Gia đình và giáo dục gia đình

28/06/2007 00:00

Gia đình là phạm trù xuất hiện sớm nhất trong lịch sử loài người, cũng là thành tựu lâu đời nhất của lịch sử. Ấy vậy mà, như một nhà văn có nhận xét: “hình như đã có một thời, chúng ta cố tình giảm nhẹ vai trò gia đình trong đời sống con người. Và trong nhà trường, trẻ con ít được nhắc nhở lòng tôn kính ông bà, cha mẹ, tình thương mến ruột rà anh chị em. Trong các tác phẩm văn học, nhân vật thường chỉ là đại diện cho một tập đoàn xã hội, một đoàn thể, một dân tộc...Vậy mà có bao giờ mất đi cái ý nghĩa sống còn của gia đình với đời sống con người” (Ma Văn Kháng).

      Cùng với sự nghiệp Đổi Mới, “cái ý nghĩa sống còn của đời sống gia đình đối với đời sống con người” đang ngày càng được nhận thức rõ hơn. Gia đình, giáo dục gia đình được nói đến nhiều hơn, chủ đề gia đình cũng đã xuất hiện thường xuyên hơn trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Đó là điều đáng mừng. Rồi đây đó, khái niệm gia giáo, gia phong được thấp thoáng hiện ra, song chỉ đủ sức gợi nhớ về một thời đã qua chứ chưa là một khẳng định về ý nghĩa cần làm sống lại một truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa của xã hội ta hôm nay. Nhân ngày “Gia đình Việt Nam” xin gợi lại khái niệm “gia giáo”, vốn là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam trong bối cảnh vấn đề  giáo dục gia đình đang đứng trước những thách đố gay gắt của thực trạng đạo đức xã hội và những bất cập của giáo dục học đường đang là nỗi bức xúc của nhiều người.
      Sẽ là một tiếng kèn lạc điệu nếu định bê nguyên xi nội dung của khái niệm “gia giáo” của các cụ ta truyền dạy, đem áp đặt một cách khiên cưỡng vào bối cảnh của xã hội Việt Nam đang mở cửa bước vào con đường hội nhập quốc tế trong thế kỷ XXI. Nhưng sẽ là hồi chuông cảnh báo cần thiết phải gióng lên về vai trò của giáo dục gia đình đang hết sức lúng túng trước những thách đố gay gắt của sự xuống cấp đạo đức xã hội cùng với những tật bệnh của nó đang tấn công vào con em chúng ta, nhằm đem lại cho khái niệm “gia giáo” một nội dung thích hợp. Rõ ràng “gia giáo”- “giáo dục gia đình” từng giữ một vị trí hết sức quan trọng trong xã hội Việt Nam từ bao đời, một nét văn hóa đáng quý mà chúng ta phải kế thừa. Đương nhiên là sự kế thừa trên quan điểm biện chứng, vừa có sự phủ định vừa có nâng cao. 
      Trước tiên, cần phải nói rằng xét thật kỹ, thì khái niệm “gia giáo” có một sắc thái không hoàn toàn trùng khớp với “giáo dục gia đình” mà chúng ta đang sử dụng. Chính sắc thái ấy cho phép nó thường đi liền với khái niệm “gia phong”. Hai khái niệm đó được sử dụng nhằm ẩn chứa một sự tôn kính về truyền thống riêng của những kiểu loại gia đình gắn liền với dòng họ làm đậm thêm ý nghĩa của thiết chế xã hội đặc thù mang màu sắc dân tộc, một hiện tượng đặc trưng của văn hoá dân tộc
      Trong xã hội ta xưa, vị trí của “người thầy” đứng ở bậc rất cao, chỉ sau vua, trên cả cha, khẳng định truyền thống “tôn sư trọng đạo” của ông cha ta. Không phải chỉ học trò kính thờ thầy, mà gia đình học trò cũng hết sức tôn kính ông thầy của con mình. Nội dung giáo dục của “thầy” với giáo dục gia đình là thống nhất trong “mục tiêu chủ yếu là giúp cho con em học làm người”, song giáo dục gia đình cũng có nét riêng giúp vào việc hình thành nhân cách cho con em. Đó là kinh nghiệm sống của cha mẹ truyền dạy cho con cháu qua câu chuyện tâm tình trong nhà. Đó là mẹ dạy cho con gái, vì con gái không được cắp sách theo học thầy. Đó là những bài “gia huấn” được một số gia đình thuộc loại “danh gia vọng tộc” soạn riêng để dạy cho con em mình. Nét riêng của một số kiểu loại gia đình tạo thành “gia phong” được truyền dạy và tạo thành niềm tự hào mà con cháu họ cố gắng gìn giữ. 
