Gặp những người cháu đặc biệt của “vua Mèo”

Phượng Hoàng 28/05/2016 08:13

Nhiều năm qua, dinh thự họ Vương (Hà Giang) vẫn là điểm đến thu hút nhiều du khách. Những bí ẩn về quần thể đặc biệt này giống như một cuốn tiểu thuyết không có hồi kết. Cuộc trò chuyện với 2 người cháu của vua Mèo Vương Chính Đức ngay tại dinh thự nhà họ Vương mới đây lại mở ra những trang đặc sắc ít người biết về dòng họ quyền quý này.

Giới thiệu về “lâu đài” bằng cả tình yêu tuổi thơ

 “Vua Mèo” Vương Chính Đức là thủ lĩnh của người dân tộc Mông ở vùng Đồng Văn, Hà Giang. Xưa kia, pháp luật không cấm buôn bán, kinh doanh, sản xuất thuốc phiện, gia đình họ Vương chế xuất thuốc phiện để bán.

Dinh thự “vua Mèo” được xây dựng trên một khu đất đẹp, với diện tích 1.120m2 tại thung lũng Tà Phìn, huyện Đồng Văn. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc, bao gồm những tòa ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác. “Vua Mèo” Vương Chính Đức thuê thợ từ Trung Quốc và các thợ giỏi nhất vùng xây dựng ròng rã trong 9 năm và tiêu tốn khoảng 150.000 đồng bạc hoa xòe thời bấy giờ (1919-1928). Dinh thự được công nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1993.

Tôi đã nhiều lần ghé qua dinh thự họ Vương nhưng chỉ thực sự thấy căn nhà này có sức hút mãnh liệt khi trực tiếp được một hướng dẫn viên mang tên Vương Thị Chờ giới thiệu. Cô gái này không chỉ am hiểu tường tận về từng hiện vật trong ngôi nhà mà từng lời nói, từng cử chỉ, động tác đều cho thấy những hiện vật ấy vô cùng thân thuộc với cô. Tôi đoán, phải có tình yêu đặc biệt nào đó với những kỷ vật của ngôi nhà mới khiến cô thổi hồn vào công việc của mình đến thế. Nán lại hỏi chuyện Chờ, tôi hiểu những phán đoán của mình không sai.

Chờ là cháu đời thứ 4 của vua Mèo Vương Chính Đức. Cô sinh ra trong chính ngôi nhà này và có một tuổi thơ đầy kỷ niệm ở đó. Chờ tâm sự, “nhánh” của gia đình cô cũng là nhánh duy nhất còn ở Hà Giang. Những người cháu ruột khác của cụ Vương Chính Đức hiện ở Hà Nội và nhiều người ở nước ngoài.

Mẹ của Vương Thị Chờ vốn là một cô gái Mông nhà nghèo ở Đồng Văn được bố cô lấy về làm vợ và sống ở dinh thự nhà Vương. Cả 7 anh em cô đều được sinh ra và lớn lên trong tòa dinh thự ấy. Chờ ra đời thì dòng họ Vương đã không còn vương giả như xưa nữa, nhưng sống trong ngôi nhà lớn hơn hẳn so với cả vùng, lại có rất nhiều đồ đạc đẹp, Chờ vẫn hiểu rằng, gia đình mình có một vị trí rất khác, cô chỉ không rõ vì sao nhà mình lại to đẹp đến thế.

Khi dinh thự “vua Mèo” được xếp hạng Di tích Quốc gia, gia đình họ Vương rời ra khu vực gần đó để sinh sống. Vương Thị Chờ lấy chồng, sinh con… và vui vẻ với cuộc sống trên nương. Đến năm 2007, cô được địa phương mời học lớp hướng dẫn viên du lịch để trở về làm hướng dẫn tại chính ngôi nhà của dòng họ mình. Chờ tâm sự, lúc đó, cô nói tiếng Kinh còn chưa sõi nhưng cũng muốn thay đổi cuộc đời mình, không chỉ quanh quẩn với cây ngô, củ sắn và cũng muốn đóng góp cho dòng họ, cho chính ngôi nhà tuổi thơ, đem những kỷ niệm đẹp chia sẻ cùng du khách.

Chờ bảo, chuyện về những hiện vật và không gian của dinh thự “vua Mèo” cô được nghe rất nhiều từ người anh trai Vương Quỳnh Sèo.

Anh Vương Quỳnh Sèo và em gái Vương Thị Chờ vẫn thường nói chuyện với nhau về ngôi nhà trước đây
Anh Vương Quỳnh Sèo và em gái Vương Thị Chờ vẫn thường nói chuyện với nhau về ngôi nhà trước đây

Từng có một dinh thự nhà Vương rất khác

Anh Sèo sinh năm 1970 và hiện là cán bộ của Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn. Khi nghe hỏi về dinh thự “vua Mèo” trong quá khứ, ánh mắt anh trở nên xa xăm… Anh kể, xưa kia, nhà dòng họ Vương khác nhiều lắm. Anh dẫn tôi đi từng phòng và chỉ cho tôi vị trí của các hiện vật trong ký ức. Này là dàn đồ thờ bằng đồng sáng loáng, này là bức tranh của một thành phố lớn, này là những hoa văn được họa sỹ người Tàu thực hiện hay một cửa hầm bí mật để tránh bom đạn được ngụy trang khéo léo dưới sàn nhà, những tấm cửa lớn với 2 lớp cầu kỳ… Tất cả giờ không còn nữa. Những lan can cầu thang, song chắn bên hiên nhà xưa kia được chạm khắc cầu kỳ nay được thay thế bằng những thanh gỗ trơn đơn thuần…

Anh kể, khuôn viên của tòa nhà còn có 1 chuồng nuôi nai, ngựa và gấu khá lớn. Phía vườn cây từng tồn tại một ngôi chùa lớn. Anh kể, ngôi chùa trình tường đó được cụ Vương Chính Đức cho dựng vừa để thờ các vị thần vừa để làm nơi dạy học. Cụ thuê một thầy giáo từ Cao Bằng về dạy chữ cho con cháu trong nhà và 1 số gia đình người Mông gần đó.

Nói về lý do ngôi nhà quá khác xưa và một số hạng mục không còn nữa, anh Sèo cho biết, ngôi nhà bị tàn phá khi xảy ra chiến tranh biên giới. Suốt 2 năm liền, dòng họ Vương ở trên núi không dám về nhà. Trở thành Di tích Quốc gia, nhiều hạng mục của ngôi nhà được chỉnh trang, thay thế tốt hơn trước, tuy nhiên, không thể đúng với nguyên bản. Đây là điều đáng tiếc nhưng anh Sèo cũng cho rằng rất khó khôi phục như xưa vì nhiều hạng mục đòi hỏi trùng tu cầu kỳ, công phu.

Nói chuyện với hai anh em nhà họ Vương, tôi cảm nhận được sự tiếc nuối về một quá vãng huy hoàng trong từng lời nói, ánh mắt của họ. Họ đều cho rằng, nếu không có sự đầu tư của Nhà nước thì gia đình khó giữ được bền lâu vẻ nguy nga của tòa “lâu đài”. Dù có những tiếc nuối, họ vẫn dành tình yêu cho căn nhà đó, để thung lũng Tà Phìn mãi vẫn có một dinh thự uy linh bên những hàng sa mộc xanh tươi! 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gặp những người cháu đặc biệt của “vua Mèo”
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO