GDP năm 2018 tăng 7,08%
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2018 chiều 27.12, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, kinh tế năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu song song phát triển. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước tăng cường.
Tăng trưởng đều ở ba khu vực
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê Nguyễn Bích Lâm, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung. Mức tăng trưởng khu vực này đạt cao nhất trong 7 năm qua, khẳng định việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu cây trồng đang chuyển chuyển dịch theo hướng tích cực, giống lúa mới chất lượng cao đang dần thay thế giống lúa truyền thống, cho dù diện tích gieo trồng giảm nhưng năng suất cao nên sản lượng lúa cả năm 2018 ước tính đạt 43,98 triệu tấn, tăng 1,24 triệu tấn so với năm 2017.
![]() Toàn cảnh buổi họp báo |
Ở khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,98%. Kết quả tăng trưởng cho thấy nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên khi 2018 là năm thứ 3 liên tiếp công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Về khu vực dịch vụ, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, năm 2018 tăng 7,03%, đóng góp 42,7% giá trị của nền kinh tế, cao hơn mức tăng của các năm giai đoạn 2012 - 2016, trong đó, các ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP như bán buôn, bán lẻ, hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm...
Kinh tế Việt Nam mặc dù đạt mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2008 đến nay do các yếu tố tích cực nội tại, tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, vẫn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến tăng trưởng trong các năm tới. Như nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài (độ mở nền kinh tế lớn) phản ánh thực tế mọi biến động của thế giới đều có thể tác động tới nền kinh tế trong nước, thậm chí nền kinh tế trong nước có thể bị cuốn vào “vòng xoáy” của những biến động đó. Chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch cùng những thay đổi địa chính trị cũng thách thức và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.
Phát huy hiệu quả động lực tăng trưởng
Mục tiêu kinh tế năm 2019 sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần vào thành công giai đoạn 2016 - 2020. Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, Chính phủ và các địa phương cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển... Bên cạnh đó, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đồng thời tích cực vận động sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Nâng cao kết quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho sản phẩm nông sản.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, Việt Nam cần chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khởi nghiệp; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và công nghệ thông tin. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế...
Một trong những giải pháp cũng cần được thực hiện là ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tập trung nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...