GDP và hiệu quả đầu tư

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:21 - Chia sẻ

GDP từ phía cầu bao gồm tiêu dùng cuối cùng (bao gồm tiêu dùng cuối cùng của dân cư và chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ), tích lũy gộp tài sản và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về sử dụng GDP năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,06% so với năm 2019; tích lũy tài sản tăng 4,12%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,97%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,33%. Có thể thấy thành tích tăng trưởng 2,91% cơ bản do tăng về đầu tư (tích lũy), đặc biệt đầu tư của khu vực Nhà nước (tăng 14,5%), trong khi đầu tư của khu vực tư nhân trong nước chỉ tăng 3,1% và đầu tư của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 1,3%.

GDP là một chỉ tiêu mang tính nhất thời và ngắn hạn. Việc tăng trưởng GDP dựa vào đầu tư, đặc biệt đầu tư công, có thể khiến GDP tăng lên trong nhất thời nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu đầu tư không hiệu quả.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,98 năm 2018 và 6,08 năm 2019. Giai đoạn 2011 - 2015, hệ số ICOR tính chung cả nền kinh tế là 6,25; giai đoạn 2016 - 2020 hệ số này tăng lên 7,04. Riêng năm 2020, hệ số ICOR đạt 7,04. Hệ số ICOR thể hiện cần bao nhiêu đồng đầu tư để tạo ra một đồng tăng trưởng GDP; hệ số này càng cao thì hiệu quả đầu tư càng thấp và ngược lại.

Về mặt ý nghĩa kinh tế, hệ số ICOR thường được tính cho một giai đoạn vì phản ánh chính xác hơn việc tính ICOR cho hàng năm (lý do là trong thời gian ngắn sẽ có một lượng đầu tư chưa phát huy tác dụng). Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy hệ số ICOR trong giai đoạn 2016 - 2020 và đặc biệt năm 2020 là quá cao - phần nào phản ánh hiệu quả đầu tư của nền kinh tế. Nếu trước đây chỉ cần bỏ 5 - 6 đồng để tạo ra 1 đồng tăng trưởng của GDP thì năm 2020 cần tới hơn 14 đồng để có được 1 đồng tăng trưởng.

Hơn nữa nếu so sánh 2 chỉ tiêu vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và tích lũy tài sản sẽ thấy chênh lệch giữa vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và tích lũy tài sản ngày càng xa nhau. Năm 2013, tỷ lệ giữa tích lũy và vốn đầu tư phát triển toàn xã hội là 92,7%, tới năm 2019 đã giảm 13,5 điểm phần trăm xuống còn 79,2%. Câu hỏi đặt ra là khoản chênh lệch này đã đi đâu? Chẳng hạn, theo ước tính năm 2019 chênh lệch giữa vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chênh lệch với tích lũy tài sản là 426 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 18 tỷ USD và bằng 7,1% GDP.

Nghiên cứu từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam cho thấy tăng 1 đồng tích lũy tài sản lan tỏa đến giá trị sản xuất 1,2 đồng và lan tỏa đến giá trị tăng thêm 0,54 đồng. Tỷ lệ lan tỏa đến giá trị gia tăng từ giá trị sản xuất của yếu tố tích lũy tài sản là 46%, cao hơn 2 yếu tố của cầu cuối cùng khác là tiêu dùng cuối cùng và xuất khẩu (tương ứng là 31% và 22%).

Như vậy có thể nhận thấy 2 vấn đề. Một là, lượng tiền của xã hội bỏ ra nhằm mục đích đầu tư nếu đến được với sản xuất thì tương đối hiệu quả, thậm chí hiệu quả hơn Trung Quốc. Thứ hai, cũng từ bảng cân đối liên ngành cập nhật cho năm 2018 cho thấy tích lũy tài sản năm 2018 lan tỏa đến giá trị sản xuất khoảng 77 tỷ USD và lan tỏa đến giá trị tăng thêm 36 tỷ USD. Nếu toàn bộ số tiền bỏ ra đầu tư đến được với sản xuất sẽ lan tỏa đến giá trị sản xuất khoảng 98 tỷ USD và lan tỏa đến giá trị tăng thêm 45 tỷ USD. Như vậy, nếu lượng tiền đầu tư không bị “thất thoát” thì Việt Nam có thêm được 9 - 10 tỷ USD vào tổng giá trị tăng thêm và GDP.

TS. Bùi Trinh