Gây ô nhiễm nghiêm trọng
Dự báo đến năm 2020, tổng khối lượng rác TP Hồ Chí Minh thải ra tăng lên gần 11.000 tấn mỗi ngày, tăng bình quân 5% mỗi năm; đến năm 2025 sẽ tăng lên gần 13.000 tấn/ngày. Mục tiêu của thành phố là phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải xuống còn dưới 60%, đến năm 2025 xuống còn 20%. |
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố đang chịu áp lực lớn bởi ba tác động môi trường gồm nước thải với gần 1,8 triệu m3 mỗi ngày; khí thải từ 7,9 triệu phương tiện giao thông và 839 nguồn khí thải công nghiệp; khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường và rất nhiều nguồn thải khác.
Ông Thắng cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm là do chưa quản lý được hoạt động thu gom rác công lập; thiết bị thu gom rác thải dân lập quá cũ, thô sơ, một số phương tiện vận chuyển rác đã cũ, việc kết nối giữa thu gom tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ. Trong đó, công nghệ xử lý rác hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp, chiếm đến 68%, khoảng 6.200 tấn/ngày, còn đốt và tái chế thành compost chỉ đạt khoảng 2.800 tấn/ngày, chiếm 32%. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc phát sinh ô nhiễm nghiêm trọng về mùi, ảnh hưởng môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người dân sống xung quanh khu vực chôn lấp rác.
Theo phản ánh của người dân khu vực quận 7, 8, huyện Nhà Bè và Củ Chi, tình trạng mùi hôi của Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước thường xuyên xảy ra, nhất là từ 15 giờ - 22 giờ và vào những ngày mưa, sương mù. Thậm chí, tại khu vực quận 7, quận 8, nhiều nhà dân đã phải lắp đặt hệ thống cửa kính để chống mùi hôi xâm nhập vào nhà. Đáng lo ngại hơn, điều tra của ADB cho thấy, kịch bản biến đổi khí hậu đến năm 2050 và 2100, dự báo 90% diện tích bãi chôn lấp chất thải tại Đa Phước có nguy cơ bị ngập.
Xe chở rác vào bãi rác Đa Phước |
Nguồn: ITN |
Xây dựng lộ trình chuyển đổi
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, việc phân loại rác tại nguồn được thành phố thí điểm từ 2008 - 2015 nhưng không mang lại hiệu quả. Năm 2015 đến nay, thành phố cũng đã thí điểm phân loại rác tại nguồn cho 6 quận, huyện nhưng tỷ lệ đạt rất thấp, trung bình 20 - 30%. Từ năm 2016, thành phố đã có chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải đối với những doanh nghiệp đang xử lý hiện hữu và thu hút đầu tư doanh nghiệp mới đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện.
Tuy nhiên, hiện nay việc chuyển dịch công nghệ đốt phát điện đang diễn ra khá chậm và chưa có dự án đốt rác phát điện nào đi vào hoạt động. Để đạt được mục tiêu tối thiểu 80% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu hồi, tái chế, làm phân compost và đốt thu hồi năng lượng, Chủ tịch UBND thành phố đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan gấp rút chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải theo hướng đốt phát điện.
Tại cuộc họp báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, Sở đã xây dựng lộ trình buộc doanh nghiệp đang xử lý chất thải phải chuyển đổi công nghệ xử lý. Đồng thời, yêu cầu đến cuối năm 2020, phải đưa vào vận hành; nếu không chuyển đổi công nghệ, buộc phải dừng một phần hợp đồng đã ký trước đây với các nhà máy.
Cụ thể, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) cam kết chuyển 2.000 tấn rác đang được chôn lấp hợp vệ sinh sang công nghệ đốt, thu khí gas. Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty VietStar đang quá trình làm thủ tục xin giấy phép để xây dựng nhà máy xử lý rác dùng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 6.000 tấn/ngày. Còn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh cũng đang làm đề án xin chuyển đổi và đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện.
Dự kiến từ ngày 5.8 - 5.9 tới, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai đấu thầu rộng rãi đầu tư nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện có công suất 1.000 tấn/ngày. Đồng thời, sở sẽ tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu khởi công trong quý II.2020.