      Cũng chính vì thế, khái niệm “gia giáo” ẩn tàng trong đó ý thức tự hào và cổ vũ lòng tự trọng để giữ được “nếp nhà”, giữ được “gia phong” để xứng đáng là “con nhà gia giáo”. Dưới những biến thái khác nhau, song giáo dục gia đình dù ở bất cứ thời đại nào cũng giữ một vai trò quan trọng trong việc rèn dạy cho con em “nên người”. Gây dựng lại nét truyền thống về niềm tự hào của “con nhà gia giáo”, cổ vũ cho tinh thần tự trọng để bảo vệ nếp nhà, gìn giữ “gia phong” là điều có thể làm được. Bắt đầu từ một số gia đình nào đó có đủ những yếu tố cần thiết và cộng đồng xã hội nơi đó nên động viên cổ vũ để nhân rộng ra trong nội dung của xây dựng “gia đình văn hóa”. Từ “điểm” mà mở rộng ra thành “diện”, chuyển dần nội dung “gia đình văn hoá” gắn với “gia giáo, gia phong” để tăng thêm động lực cho từng thành viên trong gia đình phấn đấu, rèn luyện để xứng đáng là “con nhà gia giáo”. Thực ra, trong khái niệm “gia đình văn hoá” nên đặt rõ nội dung hình thành và củng cố văn hoá gia đình bằng cách đưa văn hoá vào trong sinh hoạt gia đình, trước hết là trong giáo dục gia đình. Điều này có ý nghĩa lớn đến việc nâng cao dân trí, dân khídân chủ trong toàn xã hội. Đó chính là xây dựng truyền thống mới.
      “Truyền thống làm nên đặc trưng của bản sắc dân tộc và là phần cốt lõi của văn hoá gia đình Việt Nam” (Trần Đình Hượu). “Truyền thống” không là cái nhất thành bất biến. Chẳng hạn như các “con em trong gia đình” cũng đồng thời là những “thành viên của xã hội”. Tuy vậy, không thể đem cách ứng xử trong mối quan hệ gia đình để áp dụng trong quan hệ xã hội, và ngược lại, cũng không thể áp đặt những chuẩn mực ứng xử xã hội vào trong ứng xử gia đình. Bởi lẽ, các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau trong mối thâm tình máu mủ, ruột rà. Quan hệ huyết thống là nét đặc thù phân biệt thiết chế gia đình khác hẳn với các loại thiết chế xã hội khác. Thế nhưng, trong một thời gian dài, quan niệm “nhà” và “nước” chỉ khác nhau về quy mô không khác nhau về bản thể đã cho phép đưa cách ứng xử trong gia đình áp đặt vào trong xã hội theo lề thói gia trưởng. 
      Cho nên, “con em” trong gia đình phục tùng sự sai khiến của cha mẹ, khi là thành viên trong xã hội, họ cũng là thân phận con em chịu sự sai khiến của các nhà cầm quyền, các bậc “cha chú”. Trong sự ưu trội của tính cộng đồng, cá nhân bị che lấp. Cá nhân là thành viên trong gia đình hay là thành viên trong xã hội đều không tự khẳng định được mình với tư cách là cá nhân. Họ hiện diện trong đời sống với tư cách là “con cái nhà ai”, “gia thế ra sao”, chứ không với tư cách là một “cá nhân công dân”. Tính năng động chủ quan của mỗi người bị thui chột vì cái tôi không thể đứng một mình, “nó cứ luôn luôn đi theo chữ anh, chữ bác, chữ ông” (Hoài Thanh).
