảnh. Với 2.000 gốc đào Nhật Tân, 20.000 gốc cam đường Canh, 10.000 gốc quất cảnh và 2.000 gốc cam Vinh, đã giúp thu nhập của gia đình ông Đỉnh lên tới hàng tỷ đồng mỗi năm.

Trao đổi về việc thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Lệ Chi Nguyễn Văn Lưu cho biết, hiện xã đã có 7 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí cơ bản đạt và 3 tiêu chí chưa đạt (giao thông, thủy lợi và thu nhập). Xã đang phối hợp với huyện và BQL Dự án, tiến hành rà soát tất cả các tuyến đường, kênh mương nội đồng để có kế hoạch đầu tư, chậm nhất hoàn thành trong tháng 11. Đối với tiêu chí thu nhập, xã tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến từng thôn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Cùng với đó, tổ chức hỗ trợ nông dân vay vốn tại các ngân hàng chính sách, giới thiệu việc làm cho các lao động tại các khu công nghiệp để tăng thu nhập của nông dân, bảo đảm tiến độ về đích NTM.

Dốc sức chặng nước rút

Cùng với Lệ Chi, 2 xã Trung Mầu và Ninh Hiệp cũng đang nỗ lực trong chặng đua nước rút. Xã Trung Mầu hiện có 11 tiêu chí đạt, 5 tiêu chí cơ bản đạt và 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, y tế và môi trường. Xã Ninh Hiệp có 14 tiêu chí đạt và 5 tiêu chí cơ bản đạt là y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh. Ninh Hiệp được đánh giá là xã có nội lực tốt trong xây dựng NTM, tuy nhiên, Ninh Hiệp luôn là điểm nóng về an ninh trật tự nên đến nay vẫn chưa đạt xã NTM.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, Ninh Hiệp, Trung Mầu, Lệ Chi đạt và cơ bản đạt từ 16 tiêu chí trở lên, phấn đấu về đích trong năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đến nay đạt 35 triệu đồng/người/năm. Công tác cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa năm 2016 tới các xã, thị trấn, đạt 95%. Thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục rà soát các tiêu chí xây dựng NTM tại các xã. Trên cơ sở đó, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt và chưa đạt ở 3 xã Lệ Chi, Ninh Hiệp và Trung Mầu một cách bài bản, có trọng tâm. Đặc biệt, quyết liệt chỉ đạo xã Ninh Hiệp nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, có biện pháp giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tập trung chỉ đạo hướng dẫn người dân thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp của 20 xã; xây dựng thêm mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn, hoa, cây ăn quả; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất và hỗ trợ mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm từng bước hình thành vùng sản xuất theo quy hoạch. Đến năm 2020, phấn đấu có hơn 90% diện tích lúa chất lượng cao, xây dựng vùng lúa chất lượng cao với quy mô từ 30ha trở lên, diện tích đất trồng cây ăn quả của huyện là 1.300ha; duy trì và mở rộng diện tích trồng rau an toàn đến 550ha trở lên. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bằng các phương án hỗ trợ hạ tầng, kỹ thuật, giống và tạo điều kiện để các hộ dân được vay vốn sản xuất. Mục tiêu của huyện là nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho nhân dân, bảo đảm tiến độ về đích NTM trong năm 2017.

 Tại buổi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình 02 với Ban Chỉ đạo Chương trình 02 huyện Gia Lâm ngày 23.3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị huyện Gia Lâm cần tập trung hơn nữa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt đối với xã Ninh Hiệp để nâng cao chất lượng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ xã tới thôn; giao Sở NN - PTNT là cơ quan thường trực, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo TP đề ra các giải pháp phù hợp hỗ trợ Gia Lâm về đích trong năm 2017.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gia Lâm trên đường về đích
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO