Giá DAP tăng đột biến là do các yếu tố bên ngoài?

- Chủ Nhật, 07/03/2021, 08:49 - Chia sẻ
Phản hồi về việc giá DAP tăng đột biến gần đây, Bộ Công thương khẳng định, qua theo dõi cho thấy, biến động giá chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển...; còn nhu cầu trong nước đối với DAP về cơ bản không tăng so với các năm trước.

Ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền nông dân

Bình luận về phản hồi của Bộ Công thương, có ý kiến cho rằng, Bộ không thể nói chung chung mà cần dẫn chứng những con số cụ thể, chi tiết để đánh giá tình hình. Ngoài ra, khi áp dụng biện pháp phòng vệ, có một tiêu chí quan trọng nhất đó là hàng nhập khẩu rẻ hơn khiến hàng trong nước bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, như khẳng định của Bộ Công thương, yếu tố quan trọng này không còn, và nguy cơ tiếp tục áp dụng phòng vệ sẽ gây ảnh hưởng diện rộng tới ngành sản xuất nông nghiệp trong nước. Không thể nói rằng không có quy định “bãi bỏ tạm” thời để không áp dụng, và nếu không bãi bỏ tạm thời thì có thể xem xét việc bãi bỏ. Và nếu có căn cứ xác đáng việc tiếp tục duy trì biện pháp phòng vệ gây bất ổn nguồn cung và tăng giá quá mức đối với DAP trong nước thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN - PTNT), phân bón vô cơ chiếm 90% nhu cầu tiêu thụ hàng năm ở nước ta. Trong đó, phân NPK chiếm tỷ trọng lớn nhất (35,5%), tiếp đó là Urea (22,2%), DAP (10,1%) và phân lân đơn (9%).

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón tăng đột biến, đặc biệt là sản phẩm DAP - một loại phân vô cơ với thành phần chính là đạm (18%) và lân (46%) dễ hấp thu cho cây trồng nhưng phải nhập khẩu khoảng 60 - 70%. Hiện tại, phân bón DAP nhập khẩu vẫn phải chịu mức thuế tự vệ, khoản trên 1 triệu đồng/tấn - được cho là có liên quan đến tình trạng giá DAP tăng đột biến gần đây. Diễn biến này ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất của nông dân.

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ trong bối cảnh giá phân bón ngày một tăng khiến chi phí sản xuất tăng lên thì việc áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm phân bón DAP và MAP để bảo trợ cho các nhà máy sản xuất trong nước, chủ yếu là DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) cần được xem xét kỹ. “Phải làm rõ cơ sở nào để đưa ra biện pháp tự vệ đó? Các tiêu chí cần đánh giá bao gồm: nhu cầu thị trường, chính sách đó tác động tới đối tượng nào ở quy mô ra sao, chất lượng sản phẩm được bảo hộ như thế nào? Nếu bảo hộ các sản phẩm có chất lượng kém hơn nhập khẩu thì không hợp lý”.

Cùng quan điểm, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, sản phẩm trong nước không đáp ứng được chất lượng và số lượng thì buộc phải nhập khẩu để cung cấp cho thị trường. Nếu đánh thuế tự vệ mà không căn cứ vào thực tế thì vô hình trung gián tiếp làm giảm năng suất của cây trồng, đánh vào túi tiền của người nông dân.

Còn theo PGS. TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn II tại TP. Hồ Chí Minh, nông dân nước ta thu nhập rất thấp, cuộc sống khó khăn. Vì vậy, trước hết các chính sách cần hướng đến nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, từ đó thu nhập của nông dân tăng lên, đời sống được cải thiện. “Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nông sản không tiêu thụ được như hiện nay, biện pháp tự vệ thương mại đối với phân bón DAP và MAP có phù hợp với cam kết quốc tế cũng không nên sử dụng”, ông Khải nhấn mạnh.

Trước mắt, ông Khải cho rằng cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra ngay xem thị trường có khan hiếm hàng không? Giá tăng cao ra sao? Có yếu tố đầu cơ, dựa vào tình hình giá cả thế giới tăng cao, các nhà phân phối tại thị trường nội địa “té nước theo mưa” đẩy giá lên không? Ngoài ra, cần làm rõ nhà sản xuất trong nước có đủ đáp ứng nhu cầu trong nước không, và cần có cam kết bảo đảm đủ phân DAP cho thị trường nội địa, không để giá “nhảy múa” từng ngày trong vụ hè thu tới.

Thuế tự vệ với DAP đã được cân nhắc

Phản hồi về việc giá DAP tăng đột biến gần đây, Bộ Công thương khẳng định, qua theo dõi cho thấy, biến động giá chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài như sự tăng giá của một số nguyên liệu đầu vào, sự gia tăng của chi phí vận chuyển...; còn nhu cầu trong nước đối với DAP về cơ bản không tăng so với các năm trước đây. Trong bối cảnh đó, giá DAP sản xuất trong nước không tăng mạnh như giá DAP nhập khẩu cho thấy ngành sản xuất trong nước đã phát huy tác dụng trong việc hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ các yếu tố bên ngoài, góp phần kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón DAP.

Về việc áp thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, quyết định áp dụng biện pháp này dựa trên cơ sở yêu cầu hợp lệ của ngành sản xuất trong nước và sau một quá trình điều tra, đánh giá toàn diện tác động của các sản phẩm này tới thị trường Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật có liên quan. Thuế tự vệ đối với DAP và MAP nhập khẩu được áp dụng ở mức thấp hơn, thời gian áp dụng ngắn hơn so với quy định của WTO và được giảm dần theo lộ trình cho thấy Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan đã cân nhắc kỹ thực trạng của thị trường phân bón trong nước, tác động của biện pháp tự vệ tới các bên sử dụng và tác động đến chi phí trồng lúa.

Theo tính toán của Bộ Công thương, tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp tự vệ, mức thuế tự vệ chỉ tương đương tối đa khoảng 0,66% tổng chi phí của người trồng lúa. Tỷ lệ này tới nay có thể còn thấp hơn do mức thuế tự vệ được giảm dần theo lộ trình trong khi nhiều chi phí khác trong sản xuất lúa tăng lên.

Theo Bộ Công thương, với một nước nông nghiệp như nước ta, việc tránh phụ thuộc vào nguồn phân bón nhập khẩu là một vấn đề quan trọng. Trước năm 2009, khi ngành sản xuất trong nước chưa hình thành, giá phân bón DAP đã từng bị đẩy lên rất cao (18.000đ/kg năm 2008), gây ảnh hưởng tiêu cực đến người nông dân. Thực tế cho thấy, với nhiều ngành công nghiệp đầu vào quan trọng như phân bón, kim loại cơ bản, hóa chất, chất dẻo... khi đã có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá bình quân luôn thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó.

Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, các biện pháp phòng vệ thương mại có tính chất dài hạn nhằm đem lại một môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Việc áp dụng biện pháp phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ theo những biến động mang tính thời điểm. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN - PTNT và các đơn vị liên quan để đánh giá, rà soát biện pháp tự vệ một cách khách quan, tổng thể và phù hợp với quy định của pháp luật.

An Thiện