“Ghế nóng” không của riêng tư lệnh nào!

- Thứ Sáu, 06/11/2020, 07:04 - Chia sẻ
Hôm nay, ngày 6.11, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là một trong những hoạt động của Quốc hội được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm trong mỗi kỳ họp Quốc hội. Bởi, nhiều vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, những vấn đề “nóng” sẽ được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự. Ở Phiên chất vấn lần này, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng phải sẵn sàng tâm thế ngồi vào “ghế nóng”.

Theo chương trình, trước khi tiến hành chất vấn, Quốc hội sẽ nghe các cơ quan chịu sự giám sát trình bày báo cáo việc thực hiện nghị quyết. Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII.

Thông thường ở các kỳ họp trước, nội dung chất vấn thường được “khoanh” trong những nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn đã được lựa chọn trên cơ sở phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Tuy vậy, đây là kỳ họp “đặc biệt”, Quốc hội không chất vấn theo nhóm vấn đề mà chất vấn “quét” tất cả các lĩnh vực. Phiên chất vấn này được xem như cuộc “tổng rà soát” các lĩnh vực, qua đó các bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII đến đâu. Đâu là những mặt đã làm tốt để phát huy, đâu là những mặt còn hạn chế, cần khắc phục.

Có thể nói, sau 3 ngày thảo luận tại nghị trường về kinh tế - xã hội, nhiều vấn đề “nóng” cũng đã được các đại biểu đóng góp rất tâm huyết. Không phủ nhận những nỗ lực, thành tựu mà Chính phủ và các ngành đã chung tay vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch Covid - 19… Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Đó là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra trên 30 tỉnh, thành trong cả nước, vẫn còn những sai phạm xảy ra ở khâu thẩm định, cấp phép và kiểm soát trữ lượng khai thác. Vẫn còn đó, một phần sự phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người với thiên nhiên và cái giá phải trả quá đắt là biến đổi khí hậu, mà chính con người phải hứng chịu. Bên cạnh đó, lĩnh vực giáo dục vẫn xảy ra “hạt sạn” trong nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, mà chính Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước diễn đàn Quốc hội đã phải thừa nhận rằng, “bộ SGK đã được biên soạn nhưng sách tiếng Việt của Nhóm Cánh Diều đã được Bộ thẩm định và phê duyệt là có lỗi, có sai sót, có sạn tùy theo cách dùng từ”…

Có lẽ, còn nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra sẽ được các đại biểu chất vấn đối với bộ trưởng, trưởng ngành. Chất vấn không phải là “bới lông tìm vết” mà là dịp để Chính phủ, thành viên Chính phủ nhìn lại mình xem những gì đã làm tốt, những gì làm chưa tốt để rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục. Muốn vậy, Phiên chất vấn phải được làm nóng bởi chính trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu và cả sự cầu thị, lắng nghe, nhận trách nhiệm của từng tư lệnh ngành nếu được gọi tên.

Là người theo dõi phiên thảo luận kinh tế - xã hội, tôi cũng như nhiều cử tri khác rất ấn tượng với phần phát biểu của đại biểu ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định), bởi như đại biểu nói mình là “con đẻ” của ngành giáo dục, và bản thân đang công tác trong ngành giáo dục. Tuy vậy, đại biểu đã rất thẳng thắn lên tiếng về những tồn tại trong lĩnh vực này với mục đích “phát biểu với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào vấn đề, phát biểu mang tính chất xây dựng” để ngành giáo dục tốt hơn. Sự tâm huyết, thẳng thắn của đại biểu rất đáng trân trọng và ghi nhận.

Mong rằng, nhiệt huyết này sẽ lan tỏa và làm nóng trong phiên chất vấn này. Bởi mục đích cuối cùng của chất vấn là làm cho bộ trưởng, trưởng ngành “nhìn thẳng vào sự thật” để cho bộ máy hoạt động hiệu quả hơn mà thôi.  

Lê Hùng