Gandhi - một cái nhìn khác

Nguyễn Thiện Hoàng Dương dịch
Từ Wall Street Journal
28/04/2011 08:05

Người ta tôn sùng Gandhi như một vị thánh, tuy nhiên con người đa diện của ông chưa được biến đến rộng rãi. Tất cả được mô tả trong cuốn tiểu sử gây tranh cãi gần đây về Gandhi của Joseph Lelyveld, tác giả từng đoạt giải Pulitzer. Cuốn sách công phu với nhiều tài liệu chân thực, nhưng cũng đưa ra một cách nhìn chưa được đồng tình về Gandhi. ĐBND giới thiệu bài bình luận của Andrew Roberts.

Joseph Lelyveld đã viết một cuốn sách đáng ngưỡng mộ về Mohandas Gandhi, người được công nhận đã dẫn dắt Ấn Độ đến độc lập từ Anh năm 1947. Nó cũng đem đến độc giả đầy đủ thông tin để nhận thức rằng ông là một người lập dị tính dục, không có năng lực chính trị, và có những sở thích cuồng nhiệt kỳ cục (vì thế ông thường xuyên thẳng thừng nghiệt ngã với những người xung quanh).

Trong phong trào Swaraj (Tự trị) mà Gandhi thực hiện suốt đời, Ấn Độ có thể đã độc lập sớm hơn nhiều năm nếu ông không liên tiếp từ bỏ chiến dịch bất tuân lệnh dân sự ngay khi nó bắt đầu thành công. Với 300 triệu dân bị nhúm nhỏ người Anh (0,1% số đó) cai trị, tiểu lục địa đã có thể kết thúc ách đô hộ với chỉ một cái nhún vai nếu đạt được sự thống nhất chính trị. Tuy nhiên, việc không ngại ngần chọc tức và làm nhà lãnh đạo 90 triệu dân Hồi giáo Ấn Độ Muhammad Ali Jinnah (người ông gọi là “gàn dở”) thất vọng - đã phá nát bất cứ hy vọng sớm giành độc lập nào. Ông xa lánh B. R. Ambedkar, người đại diện cho 55 triệu dân thuộc tầng lớp thấp nhất ở Ấn Độ (Candala - tiếng Anh gọi là Untouchables, tiện dân, họ bị xã hội khinh rẻ và không được chạm vào bốn đẳng cấp trên, kể cả cái bóng của bốn đẳng cấp trên cũng không được giẫm đạp lên). Ambedkar gọi Gandhi là “thủ đoạn và bất tín”. Từ 1900 đến 1922, Gandhi chấm dứt những nỗ lực của ông không ít hơn ba lần, bỏ rơi hơn 15.000 người ủng hộ, những người vì đại nghĩa đã bị giam cầm.

Là một người không ngừng tự khuếch trương bản thân, Gandhi đưa ra bộ tiểu sử thần thánh đầy đủ đầu tiên về mình để gửi tới mọi người và đảm bảo sẽ tái bản. Chúng ta chưa thể rõ liệu ông có thực sự tạo ra mọi chi tiết về mình hay không, vì theo Lelyveld, Gandhi khăng khăng rằng đám nhà báo sắp xếp “những từ ngữ không phải từ miệng ông mà là bản ông cho phép in sau khi chỉnh sửa rất nhiều”.

Chúng ta đều biết chắc rằng ông khuyên người Séc và Do Thái lựa chọn bất bạo động với phát xít Đức, ông nói “một người Do Thái đứng lên và từ chối tuân theo các sắc lệnh của Hitler” là đủ để “làm trái tim hắn tan chảy”. (Bất bạo động, theo quan điểm của Gandhi, cũng có thể có tác dụng trong trường hợp người Trung Quốc chống phát xít Nhật). Mở đầu bức thư gửi Adolf Hitler với lời chào “Anh bạn của tôi”, Gandhi tự cao hỏi: “Anh có lắng nghe lời kêu gọi của một người dứt khoát tránh xa chiến tranh mà không phải là không có thành công đáng kể?” Ông khuyên người Do Thái ở Palestine “dựa vào thiện chí của người Ả rập” và chờ đợi một nhà nước Do Thái “đến khi ý kiến người Ả rập chín muồi”.

Tháng 8.1942, khi phát xít Nhật đang ở cửa ngõ Ấn Độ và đã chiếm gần hết Miến Điện, Gandhi phát động một phong trào nhằm cản trở nỗ lực chiến tranh và bắt người Anh “rời Ấn Độ”. Nếu chế độ diệt chủng Nhật Bản nắm được đông bắc Ấn Độ, và chắc chắn làm được nếu không có quân Anh ngăn chặn, hậu quả đối với nhân dân Ấn Độ đã rất thảm khốc. Không dưới 17% dân số Philippines thiệt mạng dưới ách đô hộ Nhật Bản, và không có lý do gì để nói Ấn Độ sẽ rơi vào tình trạng tốt hơn. May mắn là thống chế Lord Wavell đã giam giữ Gandhi và 60.000 người ủng hộ và tiếp tục chiến tranh với Nhật.

Dù chủ nghĩa bất bạo động của Gandhi khiến ông trở thành biểu tượng cho phong trào dân quyền Hoa Kỳ, Lelyveld cho thấy ông kiên quyết phân biệt chủng tộc với người da đen ở Nam Phi. “Chúng tôi bị dẫn tới một nhà tù được dành cho người da đen” (nguyên văn: Kaffir - một từ mang tính phân biệt chủng tộc nặng nề với người da đen Nam Phi), Gandhi phàn nàn trong một trong những chiến dịch vận động cho quyền lợi của người Ấn Độ sinh sống ở đó. “Có thể hiểu được khi không được xếp chung với người da trắng, nhưng bị đặt ngang hàng với người da đen thì thật là quá quắt. Họ (Kaffir) là chủng tộc chưa được khai hóa - những người tù thậm chí còn tệ hơn thế nhiều. Họ thật rắc rối, bẩn thỉu và sống như động vật.”

Trong một bức thư ngỏ gửi đến cơ quan lập pháp tỉnh Natal ở Nam Phi, Gandhi viết về cách “người Ấn Độ bị dìm xuống đẳng cấp của người da đen mọi rợ”, sau đó ông nói về một người da đen nào đó “với nghề nghiệp là săn bắn, khát vọng duy nhất là thu lượm một vài gia súc để mua một cô vợ, và sống cuộc đời biếng nhác và trần truồng”. Về người da trắng Nam Phi và người Ấn Độ, ông viết: “Chúng tôi tin vào sự thuần khiết của những giống nòi này như họ vốn vậy”. Đó cũng có thể là lý do ông không cho phép con trai Manilal lấy cô gái Hồi giáo Fatima Gool, mặc dù chính ông cổ súy sự thống nhất Hồi giáo - Hindu.

Như Lelyveld đã làm rõ, tình yêu của đời ông là kiến trúc sư kiêm lực sỹ Đức gốc Do Thái, Hermann Kallenbach, người khiến ông bỏ vợ năm 1908. Họ chia tay khi Gandhi trở về Ấn Độ năm 1914, vì kiến trúc sư người Đức không được phép đến Ấn Độ trong thời chiến – dù vậy Gandhi không bao giờ từ bỏ giấc mơ gặp lại ông ta, Gandhi viết “ông luôn luôn trong tâm trí tôi”. Về sau, ở trong thiền viện, Gandhi nói: “Tôi không thể hình dung ra một thứ xấu xí như giao phối giữa nam và nữ”.

Trong tiểu luận Hind Swaraj (Độc lập của Ấn Độ), Gandhi kịch liệt phản đối luật sư, đường sắt, và chính trị nghị trường, mặc dù ông đã là một luật sư chuyên nghiệp thường xuyên di chuyển bằng tàu hỏa để đến các cuộc họp tranh luận cho chính phủ riêng của Ấn Độ. Sau khi thề không dùng sữa vì nó chứa các thành phần kích dục, ông mắc bệnh trĩ, vì thế ông cho rằng ông chỉ thề bỏ sữa bò, chứ không phải sữa dê (Gandhi về cuối đời bắt đầu uống sữa dê theo lời khuyên của bác sỹ). Sự chống đối hoàn toàn của ông với kiểm soát sinh đẻ trừ kiêng khem tình dục, ở một đất nước ngày nay có ngày càng nhiều người sống với dưới 1,25 đô la một ngày so với thời của ông, còn nguy hiểm hơn.

Ông nói về những người Hồi giáo chịu trách nhiệm trước những cuộc thảm sát hàng ngàn người Hindu ở Đông Bengal năm 1946 rằng Hồi giáo “là một tôn giáo hòa bình”. Với một người Hindu hỏi ông rằng làm sao những người đồng đạo lại có thể trở về những ngôi làng mà ở đó tôn giáo của họ đã bị quét sạch, Gandhi vô tư đáp: “Tôi không thấy phiền nếu một gia đình hay tất cả 500 gia đình trong khu vực của ông bị giết”. Điều có ý nghĩa với ông là phương châm bất bạo động. Dù sao, như ông nói với một tín đồ Bà La Môn chính giáo, ông tin vào hồi sinh.