      Có hiểu điều đó mới thấy được những “đụng độ” không sao tránh khỏi khi thế hệ trẻ hiện nay muốn tự khẳng định mình thường dễ va chạm với “các bậc cha chú” thường cứ muốn lấy mình làm chuẩn  để “ con em” phải khuôn theo. Ấy thế mà, giải phóng cá nhân là động lực tinh thần của hiện đại hóa. Vấn đề cá nhân - công dân chính là vấn đề có ý nghĩa nền tảng của xã hội hiện đại. Cũng trên ý nghĩa đó, giáo dục gia đình không thể không đặt ra việc hình thành nhân cách cá nhân công dân trong xã hội cho con em trong gia đình. 
      Điều ấy phù hợp với đòi hỏi của thời đại chúng ta đang sống, thời đại của sự khẳng định mạnh mẽ cá nhân: bản sắc, nhân cách, quyền hạn, lợi ích, trách nhiệm và các giá trị cá nhân. Vì thế, “gia giáo” tự nó phải mang một nội dung mới trong quan niệm về lễ nghĩa, đạo đức, tính cách, lối ứng xử, cách giao tiếp… Chính vì thế, phải biết “truyền thống hóa hiện đại và hiện đại hóa truyền thống” trong giáo dục gia đình, trong phục hồi trở lại khái niệm “gia giáo, gia phong”. Cho nên, tuy có một sắc thái không hoàn toàn trùng khớp với “giáo dục gia đình”, song “gia giáo” là một giá trị có ý nghĩa lớn cần phải được phục hồi, thanh lọc và nâng cao. 
      Vấn đề sẽ trở nên thiết thực hơn khi mỗi gia đình tự trang bị cho mình những “kháng thể mạnh” đủ để chống lại những tật bệnh xã hội đang có chiều hướng gia tăng như tệ nạn ma túy, cơn dịch bệnh “lắc”, những băng nhóm bạo lực ở tuổi học sinh v.v…  đang là hiểm họa rình rập đời sống của không ít gia đình Việt Nam, nhất là các gia đình đô thị và ven đô, kể cả con em của gia đình nông thôn đang đổ về đô thị ngày càng đông để tìm kiếm việc làm. Nâng cao ý thức trách nhiệm và sự hiểu biết cho những người chủ gia đình, nhen nhúm trở lại một nét đẹp văn hoá của xã hội và gia đình Việt Nam trong việc vun đắp truyền thống gia đình, hình thành nên “nếp nhà” để lấy đó làm điểm tựa cho việc động viên, giáo dục con cháu biết cách rèn luyện và giữ gìn danh dự của gia đình, không làm xấu đi nét đẹp của “con nhà gia giáo”, biết tự hào trong vun đắp, gây dựng “gia phong” chính là tạo nên những “kháng thể mạnh” đó. Sức mạnh các giải pháp của quản lý Nhà nước chú ý khởi động được sức mạnh của gia đình và dư luận cộng đồng quyết liệt phê phán, ngăn chặn và trấn áp những tệ nạn xã hội chính là góp phần tạo nên những kháng thể mạnh đó.
