Quốc tế

Gaza trước ngưỡng cửa hòa bình?

Hồng Nhung 04/07/2025 06:19

Cuộc xung đột kéo dài hơn 20 tháng giữa Israel và Hamas đang đứng trước bước ngoặt mới khi các bên liên quan hé lộ khả năng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày.

Thời điểm then chốt

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công khai bày tỏ mong muốn phải chấm dứt cuộc xung đột tại Gaza; ông nhấn mạnh việc thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày giữa Israel và Hamas, đồng thời tuyên bố rằng Israel đã đồng ý với các điều kiện cần thiết để tiến hành thỏa thuận. Phát biểu trước báo giới hôm 1/7, ông Trump cho biết: “Tôi tin chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần tới. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn điều đó”.

Thông tin này ngay lập tức được một quan chức cấp cao của Israel xác nhận. Thủ tướng Benjamin Netanyahu dự kiến sẽ triệu tập toàn bộ nội các vào cuối tuần này để thảo luận cụ thể về đề xuất mới nhất, trước khi lên đường sang Mỹ gặp Tổng thống Trump vào ngày 7/7.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-03 155037
Le lói những hy vọng mới về một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, khi cuộc xung đột
bước sang tháng thứ 21. Nguồn: AFP

Về phía Hamas, nhóm này cũng xác nhận đang xem xét đề xuất nhưng chưa đưa ra phản hồi rõ ràng; một nguồn tin thân cận với tiến trình đàm phán cho biết nếu Hamas đồng ý, hai bên sẽ bước vào các cuộc đàm phán gián tiếp, với sự hỗ trợ của các nhà trung gian từ Mỹ, Qatar và Ai Cập.

Áp lực từ trong nước và khu vực

Đề xuất ngừng bắn được đưa ra trong bối cảnh tình hình khu vực có những chuyển biến đáng kể; sau khi cuộc xung đột kéo dài 12 ngày giữa Israel và Iran kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, các bên trung gian đã nhanh chóng tận dụng “động lực mới” để thúc đẩy tiến trình hòa đàm tại Gaza.

Áp lực từ cộng đồng quốc tế đối với chính quyền Israel ngày càng lớn khi cuộc chiến gây ra tổn thất nghiêm trọng cho dân thường Palestine. Từ tháng 3/2025, Israel đã áp đặt phong tỏa toàn diện các tuyến viện trợ nhân đạo vào Gaza. Mãi đến tháng 5, dưới sức ép từ nhiều tổ chức quốc tế, Israel mới chịu nới lỏng một phần phong tỏa. Tuy vậy, tình hình vẫn đặc biệt nghiêm trọng, khi hàng trăm người dân thiệt mạng do các vụ tấn công trong lúc tìm cách tiếp cận lương thực từ Quỹ Nhân đạo Gaza - một tổ chức do Mỹ hậu thuẫn.

Không chỉ đối mặt với sức ép từ bên ngoài, chính quyền Netanyahu cũng chịu nhiều chỉ trích từ trong nước. Lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid mới đây đã tuyên bố sẵn sàng tham gia chính phủ liên minh để thúc đẩy việc giải cứu các con tin. Đây được xem là động thái hiếm hoi thể hiện sự đồng thuận chính trị trong nội bộ Israel về một thỏa thuận ngừng bắn.

Đề xuất ngừng bắn có gì?

Mặc dù chi tiết của đề xuất ngừng bắn mới chưa được công bố đầy đủ, các nguồn tin từ phía Israel và Mỹ cho biết thỏa thuận sẽ bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày, trong đó Hamas sẽ phóng thích 10 con tin Israel còn sống và trao trả thi thể của 18 người bị sát hại trong các vụ bắt cóc ngày 7/10/2023. Chính phủ Israel hiện tin rằng trong số 50 con tin còn lại, ít nhất 20 người vẫn còn sống.

Ngoài ra, Israel đã đồng ý cho phép viện trợ nhân đạo được phân phối thông qua các kênh truyền thống của Liên Hợp Quốc, thay vì thông qua Quỹ Nhân đạo Gaza - vốn bị Hamas và một số tổ chức quốc tế chỉ trích vì thiếu minh bạch.

Khác với các đề xuất trước, bản thỏa thuận lần này được đánh giá là có ngôn ngữ cam kết mạnh mẽ hơn nhằm bảo đảm tính ràng buộc và khả năng tiếp tục đàm phán sau thời hạn 60 ngày.

Một nguồn tin tham gia đàm phán cho biết “Ngôn từ được chọn trong đề xuất lần này có chủ đích rõ ràng: giữ hai bên ở bàn đàm phán ngay cả khi chưa đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh sau 60 ngày”. Điều này được coi là chiến lược mang tính từng bước, nhằm chuyển từ ngừng bắn tạm thời sang tiến trình hòa bình lâu dài.

Israel thay đổi ưu tiên?

Trong những tháng qua, Thủ tướng Netanyahu liên tục nhấn mạnh mục tiêu “xóa sổ Hamas”, giải giáp toàn bộ lực lượng vũ trang của tổ chức này và chấm dứt hoàn toàn khả năng cầm quyền của Hamas tại dải Gaza. Tuy nhiên, cuối tuần qua, ông bất ngờ thay đổi giọng điệu. Lần đầu tiên, ông đặt ưu tiên giải cứu con tin lên trước mục tiêu quân sự.

“Trước tiên là đưa các con tin trở về”, ông Netanyahu tuyên bố. “Tất nhiên, chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề Gaza, đánh bại Hamas, nhưng tôi tin rằng cả hai nhiệm vụ đều có thể hoàn thành”.

Động thái này xuất hiện sau khi quân đội Israel đưa ra đề xuất lựa chọn ngoại giao như một giải pháp khả thi trong giai đoạn hiện tại. Theo một quan chức quân đội giấu tên, các chiến dịch quân sự đã tiêu diệt phần lớn lãnh đạo cấp cao của Hamas, và hiện nay, lực lượng còn lại của nhóm này đã chuyển sang hoạt động bí mật, gây khó khăn trong việc xác định và tấn công mục tiêu. “Rất khó để đạt được các mục tiêu chiến thuật như trước”, quan chức này nhận định.

Yêu cầu từ Hamas

Trong khi đó, Hamas đưa ra ba yêu cầu then chốt để tiến tới một lệnh ngừng bắn dài hạn: chấm dứt hoàn toàn giao tranh; viện trợ nhân đạo sẽ do Liên Hợp Quốc điều phối; và Israel rút quân về vị trí trước ngày 2/3 - thời điểm quân đội Israel nối lại chiến dịch và chiếm đóng khu vực phía bắc Gaza.

Một lãnh đạo Hamas tiết lộ với CNN rằng tổ chức này “sẵn sàng trả con tin trong một ngày, miễn là có bảo đảm rằng xung đột sẽ không quay trở lại”. Trong các cuộc đàm phán trước, Hamas từng yêu cầu Mỹ cam kết duy trì tiến trình hòa đàm ngay cả sau khi lệnh ngừng bắn 60 ngày kết thúc.

Dự kiến, ban lãnh đạo Hamas sẽ nhóm họp trong tuần này để thảo luận về đề xuất mới. Nếu đồng thuận, Hamas và Israel sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp - với đại diện hai phía cùng có mặt tại một địa điểm nhưng trao đổi thông qua trung gian. Một trong những vấn đề cốt lõi cần giải quyết là thời điểm và lộ trình rút quân của Israel khỏi Gaza.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay là sự khác biệt trong cách tiếp cận mục tiêu dài hạn: Israel vẫn giữ vững lập trường xóa bỏ Hamas, trong khi Hamas không thể hiện thiện chí từ bỏ vai trò chính trị và quân sự của mình tại Gaza. Việc thỏa thuận ngừng bắn lần này có thể mở đường cho một thỏa thuận vĩnh viễn hay chỉ là tạm thời vẫn còn là dấu hỏi.

Cơ hội lịch sử cho Gaza

Kể từ khi chiến sự giữa Israel và Hamas bùng phát sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023, khiến hơn 57.000 người dân ở dải Gaza đã thiệt mạng, mới chỉ có hai thỏa thuận ngừng bắn chính thức được thực hiện. Thỏa thuận đầu tiên được áp dụng vào tháng 11/2023, kéo dài một tuần. Trong thời gian đó, 105 con tin được Hamas trả tự do, đổi lại hàng chục tù nhân Palestine được Israel phóng thích.

Lệnh ngừng bắn thứ hai diễn ra vào tháng 1/2025, ngay trước khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai. Trong 8 tuần đầu tiên, Hamas đã trả tự do cho 33 con tin, trong khi Israel thả khoảng 50 tù nhân Palestine. Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn hai của lệnh ngừng bắn sẽ mở đường cho một thỏa thuận hòa bình vĩnh viễn, song Israel đã nối lại tấn công từ ngày 18/3, phá vỡ thỏa thuận và làm đổ vỡ tiến trình đàm phán.

Hy vọng về một thỏa thuận ngừng bắn mới tại Gaza đang hình thành trong một bối cảnh phức tạp và hoài nghi. Tuy nhiên, sự đồng thuận ban đầu từ cả Israel và Hamas, cùng với áp lực từ quốc tế và sự can thiệp trực tiếp từ phía Mỹ, đặc biệt là vai trò của Tổng thống Donald Trump, đã mang lại những tín hiệu tích cực hiếm hoi.

Dù còn nhiều trở ngại phía trước, đặc biệt là vấn đề định hướng lâu dài cho Gaza và vai trò của Hamas, song tiến trình hiện tại có thể là bước đệm quan trọng để đưa khu vực Trung Đông thoát khỏi vòng xoáy bạo lực kéo dài gần hai năm qua.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gaza trước ngưỡng cửa hòa bình?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO