Những bước đi chủ động
Thời gian qua, công tác CCHC gắn với chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP. Cần Thơ được triển khai tích cực, đúng định hướng, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2021, thành phố triển khai các hệ thống quan trọng của Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), hệ thống thông tin báo cáo cấp thành phố; đồng thời triển khai đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung để phục vụ công tác CCHC ở các sở, ban, ngành và các địa phương, đơn vị nhằm tạo nền tảng hình thành và từng bước hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số.
Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng của thành phố đã hoàn thiện và triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố với băng thông 100 Mbps bảo đảm an toàn, bảo mật. Tỷ lệ cơ quan có mạng cục bộ (LAN) trên toàn thành phố đạt 100%. Trung tâm dữ liệu thành phố bảo đảm duy trì, phục vụ cho việc vận hành các hệ thống dùng chung của thành phố như: Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử; hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức; Cổng thông tin điện tử, email, quản lý văn bản và điều hành, hội nghị truyền hình... Trong xu thế điện tử hóa, số hóa gắn với ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, thành phố đã triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đủ điều kiện và đã tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia với hơn 909 thủ tục hành chính, liên thông từ Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công thành phố.
Cùng với đó, thành phố đã xây dựng và phát triển các ứng dụng, dịch vụ nội bộ như: hệ thống thư điện tử để phục vụ nhu cầu trao đổi thông tin trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị; hệ thống quản lý văn bản và điều hành được hỗ trợ cài đặt trên thiết bị di động có tích hợp chữ ký số, tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, công chức xử lý văn bản mọi lúc, mọi nơi; triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong phát hành các văn bản và tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đến nay, ở hầu hết các địa phương, đơn vị, công tác chỉ đạo, điều hành triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước đã gắn kết với công tác CCHC. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CCHC gắn với chuyển đổi số được thực hiện thông qua nhiều hình thức như các phương tiện truyền thông đại chúng; Cổng và trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại tất cả các ấp, khu vực trên địa bàn thành phố.
Năm 2023, chỉ số CCHC (PAR INDEX) cấp sở của TP. Cần Thơ đạt giá trị trung bình 92,27%, tăng 1,76% so với năm 2022. Đây là năm thứ ba liên tiếp, giá trị trung bình của chỉ số CCHC cấp sở tăng, cũng là năm thứ hai thành phố có 16/16 đơn vị đạt kết quả chỉ số CCHC trên 80%, trong đó có 5 đơn vị đạt xếp loại rất tốt. Chỉ số CCHC cấp huyện năm 2023 của Cần Thơ có giá trị trung bình là 93,93%, tăng 6,42% so với năm 2022.
Hướng đến chính quyền số
Đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo Ban Chỉ đạo CCHC và chuyển đổi số TP. Cần Thơ, công tác CCHC gắn với chuyển đổi số của thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đến nay, một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế, giáo dục, giao thông vận tải… còn rời rạc, dữ liệu chưa cập nhật đầy đủ, thiếu chính xác, chưa tích hợp về kho dữ liệu dùng chung của thành phố làm ảnh hưởng chung đến công tác CCHC của thành phố; trang thiết bị máy tính, thiết bị công nghệ thông tin ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương phục vụ cho công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, đặt biệt là sử dụng để vận hành các phần mềm còn chậm, dẫn đến khó khăn trong công tác số hóa văn bản, làm chậm tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, chưa chủ động tham gia xử lý, giải quyết công việc trên môi trường mạng…
Trong nỗ lực nâng cao hiệu quả CCHC gắn với chuyển đổi số, khắc phục những hạn chế, tồn tại để nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong Kế hoạch Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Cần Thơ xác định mục tiêu phấn đấu vào nhóm 10 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Theo đó, để phát triển chính quyền số, thành phố sẽ tập trung thực hiện 3 nội dung: Phát triển ứng dụng, dịch vụ nội bộ; phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp và xây dựng, phát triển đô thị thông minh. Một số lĩnh vực được xác định ưu tiên chuyển đổi số: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, công nghiệp, du lịch.
Giải pháp đột phá CCHC giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của TP. Cần Thơ là chuyển đổi số nhanh chóng và toàn diện nền hành chính công. Mục tiêu hướng đến là tạo được nền tảng số để người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với chính quyền không cần phải trực tiếp đến các cơ quan nhà nước mà giao dịch trực tiếp qua mạng. Trong năm 2024, Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trong nước dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số CCHC, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công; phấn đấu thuộc nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt thông qua việc giữ vững chỉ số CĐS (DTI) hạng 5/63 tỉnh, thành phố cả nước.
Để đạt mục tiêu này, Ban Chỉ đạo CCHC và chuyển đổi số TP. Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tập trung thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tích hợp dữ liệu (về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, y tế, giáo dục...) tại các cơ quan, đơn vị về kho dữ liệu của thành phố để chia sẻ, phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Thiết lập, tích hợp, kết nối với cơ sở dữ liệu vào Cổng dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử để tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân; triển khai rộng rãi việc ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử...