Giá ca cao tăng cao kỷ lục: Cơ hội phục hồi và phát triển bền vững
Giá ca cao liên tục tăng mạnh, có thời điểm lên tới 260.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm qua đang mở ra kỳ vọng mới cho nông dân Đắk Lắk và ngành hàng ca cao. Tuy nhiên, để cây trồng này trở thành hướng đi hiệu quả và lâu dài, cần một chiến lược phát triển bền vững, gắn với sản xuất tuần hoàn và liên kết chuỗi giá trị.

Giá tăng cao, người dân tái đầu tư
Sau nhiều năm bị lãng quên vì giá cả bấp bênh, cây ca cao nay đang được người dân Đắk Lắk quan tâm trở lại. Ông Dương Quang Khang (xã Ea Na, huyện Krông Ana) chia sẻ, từng trồng ca cao từ năm 2004 do cây dễ chăm sóc, ít tốn kém, phù hợp với đất khô cằn. Tuy nhiên, giá thấp kéo dài khiến ông phải phá bỏ một phần diện tích. Hiện nay, khi giá tăng gấp nhiều lần, gia đình ông đang có kế hoạch tái đầu tư để nâng cao thu nhập.
Tại huyện Ea Kar, theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện ông Y Non Mlô cho biết, toàn huyện hiện có hơn 400 ha ca cao, chủ yếu tập trung tại các xã Ea Đar, Cư Ni, Ea Sar và Ea K’Nốp. “Giá ca cao năm nay dao động quanh mức 240.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với mọi năm. Đây là cây trồng có tiềm năng, đặc biệt phù hợp với các hộ nghèo, cận nghèo do dễ chăm sóc và vốn đầu tư không quá lớn”, ông Y Non chia sẻ.

Trong khi đó, tại xã Ea Na (huyện Krông Ana), Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất hạt ca cao Tân Thành, Nguyễn Văn Sỹ cho hay: HTX hiện có 15 thành viên, với 36 ha ca cao, sản lượng đạt gần 72 tấn hạt khô mỗi năm.
Những năm gần đây, nhờ giá cả ổn định, nông dân tích cực đầu tư chăm sóc cây, năng suất tăng rõ rệt. “Sản xuất theo hướng tuần hoàn, gắn với doanh nghiệp chế biến đã giúp chúng tôi ổn định được đầu ra và giá cả. Trung bình mỗi ha ca cao cho lợi nhuận khoảng 400 - 450 triệu đồng mỗi năm”, ông Sỹ cho biết.

Tuy nhiên, giá cao cũng đặt ra áp lực lớn cho các hợp tác xã. Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ và Thương mại Thành Đạt (huyện Ea Kar), Đường Văn Đình cho biết, dù mỗi năm HTX cung ứng trên 20 tấn hạt khô, nhưng năm nay mới chỉ thu mua được khoảng 5 tấn do thiếu vốn và sự cạnh tranh từ thương lái.
Một số nông dân cũng có xu hướng “găm hàng”, chờ giá tiếp tục tăng, gây khó khăn cho chuỗi cung ứng.
Hướng đi bền vững từ sản xuất tuần hoàn
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang chuyển mình theo hướng kinh tế xanh, sản xuất tuần hoàn được coi là chìa khóa để cây ca cao phát triển bền vững.
Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Tiến sĩ Đặng Bá Đàn, phân tích: “Ca cao không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn có thể xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, tạo điều kiện tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hạt ca cao Việt Nam thuộc nhóm có hương vị tốt, rất phù hợp để phát triển dòng socola cao cấp mang thương hiệu Việt.”

Tiến sĩ Đặng Bá Đàn cho rằng, việc tổ chức lại sản xuất cần gắn liền với nghiên cứu giống, đào tạo kỹ thuật, tín dụng ưu đãi, đồng thời hình thành các chuỗi liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp chế biến. “Khi thực hiện một vòng sản xuất tuần hoàn từ trồng trọt, chế biến, tiêu thụ đến tái tạo tài nguyên, cây ca cao sẽ không chỉ phục hồi mà còn vươn lên trở thành cây trồng chủ lực, nhất là ở các vùng đất đỏ bazan như Tây Nguyên”, Tiến sĩ Đàn nhận định.

Giá ca cao tăng cao đang mở ra cơ hội lớn cho nông dân và ngành hàng ca cao tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, nếu phát triển thiếu quy hoạch và thiếu liên kết, nguy cơ bất ổn vẫn hiện hữu.
Việc thúc đẩy sản xuất theo hướng tuần hoàn, bền vững, cùng với sự đồng hành của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sẽ là nền tảng quan trọng để cây ca cao thực sự “hồi sinh” và góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thị trường quốc tế.