      Chẳng hạn như, tìm ra căn nguyên của một bệnh lý xã hội như  cơn dịch “lắc” mà lực lượng Công an vừa triệt phá ở vũ trường lớn ở Thủ đô và nhiều nơi khác đang lây lan rất nhanh để có thể tìm ra cách dập tắt bệnh dịch và khởi thảo kế hoạch dự phòng là cả một quy trình phức tạp và có bài bản với sự phối hợp của nhiều ngành chức năng và cơ quan nghiên cứu. Nhưng, nếu chỉ lực lượng công an và một số ngành chức năng “ra quân” mà không có sự tham dự của những người trong cuộc, ở đây là gia đình của nạn nhân thì sẽ khó duy trì được những “chiến công”. Nhận diện cho rõ nạn nhân của cơn bệnh xã hội quái ác đang bùng phát ở đô thị và một số vùng ven đô này sẽ thấy rõ, nếu không có sự tham dự của “người trong cuộc” vào việc phòng chống dịch “lắc” mà nạn nhân là con em họ, sẽ không sao triệt phá và loại bỏ được nó. Nhiều gia đình đang là nạn nhân của cơn dịch bệnh xã hội này. Nhưng, cần thấy rằng, trong nhiều trường hợp,  gia đình can dự vào cơn dịch bệnh xã hội này với tư cách là thủ phạm. Nỗi đau những người làm cha, làm mẹ của những chàng trai, cô gái đang là những con thiêu thân lao vào ánh đèn điên dại của các “động” lắc, thật khó mà đo đếm. Chính vì thế, gia đình có một tác động trực tiếp và bền vững nếu xã hội biết gọi dậy đúng lúc và bền bỉ động viên sự đóng góp có ý nghĩa quyết định của chính thiết chế xã hội đặc biệt này.
      Nhiều gia đình đang thực sự lo lắng vì cơn dịch kia có nguy cơ lây lan đến con cháu của họ. Có những người thực sự hoang mang không giải thích nổi vì sao con mình lại dính vào cơn dịch “oan nghiệt” này. Thật đáng thương cho những gia đình đang là nạn nhân phải gánh chịu những tai họa ập xuống tổ ấm của họ khi phải “nuôi con gái mà phấp phỏng như nuôi hổ dữ trong nhà”, như một tờ báo đã đưa tin!


      Song cũng không ít những người chủ gia đình, vì đang mải mê trong cuộc mưu sinh mà chưa dành thời gian và tâm sức thích đáng cho việc phòng chống những tệ nạn xã hội đang len lỏi, thâm nhập vào cuộc sống của họ, tấn công trực diện vào con cháu họ. Đáng buồn hơn là những tấm gương phản diện của nhân cách và lối sống của một số người chủ gia đình có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy con cháu họ vào cơn dịch bệnh xã hội đáng sợ ấy. Đấy là những kẻ giàu sụ phất lên nhờ những thủ đoạn bất chính đã hoặc đang ngộ nhận về sức mạnh vạn năng của đồng tiền mà không thấy được nguy cơ đồng tiền huỷ diệt trở lại chính kẻ sở hữu chúng. Chẳng mới mẻ gì việc kẻ nào tin rằng tiền bạc làm được mọi chuyện thì kẻ ấy dám làm bất cứ chuyện gì để có tiền bạc rồi tự trấn an với cái triết lý về đồng tiền không có mùi. Họ cố tình quên hoặc không chịu biết rằng, tự cổ chí kim, những đồng tiền bất chính chỉ có khả năng gọi dậy những dục vọng thấp hèn và đê hạ trong con người. Càng có nhiều đồng tiền bẩn, cho dù đã qua những công đoạn tẩy “rửa” tinh vi, xảo quyệt thì kẻ sở hữu và hưởng thụ chúng vẫn không hề quên nguồn gốc và cố tình quên đi hậu hoạ của cái mà chúng đang sở hữu. 
       Khi những nam thanh nữ tú, “quý tử” của những gia đình giàu có được tha hồ vung tiền nhằm đáp ứng những nhu cầu nhục dục của thú vui mới, “tạo cảm giác hưng phấn tột bậc, không biết mệt mỏi”…“khi thuốc ngấm, cơ thể dường như tan biến…chỉ còn mỗi não bộ bay vút lên trời như pháo thăng thiên! Tất cả nỗi buồn, căng thẳng đều bay theo!” thì cùng bay theo nỗi buồn và sự căng thẳng đó sẽ là sự bại hoại cơ thể và tâm hồn trong những cơn “lắc” điên dại.
      Sự “quả báo” là “nhỡn tiền”, cái mà nhiều gia đình đang cay đắng nhận lĩnh. Khác với những khoái cảm tinh thần, cường độ của những  khoái cảm về vật chất tỷ lệ ngược với độ dài của nó. Chúng chỉ lấp đầy một thời gian không đáng kể trong cuộc sống của con người và do đó, dù có sống xa hoa đến đâu đi nữa, cho dù được thoả mãn thứ triết lý ngông cuồng “không tiêu tiền nhanh là có tội”, cho dù được phiêu diêu trong làn khói khoái lạc của thành viên “câu lạc bộ một tỉ” (tức là đốt của gia đình tối thiểu từ một tỉ trở lên), kẻ chỉ biết hưởng thụ khoái cảm vật chất sẽ không sao tìm được sự hài lòng với cuộc sống. Và như giải khát bằng thuốc độc, để vùi lấp sự trống rỗng và chán chường, những con thiêu thân lại lao đầu vào cuộc tìm kiếm cảm giác nhục dục mới. Biến dạng của những hoan lạc thì có vẻ tân kỳ với những sản phẩm hưởng lạc đắt tiền, một thứ cặn bã của nền văn minh mới, song bản chất những nhu cầu đê hạ của con người không được kiềm chế và có nhiều điều kiện để được thả lỏng, thì vẫn dẫn đến những hệ quả vốn xưa như quả đất! Một người không biết đến những giá trị tinh thần cần vun đắp và chiếm lĩnh, mà chỉ biết có khoái cảm về hưởng thụ vật chất, thì rồi trong họ sẽ chỉ lan tràn khát vọng hưởng thụ vật chất. Điều ấy sẽ dẫn đến xu hướng trụy lạc với đủ các ung nhọt trong tâm hồn và trên cơ thể do nó gây ra. Đến đây thì tại họa của một số gia đình trở thành tai họa của cả xã hội. Đồng thời, với nhiều gia đình, căn bệnh xã hội quái ác sẽ tàn phá cuộc sống của gia đình mà dường như là vô phương cứu chữa.
      Đối diện với tật bệnh xã hội như ma túy, cơn dịch thuốc “lắc”, bao lực trong trẻ em… Đã đến lúc mà hồi chuông cảnh báo phải gióng lên mạnh mẽ hướng vào gia đình cũng phải có sức âm vang, lan tỏa xuyên vào mọi ngõ ngách của cộng đồng xã hội khi mà chúng ta có hẳn một “ngày gia đình Việt Nam”. Song đây không là chuyện của một ngày.
      Cùng với sự phát triển kinh tế, thời thơ ấu của phần lớn các cháu được chăm sóc về đời sống vật chất khá hơn trước. Đó là điều đáng mừng, song chớ quên rằng “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (thơ Nguyễn Duy). Cái phần “hồn” ấy mới mong manh, sống động, mãnh liệt, nhưng cũng dễ bị thương tổn biết bao. Vậy mà, không có cái phần “hồn” ấy thì phần “xác”còn có nghĩa lý gì? Chăm sóc đời sống tâm hồn của bé khó hơn rất nhiều so với lo cho chúng “hay ăn, chóng lớn”. Ấy thế mà, “có thể nói sau 5, 6 tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi”. Cần phải ghi nhận kỹ ý kiến rất đáng suy nghĩ đó của nhà văn hoá đáng kính, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Vì lý do ấy, ông khuyên: “Để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”. Cứ ngẫm nghĩ kỹ sẽ không khỏi giật mình về cách ứng xử của gia đình, nhà trường và xã hội với trẻ em. Chúng ta đã làm gì để các cháu có thể “sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của chúng”, để chúng có thể hình thành được những tính cách, mà rồi giáo dục sẽ khó mà biến đổi! Trong đó có trách nhiệm của giáo dục gia đình.
      Để chăm sóc sức khoẻ cho các cháu, ngành y tế đang đánh vật với việc cấp thẻ khám bệnh miễn phí cho các cháu từ 6 tuổi trở xuống. Dù sao thì rồi cuộc “đánh vật” này cũng sẽ có hồi kết thúc vì đã có “chuẩn”. Còn chăm sóc đời sống tâm hồn cho trẻ thì sao? Liệu có cần cái thẻ khám bệnh miễn phí cho đời sống tâm hồn của trẻ dưới 6 tuổi do những “vi trùng phản văn hoá” độc hại gây nên  không? Xã hội ta đang đối diện với một thực trạng được báo động, đó là tai nạn giao thông. Nỗi đau và nỗi lo của tai nạn ấy tác động trực tiếp hàng ngày. ÂÆy thế nhưng, người ta chưa có sự báo động cần thiết đến những “tai nạn” đang gieo vào tâm hồn trẻ thơ. Điều này dễ hiểu, người ta chưa kịp rùng mình vì vết thương tâm hồn không trực tiếp chảy máu như vết thương trên cơ thể. Song những dấu ấn tuổi thơ ấy sẽ đi suốt cuộc đời của mỗi con người. Cái này chẳng đáng sợ sao?
      “ Con ơi muốn nên thân người. Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha”, song bé lớn lên không phải chỉ “nghe” những lời mẹ cha, mà còn “lắng tai nghe lấy” biết bao người khác, chuyện khác nữa. Và không chỉ có nghe, mà còn nhìn, còn làm theo. Theo Piaget, nhà tâm lý học bậc thầy : “người khác là đối tượng cảm nhận vào bậc nhất... một đối tượng mà quan hệ qua lại với em bé vừa mang tính cảm giác nhận thức vừa tính cảm xúc, tình cảm”
      Hãy chỉ xin nói đến những “người khác” ấy, và tác động của họ đến sự “nên người” của bé qua chiếc màn hình tivi, công cụ chuyển tải trực tiếp những tác động ấy đến với bé. Nếu thử soát xét thật kỹ, bên cạnh những tác dụng không phải bàn cãi, còn có bao nhiêu những hình  ảnh, lời nói, âm thanh gieo vào tâm hồn trẻ thơ những rác rưởi, độc hại?  Trong điều kiện sinh hoạt hiện nay, phần rất lớn trẻ em và người lớn đều cùng chung một màn hình. Hãy cũng chỉ dừng lại ở những trương mục quảng cáo. Tạm gác lại những trương mục quảng cáo có khả năng làm tê liệt “giây thần kinh xấu hổ” của con người mà đôi lúc vẫn khơi khơi diễn ra trên màn hình để rồi đã bị thổi còi. Hãy chỉ điểm lại vài trương mục tiếp thị và mời chào bánh kẹo mà đối tượng là các cháu bé.  Ở đây là thói tham ăn, tục uống được dẫn giải như là sự sảng khoái số một ở đời, và “ăn thêm lại càng ngon nhé”. Thật là một khuyến cáo giật gân đối với đầu óc tuổi thơ! Mà không phải chỉ có thế, còn có thể kể dài dài ra nữa. Các cháu rồi sẽ còn bị đầu độc bởi cái thứ “văn hóa” quảng cáo dài dài này mà e rằng khó bề ngăn chặn vì nó được bảo kê bằng sức nặng của chi phí dành cho mỗi giây được hiện diện trước mắt người xem truyền hình không phân biệt nam, phụ, lão, ấu! Nếu chịu khó thống kê ra, và đối chiếu với lời cảnh báo “sau 5, 6 tuổi, tính tình con người ta đã hình thành rồi, giáo dục khó mà biến đổi” thì có thể nhận ra ngay tác hại đáng sợ của chúng! Giáo dục gia đình cần phải chú ý đến cái tivi và những trương mục quảng cáo! 
      Trong lúc đó, thì những món ăn tinh thần cho các cháu lại đang quá khan hiếm. Cách đây không lâu, một tờ báo chạy tít lớn: “Ca khúc thiếu nhi ngày càng hiếm”. Tờ báo đặt câu hỏi, vậy thiếu nhi đang nghe gì? Và cho biết : “Tại một phòng trà, người ta tá hoả vì một em bé chạy thẳng lên sân khấu, tua một lèo rồi hồn nhiên hét to lên“người ta cứ nói đừng quá tin” …Vậy té ra, một số đông các em thiếu nhi đã nghe tất tần tật những gì người lớn vẫn nghe”. Chúng ta đang “nuôi phần hồn” của con em chúng ta thế này sao. 
