Ghi chép vụn ở Ohio

Tùy bút của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (từ Mỹ) 26/05/2019 08:29

Khi tôi hơn mười tuổi, đó là lúc đang chiến tranh, nhưng quanh những ngôi nhà, trong những khu vườn, trên những vòm cây khắp làng Chùa của tôi là thế giới của chim chóc và nhiều loài hoang thú như cầy hương, rái cá… Buổi sáng thức dậy, cả làng rộn vang tiếng chim. Thế mà...

1. Trên đường từ sân bay Cleveland về Bowling Green (Ohio, Mỹ), con gái tôi để cháu tôi ở ghế sau trong một chiếc ghế dành riêng cho trẻ nhỏ được thắt đai an toàn. Có một đoạn đường cháu khóc, nhưng con gái tôi vẫn lái xe. Nghe cháu khóc, tôi chỉ muốn ôm cháu và nựng cháu cho cháu nín. Nhưng con gái tôi nói tôi không được phép bế hay ôm trẻ nhỏ trong khi xe đang chạy. Nếu tôi làm thế tôi sẽ bị phạt vì tôi không bảo đảm an toàn cho cháu nếu xe có va chạm. Thấy cháu khóc lâu, tôi sốt ruột nói con gái tôi dừng xe lại một chút cho cháu bú hoặc ru cháu ngủ. Con gái tôi nói đoạn đường này không có nơi dừng đỗ xe nên không ai được dừng đỗ nếu không có sự vụ bất thường như hỏng xe hay gặp tai nạn hoặc việc gì đó cần cứu trợ. Tôi không biết cách chăm sóc và bảo vệ một đứa trẻ của người Việt Nam và của người Mỹ thì cách nào tốt hơn cách nào. Và tôi cũng không hiểu ở Việt Nam có quy định này hay không, hay có mà không ai thực hiện. Người Việt Nam có thể làm mọi chuyện như không có ghế riêng cho trẻ nhỏ, dừng đỗ bất cứ chỗ nào, thậm chí ngay trên đường cao tốc để ăn nhậu, lái xe nhưng uống bia rượu thả phanh… Nghĩa là một loạt các hành vi phi luật pháp và tùy tiện.

2. Hôm đến Ohio, con rể tôi - Julian Ramirez - không ra sân bay đón tôi được vì cháu còn phải đi làm. Khi con gái và cháu ngoại đưa tôi về đến nhà thì con rể tôi đã đi làm về. Sau khi cất vali cho tôi xong, cháu dẫn tôi ra đầu nhà trước một bãi cỏ nhỏ và nói: “Con chuẩn bị chỗ này cho bố hút thuốc”. Tất nhiên tôi không được và cũng không hút thuốc trong nhà con rể. Và việc chuẩn bị nơi hút thuốc cho tôi cũng không phải vì con rể sợ tôi hút thuốc trong nhà. Một chiếc ghế có đệm, một cái gạt tàn bằng một chiếc bát, một chiếc bật lửa. 

Chỉ là một nơi hút thuốc mà con rể chuẩn bị cũng làm cho tôi có một niềm tin nào đấy vào chàng trai này rằng chàng trai ấy biết nghĩ tới người khác. Trước khi đi đến quyết định cưới con gái tôi, Julian viết thư cho tôi xin phép được cưới con gái tôi. Cháu xin tôi ban phúc cho cháu. Tôi đã đồng ý và cho phép. Tôi viết thư cho cháu: “Tôi chưa gặp cậu lần nào, tôi cũng không hiểu cậu là người ra sao, nhưng tôi tôn trọng tình yêu của cậu và con gái tôi. Hơn nữa, tôi rất tin con gái tôi, vì thế tôi tin quyết định của con gái tôi đi tới hôn nhân với cậu”. 

Buổi tối trước ngày làm tiệc mừng sinh nhật cháu ngoại, hai vợ chồng con gái tôi thức rất khuya để chuẩn bị. Tôi thấy Julian đi rón rén và nói gì với vợ cũng thì thào như đang tỏ tình vì cháu sợ tôi tỉnh giấc. Tôi biết nhận ra điều ấy. Và việc cháu tránh mọi tiếng động để tôi khỏi mất ngủ lại làm tôi khó ngủ. Tôi nằm im và nghĩ về những việc rất nhỏ của một người làm cho một người khác. Việc chuẩn bị nơi hút thuốc cho tôi (cho dù là chiều một thói hư của người khác) và những bước chân rón rén với giọng nói thì thầm cho thấy một điều: Chàng trai ấy đã biết làm những điều vì người khác. Vậy thôi là đủ cho tôi bớt lo đi rất nhiều về cuộc sống của con gái mình nơi đất khách quê người.

