Giám sát việc giải quyết của các bộ, ngành có thẩm quyền với kiến nghị cử tri
Qua thực tiễn triển khai công tác phối hợp tiếp xúc cử tri, nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với thực hiện chính sách dân tộc, Phó Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Mạnh Quang cho biết, với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm với cử tri cả nước, MTTQ Việt Nam các cấp tăng cường phối hợp với Quốc hội, HĐND các cấp tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, đại diện cho tiếng nói của Nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Qua đó, củng cố niềm tin của cử tri đối với Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng quan hệ gắn kết, bền chặt giữa Nhà nước và Nhân dân trên cơ sở nâng cao chất lượng tổ chức tiếp xúc cử tri.
Cụ thể, chủ động phối hợp với các Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND các cấp từ khi xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri cho ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự khoa học, bảo đảm đầy đủ các bước trong cuộc tiếp xúc cử tri.

Ông Nguyễn Mạnh Quang cũng nêu rõ, để hoạt động tiếp xúc cử tri đạt hiệu quả cần chủ động, tích cực sử dụng nhiều hình thức tiếp xúc tri phù hợp, như tiếp xúc cử tri do Ủy ban MTTQ chủ trì tổ chức trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri chuyên đề; tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú...
Sau cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để nắm bắt, phản ánh kịp thời tới cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết. Tùy theo nội dung cụ thể của từng cuộc, MTTQ Việt Nam ở địa phương xác định hình thức tiếp xúc, đối tượng, thành phần tham dự; chuẩn bị kỹ các nội dung...
Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp, MTTQ chủ động nắm rõ những vấn đề cử tri và Nhân dân đang quan tâm để định hướng đúng nội dung, nhất là những bất cập trong triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn. Ngoài cử tri và đại biểu, cần mời đầy đủ các thành phần tham dự như Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND, đại diện các sở, ban, ngành có liên quan tại địa phương để khi cử tri kiến nghị, đại diện các cơ quan có thể trực tiếp tiếp thu, trả lời, giải quyết ngay tại hội nghị, tránh tình trạng tiếp thu xong “để đấy”, không có phản hồi cụ thể.
Theo Nguyễn Mạnh Quang, ngoài việc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của HĐND, đại biểu cần chủ động tiếp xúc, giữ mối liên hệ với cử tri bằng các hình thức khác theo hướng đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Chủ động phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH và HĐND chuẩn bị các nội dung, chủ động định hướng, để cử tri có thể phát biểu tập trung, tránh phát biểu trùng lặp hoặc nêu ý kiến, kiến nghị đã được trả lời, giải quyết. Đặc biệt, cần bảo đảm các điều kiện để hội nghị tiếp xúc cử tri diễn ra hiệu quả, hạn chế trở thành nơi tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Cùng với việc tổ chức tiếp xúc theo định kỳ, MTTQ các cấp cần tăng cường tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng... để tiếp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, những người có uy tín trong đồng bào dân thiểu số, nhất là các lĩnh vực có liên quan đến các chính sách liên quan, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội.
Cùng với đó, cần tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng, hướng dẫn kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ MTTQ tham gia tổ chức tiếp xúc cử tri, nhất là kỹ năng tổ chức, chủ trì điều hành hội nghị, ghi chép, tổng hợp ý kiến cử tri và Nhân dân. Tăng cường công tác phối hợp giám sát việc tiếp thu, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát việc giải quyết của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với kiến nghị cử tri, bảo đảm tất cả các phản ánh, ý kiến, kiến nghị đều được tiếp nhận, xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định.
Có chế tài nghiêm với trường hợp chậm hoặc không giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri
Phó Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo Nguyễn Mạnh Quang cũng đề xuất, cần quy định cụ thể hơn về trách nhiệm tham gia tiếp xúc cử tri và giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan liên quan; có chế tài nghiêm đối với những trường hợp chậm giải quyết hoặc không giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri do ĐBQH và Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến.
Tăng cường thực hiện các hình thức tiếp xúc cử tri theo quy định, nâng cao vai trò của từng ĐBQH đối với công tác tiếp xúc cử tri và ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với ĐBQH kiêm nhiệm, cần nêu cao vai trò đại biểu dân cử, sắp xếp công việc, bố trí quỹ thời gian cho hoạt động dân cử, tăng cường tham gia các hoạt động chung của Đoàn ĐBQH tỉnh, như tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, giám sát, khảo sát…, tăng cường nghiên cứu tài liệu và tham gia phát biểu ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội.
Tăng cường công tác hướng dẫn pháp luật của các cơ quan trung ương, làm cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện, giải quyết dứt điểm ý kiến kiến nghị, phản ánh của cử tri; tăng cường công tác rà soát pháp luật, giúp phát hiện những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi, kịp thời ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, giúp cho các địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước.
Tăng cường phối hợp giám sát giữa giám sát tối cao và giám sát xã hội đối với các chương trình, dự án, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng dân tộc thiểu số để đồng bào thực sự thụ hưởng các chính sách của Đảng, Nhà nước theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.