      Ca hát là nhu cầu tinh thần hàng đầu của đời sống trẻ thơ. Cùng với âm nhạc, sách cho thiếu nhi cũng là một thực trạng không mấy sáng sủa. Có thể nói gần đây, số lượng thì không đến nỗi quá thiếu. Song chất lượng thì thật đáng suy nghĩ. Bà kể chuyện cổ tích cho cháu, bố mẹ đọc cho con một truyện trước khi con ngủ sẽ đưa những hình ảnh đẹp vào giấc mơ của bé. Đó là những liều thuốc bổ dưỡng tinh thần giúp hình thành nhân cách cho trẻ mà không một cuốn sách giáo khoa, một giáo trình đạo đức học, tâm lý học nào có thể thay thế được. Song, thật đáng tiếc, nét đẹp “gia giáo” đó đang trở nên quá hiếm hoi trong thời buổi kinh tế thị trường sôi động và cuốn hút các bậc phụ huynh trong cuộc mưu sinh, khó có thể dành thời gian cho bé, cho dù chỉ vài chục phút. Các nhà xuất bản sách cho trẻ con hình như cũng chưa mấy chăm sóc đến ngôn từ, hình ảnh sẽ trực tiếp tác động vào tâm hồn của bé. Sách nhiều, nhưng nếu đọc kỹ, thấy thiếu vắng sự cẩn trọng cần thiết của một tấm lòng đối với con trẻ.  Và rồi một số không ít các bậc phụ huynh những tưởng cứ tạo cho bé những tiện nghi hiện đại như tivi, máy tính, các trò chơi điện tử… hoặc không thật cẩn trọng khi mua sách truyện thiếu nhi cho con em, xem thử ngôn từ và hình ảnh cũng như nội dung của truyện ấy ra sao là có thể thay thế cho những cách thức tốn thời gian đó. 
      Cái giá phải trả cho cách quan niệm đó rồi sẽ quá đắt, không những thế, quá muộn! Cùng với sự cẩn trọng và biết dành thời gian cho trẻ, thì những liều vắcxin phòng chống những tật bệnh xã hội vừa nói ở trên đòi hỏi sự nỗ lực lâu dài và có bài bản của giáo dục gia đình gắn liền với nhà trường và các tổ chức xã hội. Trong đó, vai trò của giáo dục gia đình, của “gia giáo” trong nhận thức mới là không thể thay thế. Cũng sẽ không thể thay thế sự định hìnhcổ vũ mạnh mẽ hệ thống giá trị nhằm vun đắp phẩm cách và lối sống của con người làm điểm tựa cho “gia giáo” và “gia phong” mà lâu nay có phần bị xao lãng. 
      Gia đình không thể là một ốc đảo giữa xã hội. Nhưng, gia đình phải tạo ra được những kháng thể tốt để chống lại những dịch bệnh xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Vì, xét cho cùng, những kháng thể do từng gia đình tạo ra sẽ hình thành sức đề kháng của cả xã hội trước những tật bệnh khó tránh khỏi khi mà dòng sông cuộc sống đang chảy xiết. Sông chảy xiết thì những váng bẩn thường dồn lên mặt nước, nhất là ở những đoạn nước xoáy. Thế nhưng, hãy chảy đi sông ơi, mạch sống của dòng sông  là sức cuộn chảy từ bên dưới. Mỗi một gia đình, nếu biết dành cho con em thời gian và sự dạy dỗ cần thiết, sẽ tạo nên được sức cuộn chảy từ bên dưới ấy mà không một tổ chức xã hội, một hệ thống nhà trường, một sức mạnh nhà nước nào có thể thay thế được.
      Nếu văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì giáo dục gia đình, “gia giáo”“gia phong” nếu được nhận thức một cách đúng đắn sẽ là những viên gạch vững chắc xây nên cái nền ấy.

Tương Lai

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gia đình và giáo dục gia đình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO