Giá cà phê lên cao nông dân được lợi gì?

- Thứ Bảy, 12/03/2011, 07:59 - Chia sẻ
Giá cà phê lại lên do các nước thất thu, cung không đủ cầu… và nhiều yếu tố khác. Tất nhiên sẽ có nhiều người mừng vui. Riêng bà con nông dân trồng cà phê chỉ biết ngậm ngùi. Nhưng giá lên cũng làm cho họ vui hơn khi nghĩ đến mùa vụ sau. Đó có lẽ là niềm vui bất tận của nông dân trồng cà phê.


Nguồn: giacaphe.com

1. Dân số nước ta hơn 70% sống với sản xuất nông nghiệp nên nói đến việc bán lúa non hầu như ai cũng biết. Với người trồng cà phê cũng vậy. Đặc thù của loại cây công nghiệp này là cần vốn đầu tư lớn mà nhà nông nước ta chỉ có cần cù, siêng năng nên phải bán cà phê non là chuyện thường xuyên, năm này sang năm khác. Bình quân mỗi nông hộ trồng cà phê có chưa đến 2ha đất đai canh tác nên họ cũng quen lối làm ăn riêng lẻ tuy biết rằng đầu tư cho loại cây này phải cần có số vốn lớn. Đầu vụ là chi phí cho máy móc, xăng dầu, dây ống… để tưới cà phê. Những năm gần đây do nguồn nước khan hiếm, nhiều giếng khô cạn, bà con phải mua nước xa, tốn 2 - 3 máy đẩy, hàng chục cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m) để đưa nước về; phải tăng thêm nhân công để coi máy, bảo quản dây ống. Tiền công thuê tưới ngày càng cao (250.000 đồng/công ngày đêm). Mỗi đợt tưới tốn thêm vài triệu tiền mua nước cho 1 ha cà phê. Hộ nào còn cà phê thì đỡ, chứ đã hết rồi thì phải nghĩ đến chuyện bán non hay đi vay lãi suất cao. Năm nào nắng hạn, mưa muộn, phải thêm 1-2 đợt tưới, tốn kém cả chục triệu đồng. Mùa mưa, đỡ lo tiền tưới lại lo tiền phân tro, công cán làm cỏ, cắt cành, bẻ chồi..., không lúc nào hết việc

2. Mùa thu hoạch đến trong bối cảnh giá cà phê trong nước tiếp tục tăng trưởng kéo dài từ lúc Chính phủ chấp thuận hỗ trợ lãi suất cho vay để mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê. Không nhà nông nào nghĩ giá cà phê lại lên cao trong mùa thu hoạch mà họ vẫn canh cánh nỗi lo nhiều bề vốn xưa nay của nông gia. Lo nhất là thu hái, bị mắc mưa cà phê sẽ giảm phẩm chất, trong hoàn cảnh sân phơi còn thiếu thốn và giá sẽ giảm khi vào vụ hái rộ.

Hình như đã sớm có hiện tượng tranh mua mà năm nay các đại lý, cơ sở chế biến tung tiền ra mua cà phê tươi rất nhiều với giá khá cao.

Đi hái trên đường về, ghé vào đại lý hỏi thăm giá cả, anh Trần Đình Toán ở Đăk Tít, ông Nguyễn Văn Hạnh ở Nhân Cơ (Đăk Nông) quyết định chốt giá 7.000 đồng/kg, bán ngay 5 tấn cà phê tươi (tương đương 1 tấn cà phê nhân là 35 triệu đồng). Ở Cư Kuin, Krông Ana, đại lý cho người đi hỏi từng xóm để thu mua cà phê tươi… Nhẩm tính công phơi, xay xát trong hoàn cảnh trời đang mưa lớn cuối mùa, phải thuê lò sấy lên đến 2 triệu đồng/tấn cà phê nhân, nên bà con quyết định bán. Chưa bao giờ chuyện mua bán cà phê tươi lại sôi nổi như năm nay. Mưa nặng hạt hơn một tí là giá cà phê tươi lại rớt, có ngày xuống chỉ còn 6.400 đồng/kg. Khi đại lý ngưng mua vì lò sấy hoạt động không kịp là đã nghe có tiếng ì xèo, năn nỉ. Có nhà vợ chồng to tiếng vì chưa chốt giá bán cà phê tươi mà phơi thì không được… Nông dân thấy giá cao mùa thu hoạch, vừa đỡ tốn công phơi, lại có tiền thanh toán cho công hái, khỏi phải vay mượn nên ai cũng tranh thủ bán.

3. Sự việc càng căng hơn khi trên đài, báo có tin của các thương nhân cà phê nổi tiếng trong ngành cho rằng giá cà phê vậy là quá cao, và sẽ giảm mạnh. Lại có cả quan chức của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định khoảng cuối tháng 12, chậm lắm là qua đầu năm mới dương lịch, giá cà phê nhân sẽ xuống còn khoảng 30.000 đồng/kg. Ngẫm nghĩ suy tính, so sánh cùng với giá cả mọi năm khi vào vụ mùa,  nhiều bà con quyết định bán bớt.

Nhưng qua năm mới dương lịch rồi mà giá cà phê cứ nhích dần lên. Sắp Tết, biết bao nhiêu khoản chi thiết yếu. Với lại, giá cà phê sẽ giảm khi nông dân cùng bán ra nhiều trong kỳ tết. Phải tranh thủ chốt giá bán ngay. Thế là cà phê nhân lần lượt chui vào kho của các doanh nghiệp, các thương nhân, các nhà đầu cơ nhỏ lẻ khắp nơi khi giá ở mức 37 -38.000 đồng/kg mà không thấy xuống như các quan chức tuyên bố. Số cà phê trong dân đã vơi quá nửa.

4. Khi giá cà phê càng lên cao thì người trồng cà phê gặp không ít chuyện, có cả những chuyện cười ra nước mắt. Anh Nguyễn Văn Tứ ở xã Ea Ktur, Cư Kuin tâm sự rằng vợ chồng anh từ khi thu hoạch cà phê đến nay hầu như không mấy vui vẻ vì giá cà phê. Lo sợ rớt giá nên anh bán trước tết, khi giá còn 39 triệu/tấn. Còn được 2 tấn thì ra tết cũng bán hết khi giá lên 42 triệu. Anh cũng tính để lại, chưa muốn bán nhưng vợ con cứ cằn nhằn. Với lại ngày nào chân rết của thương lái đến tỉ tê với vợ anh, nên bực mình anh bán nốt. Giờ thấy giá lên cao, vợ anh suốt ngày cứ vò đầu bức tóc đấm ngực tự trách mình. Mặc dù biết là phải bán để thanh toán đầu tư và các khoản nợ nần. Cùng cảnh ngộ, Mai Hoàng Anh, sinh viên ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh kể mới nhận được điện thoại của gia đình xuýt xoa, tiếc rẻ vì giá cà phê đã lên tới 45,5 triệu/tấn, rằng bố mẹ cứ mãi càm ràm nhau về chuyện vội vàng bán cà phê.

5. Có thể thấy năm nay giá cà phê không theo quy luật nào cả. Thông tin, dự báo của cán bộ quản lý địa phương, ngành chuyên môn, các thông tin quốc tế như hãng tin Reuters (Đức), hãng phân tích Sucden (Anh), nhà băng ABN (Hà Lan) hay của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO) thay đổi liên tục. Nhà nông thì dựa vào trực giác và kinh nghiệm là chính, nên biết đâu mà lần, thua đau trắng tay là phải.

Cho đến giờ có thể khẳng định cà phê trong dân còn không đáng kể. May ra là còn trong những nông hộ có diện tích vài ha trở lên hay những hộ là công chức nhà nước, cán bộ địa phương hay trong các nhà đầu cơ nhỏ. Các công ty trong nước thì mua đâu bán đó, không có vốn để dự trữ với gánh lãi suất quá nặng. Không khéo, còn đi bán trước mua sau, giờ này mãi đang rượt đuổi theo giá cà phê, theo hợp đồng kỳ hạn, hay đang “xin chết” với wash-out.

Chính vì năng lực có hạn, vốn liếng thì ít, lãi suất ngân hàng quá cao lại ngồi chờ giá xuống như nông dân đoán giá nên cơ hội bị tuột mất. Chỉ khi các doanh nghiệp nước ngoài đẩy giá lên, mua hết cà phê trong dân mới bừng tỉnh. Không có hàng để giao theo hợp đồng nên các doanh nghiệp trong nước đã cùng VICOFA cầu cứu nhà nước, rằng doanh nghiệp nước ngoài vi phạm pháp luật khi tổ chức thu mua cà phê trong dân. Người xưa đã bảo buôn có bạn, bán có phường mà doanh nghiệp nước ta vào họp thì thống nhất rôm rả nhưng ra khỏi phòng mạnh ai nấy làm. Sự việc thế nào công luận đều đã biết.

Giá cà phê lại lên do các nước thất thu, cung không đủ cầu… và nhiều yếu tố khác. Tất nhiên sẽ có nhiều người mừng vui. Riêng bà con nông dân trồng cà phê chỉ biết ngậm ngùi. Nhưng giá lên cũng làm cho họ vui hơn khi nghĩ đến mùa vụ sau. Đó có lẽ là niềm vui bất tận của nông dân trồng cà phê.

Sáng 10.3, giá cà phê nhân xô tại Đăk Lăk tiếp tục lập kỷ lục mới với 49.100 đồng/kg nhân xô, các loại cà phê tiêu chuẩn cao gần xấp xỉ 50.000 đồng/kg, các mức giá chưa từng thấy trong lịch sử ngành cà phê nước ta. Sở dĩ giá cà phê tăng mạnh như vậy là do giá trên thị trường thế giới tăng vọt. Chỉ trong 2 ngày 8 và 9.3, giá cà phê robusta giao tháng 5 tại London đã tăng tổng cộng 154 USD/tấn, lên 2.557 USD/tấn, trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và sự hạn chế bán ra từ các nước sản xuất.

Nguyễn Vịnh