Hôm 22.1, hàng chục thành viên gia đình của các con tin đã xông vào cuộc họp của Ủy ban Tài chính Knesset (Nghị viện), giơ cao các biểu ngữ: “Các nghị sĩ không thể ngồi yên ở đây trong khi họ đang hấp hối. Đó là người thân của chúng tôi”.
Những diễn biến này cho thấy áp lực ngày càng tăng đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ông khẳng định với công chúng Israel rằng, việc theo đuổi cuộc tấn công tàn khốc ở Gaza là cách duy nhất để đưa các con tin về nhà. Đồng thời, ông bác bỏ tầm nhìn của Hoa Kỳ về một giải pháp thời hậu chiến, nói rằng ông sẽ không bao giờ cho phép một nhà nước Palestine tồn tại.
Tranh chấp về tương lai của Gaza khiến Israel chống lại đồng minh hàng đầu của mình và phần lớn cộng đồng quốc tế. Quan điểm này cũng đặt ra trở ngại lớn cho các kế hoạch quản lý sau chiến tranh hoặc tái thiết lãnh thổ ven biển, phần lớn trong số đó đã không thể sinh sống được do các chiến dịch của Israel.
Khoảng 100 con tin đã được trả tự do theo thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần vào tháng 11 để đổi lấy việc thả những người Palestine bị Israel giam giữ. Khoảng 130 người vẫn bị giam giữ, nhưng một số được xác nhận đã chết. Hamas cho biết họ sẽ thả nhiều tù nhân hơn chỉ để đổi lấy việc chấm dứt chiến tranh và thả hàng nghìn tù nhân Palestine.
Ông Netanyahu đã bác bỏ một thỏa thuận như vậy nhưng sự giận dữ và áp lực từ phía gia đình các con tin ngày càng gia tăng. Người thân và những người biểu tình khác dựng lều bên ngoài dinh thự của ông Netanyahu ở Jerusalem, thề sẽ ở lại cho đến khi đạt được thỏa thuận.
Thủ tướng Netanyahu, người đã chứng kiến uy tín giảm sút từ ngày 7.10, cũng đang phải đối mặt với áp lực từ Mỹ để chuyển sang các hoạt động quân sự chính xác hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Hoa Kỳ cũng kêu gọi chính quyền Palestine cải cách để quản lý Gaza sau chiến tranh và kêu gọi các cuộc đàm phán để bắt đầu giải pháp hai nhà nước. Chính quyền Palestine do Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu, hiện đang quản lý các khu vực ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng và không còn quyền lực ở Gaza sau khi Phong trào Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2006.
Mặc dù Chính quyền Palestine được phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận, song Thủ tướng Netanyahu đã từ chối lực lượng này tham gia đàm phán cũng như việc thành lập một nhà nước Palestine. Liên minh cầm quyền chịu ảnh hưởng từ các đảng cực hữu muốn đẩy mạnh cuộc tấn công, thúc đẩy hàng trăm nghìn người Palestine di cư khỏi Gaza và tái lập các khu định cư của người Do Thái ở đó.
Trong một diễn biến liên quan, tại một cuộc họp ở Brussels hôm 22.1, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu đưa ra Lộ trình Hòa bình 10 điểm, trong đó kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine, cho rằng đó là cách duy nhất để đạt được hòa bình.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Stephane Sejourne cho rằng việc ông Netanyahu phản đối giải pháp hai nước là một lựa chọn “đáng lo ngại”. Bởi sẽ cần có một nhà nước Palestine với sự bảo đảm an ninh cho tất cả mọi người”.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell thì cho rằng việc xua đuổi người Palestine ra khỏi lãnh thổ của họ sẽ chỉ khiến thù hận thêm chồng chất.
Người Palestine đang tìm kiếm một nhà nước bao gồm Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem do Israel sáp nhập, những vùng lãnh thổ mà Israel chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Các cuộc đàm phán hòa bình đã tan vỡ gần 15 năm trước.