Ghi nhận những chuyển biến tích cực
Những năm gần đây, mạng lưới y tế Tây Nguyên ngày càng được củng cố nâng cao; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là những tiền đề để ngành y tế và các địa phương triển khai thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW về Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 21-NQ/TW6//2017 về Công tác dân số trong tình hình mới.
Đến các buôn làng của tỉnh Kon Tum những ngày cuối năm 2017, hàng loạt trạm y tế tuyến xã đã được xây dựng khang trang. Các công trình này nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe trong nhân dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo Sở Y tế Kon Tum, chăm lo cho các cộng đồng dân tộc vùng sâu, vùng xa luôn được coi là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn. Riêng từ năm 2015 đến nay, đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho y tế vùng sâu, 100 xã có trạm y tế kiên cố. Hệ thống y tế thôn buôn đã phát triển rộng khắp. Các huyện sâu xa nhất như Ia H’Drai; Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông… đều đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu.
![]() Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho đồng bào Bana |
Tại Gia Lai cũng đã có gần 100% buôn làng có nhân viên y tế bám buôn, 100% người dân khi bệnh đều được chăm sóc ban đầu, nặng hơn có thể chuyển lên tuyến trên. Tại Đắk Lắk, Đắk Nông nhờ triển khai mạnh mẽ Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 nên đã có trên 300 trạm y tế vùng sâu được nâng cấp và sửa chữa mới, đáp ứng kịp thời công tác chăm sóc sức khỏe của người dân. Nhiều hộ dân ở vùng biên giới Đắk Búc So, Đắk R’Lâp - Đắk Nông phấn khởi cho biết, so với 3 năm trước đã khác hẳn. Đầu năm 2017 này nếu có bệnh thậm chí chỉ cần điện thoại cho nhân viên y tế phụ trách các buôn còn được đến tận nhà chăm sóc nữa. Chẳng còn cảnh phải loay hoay cáng đến trạm y tế như trước đây. Già làng Y Man ở xã Đắc Ru cũng tâm nói: “Ưng cái bụng lắm vì đi buôn nào thấy bà con nhân dân khi có bệnh đều được nhân viên y tế hướng dẫn và chữa trị kịp thời”.
Ở Đắk Lắk cũng không còn buôn nào thiếu dịch vụ chăm sóc y tế. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay đã trang bị thêm trên 500 giường bệnh cho vùng sâu, trên 80 trạm trạm y tế xã, được nâng cấp, 94,39% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020. Đội ngũ cán bộ y tế cơ sở gồm cả cô đỡ thôn, buôn và cộng tác viên y tế đã phát triển đầy đủ. Do đó, người bệnh không còn phải âu lo khi gặp vấn đề về sức khỏe nữa.Đặc biệt, tất cả trạm y tế vùng sâu đều được trang bị điện thoại với các số dễ nhớ, có người trực 24/24 giờ để kịp thời đáp ứng nhu cầu người dân. Ở Lâm Đồng người dân vùng sâu cũng hài lòng với chất lượng y tế thôn buôn. Tại đây, Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2 cũng đã được triển khai mạnh mẽ. Mạng lưới y tế cơ sở, phục hồi chức năng, y học cổ truyền tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Đến nay, toàn ngành có 115/147 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Có 45/117 xã xây dựng nông thôn mới đạt tiêu chí y tế của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới. Đây là những tiền đề để ngành y tế và các địa phương triển khai thắng lợi Nghị quyết 20-NQ/TW về Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 21-NQ/TW6//2017 về Công tác dân số trong tình hình mới.