Sự ủng hộ của Gandhi với chính quyền Hồi giáo (Caliphate) trong những năm 1920 (vì nó mà ông nói “sẵn sàng hy sinh vợ, con gái, và bạn bè”) - theo như Lelyveld cho thấy, chỉ là một cuộc vận động định kỳ để giữ chân Liên đoàn Hồi giáo trong liên minh của ông càng lâu càng tốt. Khi chiến dịch vì sự thống nhất thất bại, ông đổ lỗi cho thế lực tối cao, năm 1927: “Tôi quần quật vì nó, tôi hành xác cho nó, nhưng ông trời không hài lòng. Ông trời không muốn tôi có được thành quả nào từ công việc.”

Gandhi sẵn lòng đứng lên vì tầng lớp tiện dân Candala, nhưng không phải ở khoảnh khắc sống còn khi họ đòi quyền  cầu nguyện trong đền thờ năm 1924-1925. Ông e ngại sẽ làm các tầng lớp Hindu cao cấp xa lánh. “Liệu bạn có dạy Kinh phúc âm cho một con bò?”, “Ồ, vài Candala còn tệ hơn cả bò theo cách hiểu của họ.”

Mùa Ăn Chay Lớn đầu tiên của Gandhi - được thực hiện năm 1932 bất chấp niềm tin của ông rằng nạn đói là “hình thức áp bức tệ hại nhất, điều cản trở những nguyên tắc cơ bản của bất bạo động” - nhằm ngăn cản những người Candala không có ghế trong bất kỳ chính phủ Ấn Độ tương lai nào. Ông nói đó là “tôn giáo, không phải một câu hỏi chính trị”, và không chấp nhận tranh luận về vấn đề này. Ông cũng khẳng định ở đâu đó rằng “sự thủ tiêu tình trạng phân biệt với đẳng cấp Candala không bao gồm việc các đẳng cấp cao Hindu phải dùng chung bữa với những người từng thuộc Candala”. Trong những cuộc mít tinh lớn chống lại tình trạng phân biệt trong những năm 1930, với hàng chục ngàn người tham dự, bản thân những người Candala bị giữ ở những bãi rào kín cách xa các tầng lớp Hindu.

Đương nhiên, bất cứ phong trào liên minh nào cũng dính líu ở một mức độ nhất định về tính thỏa hiệp và đạo đức giả. Nhưng hình ảnh thần thánh của Gandhi, cái chết của ông vì tay một kẻ cuồng tín theo đạo Hindu năm 1948, và sự lựa chọn hình ảnh Gandhi của Martin Luther King Jr. làm hình mẫu cho phong trào dân quyền Hoa Kỳ đã bảo vệ ông khỏi những soi xét chỉ trích. Nhà văn Pháp Romain Rolland gọi Gandhi là “một á thần không bất tử” năm 1924 trong một “tiểu sử các vị thánh”, tóm lược tinh thần của tất cả các bài viết về ông. Người ta thường lấy những hạt cát bám vào chân của Gandhi như thánh tích, và các nhà tiểu sử học hiện đại cũng có vẻ tôn kính ông như thế. Lelyveld không là ngoại lệ, ông bào chữa cầu kỳ cho Gandhi qua từng giai đoạn của cuốn sách được nghiên cứu kỹ và diễn giải rất tốt này.

Bốn chiến dịch lớn của đời Gandhi: thống nhất Hồi giáo - Hindu, chống nhập khẩu vải sợi Anh, chấm dứt phân biệt đẳng cấp Candala, và đuổi người Anh khỏi tiểu lục địa - chỉ có điều cuối cùng thành công, đơn giản chỉ vì Đế chế Anh đã gần sụp đổ - lúc đó lãnh đạo bởi Clement Attlee, người vốn chống chủ nghĩa thực dân - và dù sao đi nữa cũng thực sự muốn rời bỏ Ấn Độ sau Thế chiến mệt mỏi.

Không phải là một kỷ lục cho ai đó, người được dành cho “quyền quyết định duy nhất” ở Đảng Quốc Đại Ấn Độ từ tháng 12.1921, nhưng không như các chính trị gia khác, Gandhi không thể bị đánh giá bởi kết quả thực tế, vì ông là “Linh hồn Vĩ đại” (Mahatma tiếng Hindi nghĩa là Linh hồn Vĩ đại, cái tên do nhà thơ R. Tagore đặt cho ông-BT).

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gandhi - một cái nhìn khác
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO