Gia đình - môi trường giáo dục đầu tiên

- Thứ Năm, 27/06/2013, 08:28 - Chia sẻ
Theo Phó hiệu trưởng Trường THPT Hà Thành (Hà Nội) Nguyễn Tường Lan, “gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và có tính quyết định việc hình thành nhân cách của trẻ. Nhà trường và xã hội là những môi trường giáo dục quan trọng, song chỉ có thể phát huy hiệu quả khi lấy giáo dục gia đình làm cơ sở”.

Mỗi đứa trẻ gắn bó và lắng nghe những âm thanh của cuộc sống đầu tiên từ cha mẹ mình. Khi người mẹ mang thai, trong gia đình đã có ý thức giáo dục trẻ từ việc lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng để trẻ sinh ra khỏe mạnh. Rồi khi đứa trẻ chào đời, được tiếp xúc với văn hóa dân tộc từ lời ru, giọng hát của bà của mẹ, tiếp xúc với ngôn ngữ dân tộc từ lời nói của cha mẹ. Người đầu tiên chỉ dạy bé cách đi đứng, nói năng chính là cha mẹ, ông bà và những người thân trong gia đình. Vì thế, có thể nói, khi con người chưa có hiểu biết về mình, về xã hội thì đã được định hướng và chỉ dạy từ gia đình; đứa trẻ tiếp xúc với môi trường giáo dục đầu tiên, trường học đầu tiên ấy cũng là gia đình.


Nguồn: thanhhoatourism.com.vn
Kinh tế - xã hội khởi sắc, đời sống của phần lớn gia đình được nâng lên, việc giáo dục thế hệ trẻ có điều kiện thuận lợi; con trẻ có cơ hội vươn lên khẳng định mình trong sự phát triển lành mạnh của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, nhà giáo Tường Lan cảnh báo về nguy cơ tan biến của giáo dục gia đình trong thời điểm hiện nay trước tác động của môi trường xã hội, của các loại văn hóa phẩm độc hại, của lối sống thực dụng phương Tây. Hiện nay, không ít cha mẹ lo nuôi con nhiều hơn đầu tư cho việc dạy chữ, dạy người; hoặc nhiều cha mẹ coi trọng việc giáo dục con cái phát triển toàn diện, song do kiến thức và năng lực hạn chế nên hiệu quả giáo dục thấp. Đặc biệt, nhiều bậc cha mẹ bỏ quên vai trò làm người thầy của con, phó mặc việc giáo dục con cho nhà trường, nhất là khi trẻ bắt đầu đi học.

Khác với giáo dục trong nhà trường là dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh, trong gia đình, việc, dạy dỗ con cái diễn ra trên cơ sở tình cảm yêu thương và tin cậy lẫn nhau giữa cha mẹ và con. Chính vì vậy, những tác động của cha mẹ dễ được trẻ tiếp nhận hơn. Nhà giáo Tường Lan khẳng định: “Cuộc sống tràn đầy tình yêu giữa những người ruột thịt là điều kiện tốt nhất để giáo dục cho trẻ tình cảm, đạo đức và trách nhiệm đối với mọi người. Đây là điều mà nhà trường, các tổ chức xã hội khác khó có thể làm được”. Tuy nhiên, do bị chi phối bởi tình yêu thương nên đôi khi giáo dục trong gia đình bị hạn chế, bởi ở độ tuổi nào, con cái vẫn bị bố mẹ coi còn bé bỏng. Vì thế, đôi khi cha mẹ cần phải có lý trí tỉnh táo để nuôi dạy con trong gia đình. Các bậc phụ huynh phải coi việc dạy dỗ con ở nhà là một trong những nhiệm vụ lớn. Hãy là những người mẹ, người cha, người thầy, người cô và là những người bạn tốt nhất của con mình. Mỗi ngày, cha mẹ hãy tạm gác những công việc của mình, bớt ra khoảng 10 - 15 phút để trò chuyện và chia sẻ cùng con. Bên cạnh việc dành thời gian trò chuyện cùng con, các bậc cha mẹ cũng phải nâng cao kiến thức, tìm hiểu những thay đổi cơ thể tâm sinh lý của con mình, tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp với từng đứa trẻ ở từng giai đoạn trưởng thành.

Một trong những trở ngại lớn của môi trường giáo dục gia đình là khoảng cách giữa các thế hệ. Sự khác biệt trong quan niệm giáo dục giữa mọi người trong gia đình cần được khắc phục để cha mẹ và con cái luôn gần gũi, hiểu nhau hơn. Cha mẹ cần là người điều chỉnh, để không những chấp nhận, cảm thông ở mỗi vai trò của nhau mà còn cố gắng, kiên nhẫn, tìm hiểu, để ngày càng thích ứng chan hòa sống vui với con cái.

Hồng Hà