Ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế
Quyền tiếp cận thông tin (hoặc quyền tự do thông tin) là một trong những quyền cơ bản của con người, được các văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận và xếp trong nhóm các quyền dân sự - chính trị. Dưới góc độ pháp lý, khái niệm “quyền tiếp cận thông tin” là quyền rất căn bản mà mọi người ở tất cả các quốc gia đều có quyền được hưởng, đó là quyền được biết thông tin của Nhà nước (thông qua cách thức trực tiếp hay gián tiếp) để thỏa mãn các nhu cầu trong cuộc sống của mình cũng như để bảo vệ và thực hiện các quyền được pháp luật ghi nhận.
Điều 19, Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến, kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất cứ phương tiện thông nào và không có giới hạn về biên giới. |
Khái niệm quyền tiếp cận thông tin được chính thức ghi nhận trong hai Công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên Hợp Quốc năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Đây là hai văn kiện pháp lý quốc tế nền tảng, ghi nhận các quyền pháp lý cơ bản của con người về dân sự, chính trị, mà quyền tiếp cận thông tin được coi là quyền cơ bản nhất trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được ghi nhận trong nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác như Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng năm 2003, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển năm 1992, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường...
![]() Phu nhân Tổng thống Mỹ Eleanor Roosevelt cầm trên tay bản Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền phiên bản tiếng Tây Ban Nha |
Ngoài các văn bản quốc tế nêu trên, các tổ chức quốc tế như Tổ chức vì An ninh và Hợp tác của châu Âu (OSCE); Tổ chức các quốc gia châu Mỹ cũng đã tuyên bố quyền tiếp cận thông tin là quyền con người, đồng thời đưa ra những luận điểm và nguyên tắc chính cho quyền tiếp cận thông tin (Tuyên bố ngày 6.12.2004). Tự do thông tin cũng được đề cập trong các văn kiện pháp lý quốc tế khác như: Hiến chương châu Phi về quyền con người (Điều 9); Hiến chương châu Mỹ về quyền con người (Điều 13). Công ước về tiếp cận các tài liệu chính thức của Hội đồng châu Âu (được thông qua ngày 17.11.2008), cũng đã ghi nhận tính minh bạch của các cơ quan công quyền, coi đây là yếu tố then chốt của quản trị nhà nước, là một biểu hiện của tính dân chủ và là công cụ giúp chống tham nhũng và tăng cường sự tham gia của công dân trong các vấn đề công.
Trong Nguyên tắc Johannesburg năm 1995 về An ninh quốc gia, Tự do ngôn luận và Tiếp cận thông tin đã ghi nhận quyền tự do ngôn luận; quyền tiếp cận thông tin; thẩm quyền của Chính phủ được hạn chế quyền tiếp cận thông tin nhưng chỉ trong trường hợp cần thiết và chỉ khi ảnh hưởng tới quyền lợi và an ninh quốc gia một cách hợp pháp. Quyền tiếp cận thông tin cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước, hiệp ước quốc tế, kế hoạch hành động… nhìn chung, các văn bản này đều đưa ra những yêu cầu có tính ràng buộc hoặc khuyến nghị các quốc gia thành viên ban hành văn bản pháp luật ghi nhận quyền được thông tin.
Khoản 2 Điều 19, Công ước Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự, chính trị Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi thông tin, ý kiến, bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ. |