3. Khi vào một nhà hàng ở Bowling Green, tôi gọi một chai bia thì người phục vụ đề nghị tôi cho xem thẻ căn cước hoặc hộ chiếu để chứng minh tôi đã đủ tuổi được dùng đồ uống có cồn. Tôi nói với nhân viên phục vụ là tôi đủ tuổi là ông nội của người được phép uống bia rượu (ở Bowling Green, người trên 21 tuổi mới được mua và uống bia rượu nơi công cộng). Cô nhân viên phục vụ cười ngượng ngùng và nói: “Nhưng ông vẫn phải chứng minh là ông trên 21 tuổi”. Việc đòi hỏi giấy tờ kiểu Mỹ nghe có vẻ rất vô lý vì mặt tôi già tựa người 80 tuổi. Nhưng tôi lại thích cách sống như vậy. Luật pháp là luật pháp. Nghĩ đến nước mình, người ta cũng đòi hỏi giấy tờ ở nhiều việc nhưng không phải việc tôn trọng luật pháp nữa mà đã từ lâu nó đã trở thành sự hành hạ người dân. Trong khi đó, việc uống bia rượu một cách tùy tiện lại không hề được ai xử lý. Ở nhiều nhà hàng, các nhân viên có nhiệm vụ “ép’’ khách uống càng nhiều càng tốt. Vừa rồi người dân, quan chức xuống đường đi bộ kêu gọi hành động: Đã uống rượu bia - không lái xe. Chúng ta đã có luật về việc điều khiển phương tiện giao thông mà chúng ta vẫn phải xuống đường đi bộ kêu gọi không uống rượu bia khi lái xe thì xét sâu xa của sự việc là luật pháp của chúng đang thất bại. Có những việc không thể kêu gọi lòng tự giác mãi được mà phải dùng luật pháp để ngăn chặn và trừng phạt. 

4. Một hôm, khi con rể tôi bắt đầu lùi xe ra khỏi bãi đỗ thì ở phía sau có một chiếc xe nổ máy để lùi ra. Nhưng bất chợt người lái xe có điện thoại. Thế là ông ta dừng xe lại nghe điện thoại. Có hai điều tôi nhận ra từ câu chuyện đó: Một, khi đang nói chuyện điện thoại, người ta sẽ không cho xe chạy. Hai, khi có xe phía sau chuẩn bị chuyển bánh thì xe của mình không được lùi về phía họ mà phải nhường đường. Cuộc nói chuyện kéo dài đến mươi phút. Con rể tôi lặng lẽ bật nhạc trong xe ngồi chờ cho người phía sau nói chuyện xong điện thoại lái xe đi thì mới bắt đầu lùi xe. Cả người nghe điện thoại và con rể tôi (người chờ) đều cho thấy ý thức quá nghiêm túc và tôn trọng người khác.

5. Buổi sáng tôi thường dậy sớm, pha cà phê và ra nơi hút thuốc con rể dành cho ngồi cà phê và hút thuốc. Những lúc như vậy, tôi thường gặp những con thỏ nâu đi ăn sớm. Chúng đi qua chỗ tôi tự nhiên như đi qua một bức tượng gỗ. Ngay cả khi tôi có những cử chỉ thì con thỏ nâu chỉ dừng lại, nhìn tôi rồi lại cúi xuống ăn cỏ. Sự bình yên ở nơi này chứa trong nó sự thanh thản và vô tư của một con vật. Sự sợ hãi con người của muông thú không có sẵn trong gene của chúng mà nỗi sợ hãi ấy chỉ được truyền lại như một “kinh nghiệm sống’’ của nhiều loài vật trên đất nước chúng ta. Sự sợ hãi ấy chứa đựng sự bất thường và điên rồ của con người với thiên nhiên mà họ đang sống trong nó.

6. Những tiếng kêu của chim non buổi sáng làm tôi xúc động. Một tổ chim làm trên chiếc đèn ngoài cửa phòng của vợ chồng con gái tôi. Lũ chim non lớn lên và bắt đầu tập bay. Quanh căn hộ bé nhỏ của vợ chồng con gái tôi là một thiên nhiên thanh bình. Những con thỏ nâu đi ăn, những con chim hót vang, xây tổ và đẻ trứng. Hiện thực một thiên nhiên như vậy đối với người Việt Nam đâu phải là xa lạ. Khi tôi hơn mười tuổi, đó là lúc đang chiến tranh, nhưng quanh những ngôi nhà, trong những khu vườn, trên những vòm cây khắp làng Chùa của tôi là thế giới của chim chóc và nhiều loài hoang thú như cầy hương, rái cá… Buổi sáng thức dậy, cả làng rộn vang tiếng chim. Thế mà, chỉ mấy chục năm sau chiến tranh, sự kỳ vĩ của thiên nhiên ấy đã bị giết chết. Nếu là trong chiến tranh, người ta sẽ đổ ngay lỗi cho chiến tranh. Nhưng đó là trong thời bình. Lỗi thuộc về chính quyền và người dân. Nếu là những năm đói rét thì đổ lỗi ngay cho đói rét. Nhưng bây giờ đã bớt đi đói rét rất nhiều thì đổ lỗi cho cái gì. Dạ dày của con người đã khá no đủ nhưng tinh thần của con người vẫn sống trong hoang dã. Thực sự là như vậy. 

*      *
*

Đêm, tôi mở cửa ra ngoài dù đã quá khuya. Và tôi nhìn thấy trăng trên bầu trời của xứ sở này. Phải thú nhận rằng: Quá lâu rồi tôi đánh mất sự lãng mạn ngắm trăng. Khi lòng người trên mặt đất đã hoang vu thì bầu trời trên đầu kia cũng hoang vu...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ghi chép vụn ở Ohio
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO