Giá đắt cho quần áo giá rẻ

Thanh Chi
Theo Time/ Financial Times
02/05/2013 08:24

Vụ sập tòa nhà 8 tầng Rana Plaza ở vùng ngoại ô Dhaka, Bangladesh hồi tuần trước, làm ít nhất 362 người thiệt mạng, đã gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng các công trình xây dựng, sự phát triển nóng của ngành may mặc ở Bangladesh và đặc biệt là trách nhiệm của các hãng bán lẻ phương Tây thuê nhân công giá rẻ ở quốc gia đang phát triển này.

Giá đắt cho quần áo giá rẻ ảnh 1
Nguồn: Time

Đây là tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp may mặc. Cảnh sát Bangladesh cho biết, khi vụ tai nạn xảy ra, có trên 3.000 người đang có mặt trong tòa nhà Rana Plaza. Khoảng 2.400 người đã được cứu thoát từ đống đổ nát của tòa nhà bị sập, trong đó ít nhất phân nửa số người này bị thương. Vụ sập tòa nhà Rana Plaza ở Bangladesh gây nhiều thương vong hơn so với vụ cháy nhà máy Triangle Shirtwaist năm 1911 trong lịch sử nước Mỹ - thảm kịch này sau đó đã dẫn tới sự ra đời của đạo luật yêu cầu cải thiện tiêu chuẩn an toàn tại các nhà máy; thảm khốc hơn vụ cháy nhà máy Kader Toy tại Bangkok (Thái Lan) năm 1993, từng làm 188 người thiệt mạng, trong đó hầu hết là phụ nữ và em gái vị thành niên; hay vụ cháy nhà máy Ali Enterprises tại Karachi xảy ra 8 tháng trước, cướp đi sinh mạng của ít nhất 262 người.

Cảnh sát Bangladesh cho biết, đã bắt giữ chủ sở hữu tòa nhà Rana Plaza là Mohamed Sohel Rana hồi cuối tuần qua, khi đối tượng này tìm cách trốn khỏi Bangladesh. Cảnh sát nói rằng, ông Rana và các giám đốc công xưởng đã làm ngơ trước những cảnh báo chính thức và yêu cầu di tản những người bên trong tòa nhà Rana Plaza, sau khi các nhân viên kiểm tra phát hiện những vết nứt trong tòa nhà này một ngày trước khi tai nạn xảy ra.

Hiện, nhà chức trách Bangladesh vẫn đang điều tra nguyên nhân đằng sau vụ sập tòa nha. Song, không thiếu nguyên do dẫn tới thảm kịch trên, trong đó phải kể đến thực trạng các quy định pháp luật về xây dựng ở Bangladesh hiếm khi được chấp hành nghiêm túc, nạn tham nhũng hay rút ruột công trình diễn ra tràn lan. Trên thực tế, những thảm kịch thương tâm tương tự vụ việc vừa qua xảy ra thường xuyên. Bằng chứng là hồi tháng 11 năm ngoái, xảy ra vụ cháy lớn tại một nhà máy dệt ở Dhaka làm hơn 100 người thiệt mạng.

Vụ việc cũng đã khơi lại mối lo ngại rằng liệu những công ty may mặc nổi tiếng toàn cầu này có thực hiện đủ biện pháp nhằm cải thiện các tiêu chuẩn an toàn trong ngành công nghiệp đang phát đạt nhất ở Bangladesh không? Tòa nhà Rana Plaza là nơi đặt 5 xưởng may có tên New Wave Button, New Waive Styles, Phantom Apparels, Phantom Tack và Ethar Textile Ltd. Trang điện tử của New Wave cho biết, xưởng may của họ cung ứng sản phẩm may mặc chủ yếu cho các nhà bán lẻ của Mỹ và châu Âu. Công ty Ethar Textile Ltd. sản xuất quần áo cho chuỗi siêu thị Walmart. Hãng thời trang Primark của Anh thừa nhận  đang vận hành một xưởng may đặt tại tòa nhà Rana Plaza, còn những công ty khác thì im hơi lặng tiếng sau thảm họa này. Vì thế, nhiều người đổ lỗi cho các công ty châu Âu và Mỹ về điều kiện làm việc tệ hại do những công ty này đòi các xưởng may bán hàng với giá rẻ.

Chi phí kinh doanh và giá nhân công thấp ở Bangladesh đã thu hút nhiều hợp đồng béo bở trong ngành dệt may của nước này. Đây cũng là ngành công nghiệp phát triển nhất tại Bangladesh, với giá trị sản xuất lên tới 18 tỷ USD. Thế nhưng, người lao động làm việc tại các xưởng may ở nước này lại chỉ được trả công với mức lương bóc lột - ước tính 36,5 USD/tháng.

Có thể nói, thảm kịch Rana Plaza đã phơi bày thực tế tàn khốc của nền thương mại toàn cầu: nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thời trang với giá hợp lý tại những nền kinh tế phát triển, công nhân dệt may với mức lương thấp ở những nước đang phát triển như Bangladesh phải lao động quần quật trong môi trường làm việc không an toàn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Theo thống kê của Diễn đàn quốc tế về quyền lợi lao động, một nhóm vận động có trụ sở ở Washington, hơn 1.000 công nhân dệt may Bangladesh đã chết trong hỏa hoạn và thiên tai. Phải chăng, đây là cái giá quá đắt cho sản phẩm may mặc giá rẻ?

Các nhà hoạt động cho rằng, các hãng bán lẻ quốc tế có thể làm nhiều hơn để ủng hộ cho việc áp đặt các tiêu chuẩn an toàn tại các nhà máy dệt may sản xuất sản phẩm của họ, không chỉ ở Bangladesh mà cả những nơi khác. Người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này, bằng cách gây áp lực lên những thương hiệu may mặc yêu thích của họ, cho dù khách hàng sẽ phải trả tiền nhiều hơn cho sản phẩm so với trước kia. Song, giá thành của một chiếc áo phông có tăng lên đôi chút nhưng vẫn rẻ hơn so với cái giá được tính bằng mạng sống mà công nhân may mặc ở một nước thứ ba nào đó phải.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Giá đắt cho quần áo giá rẻ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO