Ghìm cương con ngựa bất kham
Theo IMF, nửa đầu năm 2011, bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi làm giá dầu tăng, và làm giảm tăng trưởng kinh tế ở các nước phải nhập dầu như Trung Quốc, Nhật... Đồng thời giá lương thực cũng lên cao do nhu cầu tăng đột ngột, do thời tiết thất thường ở các nước sản xuất nông nghiệp như Ấn Độ, Trung Quốc, hoặc do sự bất ngờ giảm xuất khẩu lương thực, tăng cường tích trữ...
|
Giá cả tăng và lạm phát - vì đâu?
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cảnh báo: giá lương thực tăng sẽ đẩy hàng triệu người vào tình trạng nghèo đói và làm giảm 1,5% sự tăng trưởng kinh tế của châu Á. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới WB, một năm qua giá lương thực toàn cầu tăng 36%, gần đến mức năm 2008. Nếu tăng thêm 10% nữa sẽ đẩy thêm 10 triệu người xuống dưới mức cực kỳ nghèo đói. Từ tháng 6.2010 đến nay, giá cả tăng đã đẩy thêm 44 triệu người xuống dưới mức cực kỳ nghèo đói.
Tác động có nhẹ hơn đối với châu Á, nhất là Đông Á. Gạo là sản phẩm chủ yếu của khu vực, cho nên giá gạo cũng tăng ít hơn so với các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn do nhu cầu lương thực tăng và do thời tiết thất thường.
Theo ông Robert Zoellick, giám đốc WB, giá lương thực tăng làm phức tạp thêm điều kiện chính trị xã hội ở Trung Đông và Trung Á. Các chính quyền Trung Đông đều tăng bao cấp hàng tiêu dùng, do đó làm thâm hụt ngân sách, giảm hiệu quả kinh tế.
Tình hình lạm phát hiện nay có nguyên nhân bên trong: nhiều nước chỉ quan tâm đến tăng trưởng mà không lưu ý đến kiềm chế lạm phát, tỉ lệ lãi suất của ngân hàng thấp và kém linh hoạt... Còn nguyên nhân bên ngoài là do nguồn vốn từ các nơi đổ vào, làm cho cố gắng đối phó với lạm phát của các ngân hàng châu Á (Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc…) trở nên phức tạp hơn.
Những biện pháp cấp thời
Những biện pháp cấp thiết đối phó với giá lương thực thất thường là thực hiện dự trữ lương thực, đồng thời xây dựng quy tắc ứng xử trong việc xuất khẩu, tránh đột ngột ghìm hàng lại (như năm 2010 Nga bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì để đối phó với hỏa hoạn, gây ra việc bất ngờ tăng giá lúa mì). Mặt khác cũng tránh nhập khẩu lương thực ồ ạt hoặc đầu cơ tích trữ. Trên toàn cầu, cần đẩy mạnh nỗ lực chung tạo nên những mạng lưới an toàn xã hội và nâng cao năng suất nông nghiệp, trong tình hình thay đổi khí hậu hiện nay. Theo kế hoạch, chủ đề của hội nghị thượng đỉnh G-20 về nông nghiệp tháng 6.2011 là bàn biện pháp kiểm soát giá lương thực.
Với việc kiềm chế lạm phát: tỉ lệ lãi suất ở các nước châu Á đang dưới mức có thể phát triển ổn định. Vũ khí để chống lại là các nước phải chấp nhận tỉ giá chuyển đổi linh hoạt mềm dẻo hơn. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy:
- Thái Lan từ tháng 8.2010 đến tháng 4.2011 tăng lãi suất năm lần để chống lạm phát. Giá dầu và hàng hóa tăng gây ra áp lực lạm phát. Kinh tế Thái Lan tiếp tục phát triển khá vững chắc, nhờ sự mở rộng xuất khẩu, sự tiêu dùng cá nhân, đầu tư tư nhân và kích thích tài chính. Sự tiêu dùng cá nhân tăng lên do thu nhập trang trại cao và tình trạng việc làm đang được cải thiện. Đầu tư tư nhân được củng cố nhờ sản xuất phát triển hơn và tạo được niềm tin vào việc kinh doanh.
- Ở Trung Quốc: Từ đầu năm đến tháng 5.2011, Trung Quốc tăng số tiền dự trữ của các ngân hàng lớn đến lần thứ năm, nhằm làm chậm tăng trưởng và lạm phát. Lần tăng này thêm 0,5%, và số tiền dự trữ lên đến 21%. Một số chuyên gia nhận định, chính sách chống lạm phát của Trung Quốc “đang có vấn đề” khi bốn lần nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhưng không phát huy tác dụng và chưa rõ lần này có khả quan hay không. Trung Quốc đã cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá so với đồng USD lên mức 6,5 NDT/USD, mức cao nhất kể từ năm 1993, nhưng vẫn không có tác dụng giảm lạm phát. Giới kinh tế nhận định Trung Quốc đang chống lạm phát không theo cách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Khi hạn chế lạm phát, FED đã bán ra trái phiếu chính phủ, làm giảm lượng tiền mặt trong hệ thống, có tác dụng gián tiếp trong việc nâng lãi suất. Nhưng nguồn gốc lạm phát ở Trung Quốc không phải do lãi suất thấp cũng không phải là đầu cơ. Lợi nhuận từ xuất khẩu và đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn đáng kể so với số tiền mà Trung Quốc phải bỏ ra ở nước ngoài, khiến các loại ngoại tệ khác bị mất giá so với đồng NDT.
Nhưng để duy trì tỷ giá hối đoái cố định, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mua USD và euro dư thừa trên thị trường và thay vào bằng đồng NDT. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc không ngừng mở rộng cung tiền và nếu tiếp tục duy trì chính sách này, lạm phát sẽ không ngừng gia tăng.
- Ở Ấn Độ: tốc độ tăng trưởng GDP sẽ đạt mức 8,5 – 8,75% trong cả năm tài chính 2010-2011 và giá lạm phát bán buôn có thể dừng ở mức “trong tầm kiểm soát” là 6,5%. Dự kiến chỉ số lạm phát trong năm tài chính 2011-2012 sẽ giảm. Chính phủ đã thực hiện các biện pháp ngắn và trung hạn: cấm xuất khẩu và buôn bán có kỳ hạn một số lương thực, ngũ cốc, áp thuế 0% đối với một số mặt hàng thiết yếu. Ngân hàng dự trữ trung ương (RBI) đã dần dần tháo ngòi lạm phát sau khi chỉ số lạm phát lên đến hai con số trong năm tháng liền, tính đến tháng 7.2010, và bắt đầu giảm dần. Chỉ số lạm phát các mặt hàng chế tạo phi lương thực, nhạy cảm nhất đối với các biện pháp tài chính, cũng có biểu hiện giảm. Chính phủ cũng đã ban hành luật xử phạt nặng đối với các nhà đầu cơ lương thực, cải tiến hệ thống phân phối công, nâng giá thu mua lương thực của nông dân để khuyến khích tăng gia sản xuất; sẵn sàng chịu 1/3 giá tăng nhiên liệu và dầu (trị giá khoảng 14,6 tỷ USD) trong năm tài chính hiện hành cho nông dân.
Các biện pháp tài chính và tiền tệ: rút từng bước và rút hết các biện pháp giải cứu nền kinh tế (bơm 40 tỷ USD) trong cuộc khủng hoảng vừa qua, chỉ bơm thêm 10 tỷ USD từ nay đến hết quý IV. Ngân hàng trung ương đã nâng tỷ lệ lãi suất liên ngân hàng lên 6,25% và nâng tỷ lệ dự trữ tiền mặt của mỗi ngân hàng lên 5,25%. Đây là lần thứ sáu trong năm, Ngân hàng trung ương nâng lãi suất và dự trữ bắt buộc nhằm kiểm soát lạm phát. Ngân hàng đưa ra văn bản về thỏa thuận tỷ lệ lãi suất để các ngân hàng trao đổi thống nhất; sẵn sàng hành động nếu luồng vốn đầu tư gián tiếp (FII) biến động có tình trạng bốc hơi hoặc trì trệ; nới lỏng tín dụng cho giới thương nhân buôn bán/phân phát lương thực. Chính phủ cũng đưa ra những biện pháp dài hạn: duy trì chế độ dự trữ tiền mặt bắt buộc trong mỗi ngân hàng để bảo đảm tính thanh khoản và kiểm soát lưu thông tiền tệ trên thị trường; kiên quyết giữ chế độ trợ cấp giá lương thực, dầu thắp sáng và bơm nước cho người nghèo; đẩy mạnh các cuộc thương lượng ký hiệp định FTA với các nước và các tổ chức khu vực để hài hòa nguồn cung về lương thực và năng lượng, trong đó chú trọng đến việc khuyến khích thuê mướn đất đai, đồn điền tại châu Phi và Mỹ Latinh để sản xuất lương thực; cải tiến cơ cấu hệ thống phân phối công, hệ thống kho tàng để tránh lãng phí hàng năm hiện ở mức 30% sản lượng sau thu hoạch.
- Với Iran, chính phủ đã cắt giảm trợ cấp từng bước – một phần trong kế hoạch cải cách kinh tế năm năm lần thứ năm (2010-2015). Nhà nước sẽ giảm trợ giá các mặt hàng như xăng, dầu, điện, nước, khí đốt, nhu yếu phẩm… theo lộ trình, nâng dần mức giá các mặt hàng này lên ngang bằng mức giá trung bình của thế giới; thu nhập từ dầu mỏ sẽ được phân phối đến tài khoản của người nghèo (40 USD/ người/ tháng). Như vậy mục tiêu của chính phủ là bỏ trợ cấp để thiết lập lại trật tự kinh tế vĩ mô, trật tự xã hội, xuất khẩu thêm dầu mỏ và đạt doanh thu, lợi nhuận nhiều hơn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương giảm thanh toán bằng tiền mặt nhằm hạn chế lạm phát. Iran còn tăng cường và đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, xuất khẩu dầu thô, tái đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, hóa dầu… bằng nguồn tiền thu được từ cắt giảm trợ cấp; kiềm chế lạm phát bằng cách giảm chi tiêu công để điều tiết nền kinh tế trở lại, tập trung đầu tư xây dựng thị trường chứng khoán. Theo WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, quyết định cắt giảm trợ cấp của Iran là một quyết định chính trị - kinh tế táo bạo được đưa ra trong bối cảnh khó khăn, chịu nhiều sức ép, đầy rủi ro và thách thức chính trị, gây tranh cãi nội bộ và phản đối từ người dân. Quyết định này củng cố lĩnh vực ngân hàng, tăng cường đầu tư và tiết kiệm cá nhân, giảm buôn lậu, các hoạt động thị trường chợ đen, hợp lý hóa sản xuất.
Còn đó những thách thức
Theo dự báo của Hội Phát triển và hợp tác kinh tế OECD (trụ sở ở Pháp), xu hướng suy giảm hiện nay sẽ được tiếp nối bằng một thời kỳ phát triển, do thất nghiệp giảm và kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi từ suy thoái – lợi nhuận tập đoàn tăng và điều kiện tín dụng được cải thiện sẽ củng cố việc dùng vốn kinh doanh và đó là động lực chính cho tăng trưởng (báo cáo của OECD 25.5.2011). IMF dự báo năm nay lạm phát tiếp tục tăng, và sẽ giảm vào năm 2012. IMF cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng. Trung Quốc sẽ tăng trưởng 9,5%, Ấn Độ tăng 8% trong hai năm tới.
Tổng thư ký tổ chức phát triển và hợp tác kinh tế thì cho biết về những thách thức chính đối với kinh tế toàn cầu trong mười tám tháng tới và có thể vượt qua: nỗ lực phục hồi của Nhật sau thảm họa, sự mong manh của kinh tế Mỹ, tăng giá dầu và hàng hóa, sự suy giảm nhiều hơn dự tính của kinh tế Trung Quốc. Đồng thời các nước cũng phải theo dõi chặt chẽ để hạn chế những rủi ro chủ yếu trong thời gian tới: đó là việc nợ nhiều của các nước tiên tiến châu Âu và sự quá nóng của những nền kinh tế mới nổi lên.