Gạn đục, khơi trong

Lê Thư 13/02/2017 08:37

Chỉ trong nửa đầu tháng Giêng, rất nhiều lễ hội lớn nhỏ đã diễn ra, kéo theo không ít hiện tượng gây xôn xao dư luận. Đến hẹn lại lên, câu chuyện gạn đục khơi trong lễ hội lại thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn, nhà quản lý và cả công chúng.

Bài 1: Như lửa trong tro

Hòa vào dòng người trảy hội xuân 2017, chứng kiến không khí tấp nập, thành tâm, chúng tôi mới thấm thía câu ví von của một nhà văn hóa. Rằng hoạt động lễ hội ở Việt Nam như lửa trong tro, biết cách khui ra thì ánh hồng lan tỏa, làm sáng ngời giá trị nhân văn; trái lại sẽ gây phản cảm, bức xúc, thậm chí đánh mất cả thuần phong mỹ tục.

Hướng tới điều tốt lành

“Làng quê Việt Nam có đình là nơi thờ thành hoàng để nhân dân tụ hội bàn việc làng, việc nước; có chùa là nơi thờ Phật để sáng lên trí tuệ, đạo đức của dân tộc; có đền, phủ là thờ người có công với nước... Có đình, đền, chùa mới có lễ hội truyền thống, có lễ hội truyền thống mới có tiếng gọi cội nguồn, để nhắc người ta tưởng nhớ và bày tỏ tấm lòng cao đẹp. Với tôi, ấy là góc tâm hồn của người Việt không thể mất đi, cũng tuyệt đối không để biến dạng”.

 Ông Nguyễn Đức Thìn
 Trưởng ban Tuyên truyền
 Khu di tích lịch sử Đền Đô

“Hôm nay ngày lành tháng tốt, con về đây bái lạy Đức thánh Trần. Cầu ngài phù hộ độ trì cho đất nước Việt Nam thái bình thịnh trị, nhà nhà, người người an khang, làm ăn phát đạt…”. Dứt lời khấn, vị khách khẽ cắm nén nhang lên chiếc lư đồng đặt trước điện thờ, chắp tay vái lạy, yên lặng một hồi mới quay sang tiếp chuyện chúng tôi. “Năm nào đi hội Yên Tử tôi cũng cầu mong như vậy. Cứ nghĩ rằng, nước có độc lập, giàu mạnh, nhân dân mới yên ổn làm ăn, ấy là mình được hưởng ấm no, hạnh phúc”, ông Trần Văn Toàn, ở Hạ Long, Quảng Ninh chia sẻ. Từ lâu, trong tâm thức người Việt, hành hương về chốn linh thiêng là một phong tục đẹp. Đây là dịp để gửi gắm tâm nguyện, ước muốn riêng, được hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau vất vả, muộn phiền, chỉ hướng tới điều tốt lành.

Hòa cùng dòng người vui trảy hội xuân, chúng tôi có mặt ở đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh). Vì đúng ngày giỗ bà (12 tháng Giêng) nên không khí nơi đây càng tấp nập. Đầu giờ chiều, những bãi đỗ xe gần khu đền hầu như hết chỗ, từ cổng chính, người ra, kẻ vào chật kín, nhích từng bước. Nét mặt thoáng mệt mỏi nhưng anh Trần Văn Đức, ở Phổ Yên, Thái Nguyên, khoe với giọng phấn khởi: “Người đông nhưng được cái cư xử lịch sự, không chèn ép nhau. Cũng may năm nay nhà mình đến sớm nên được xin lộc bà sớm. Tin rằng cả năm được an lành, vợ chồng hòa thuận, con cái ngoan ngoãn, học giỏi, làm ăn phát lộc, phát tài...”.

Trước văn bia ngợi ca công lao 8 vị vua triều Lý, Trưởng Ban Tuyên truyền khu du tích lịch sử Đền Đô (Từ Sơn, Bắc Ninh) Nguyễn Đức Thìn say sưa kể về lịch sử ngôi đền cho khách tham quan. Như thường lệ vào những ngày đầu năm, lượng người đổ về khu vực Đền Đô rất đông, phần để cầu cúng, phần để tưởng nhớ các vị tiên triều và tìm hiểu ý nghĩa lịch sử nơi đây. Hơn 20 năm gắn bó với ngôi đền, theo ông Thìn, không riêng gì Đền Đô mà mỗi ngôi đình, đền, chùa Việt Nam đều chứa đựng những câu chuyện lịch sử, mà nếu người biết nó, hiểu nó sẽ đem lại sức mạnh tinh thần to lớn. “Đã tâm nguyện uống nước nhớ nguồn, truyền tình cảm ấy thành bản lĩnh sống thì sẽ tạo động lực nâng bước mỗi người. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, xã hội bây giờ, trong hàng nghìn người đi lễ, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay số người lưu tâm điều đó”, ông Thìn chia sẻ.

Chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) - Ảnh: Minh Đức
Chùa Đồng (Yên Tử, Quảng Ninh) - Ảnh: Minh Đức

“Có tín mới có lành”

Đỉnh thiêng Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) đêm trước ngày khai hội (10 tháng Giêng), cạnh những nén hương thơm, những đồng tiền công đức được đặt đúng chỗ, là hình ảnh cài cắm tiền lẻ lên các khe đá, luồn trong kẽ bệ thờ, trên tay tượng Phật… Thậm chí, một vài người còn cố leo gần sát mái chùa Đồng để xoa tiền vào vách đồng đã trở nên mòn vẹt. Bị quản lý nhắc nhở, một vị khách còn quay sang nói với vẻ phân trần: “Nghe người ta đồn đã lên chùa Đồng phải làm vậy mới may. Mình kinh doanh buôn bán, phải có tín mới có lành chứ...”.

Cũng chính bởi tâm lý “có tín mới có lành” mà không ít người đặt nặng vấn đề lễ lạt, cúng bái tại các lễ hội. “Lễ nhỏ ba trăm, năm trăm. Lớn hơn thì bảy trăm, một triệu. Còn muốn thì vô kể, cầu gì sắm nấy, đủ cả…”. Mau mắn giơ ra mâm hương nhang, giấy tiền đã sắp sẵn, người bán vàng hương tại cổng đền Bà Chúa Kho đon đả chào mời. Bà Nguyễn Thị Sao, thủ nhang tại đền cho biết, mấy năm trở lại đây dù Nhà nước hạn chế đốt vàng mã tại lễ hội nhưng hàng quán bán giấy tiền, hương nhang thì vẫn cứ tấp nập, đắt khách như thường. “Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa, mồm miệng đồn thổi cho nhau nên người về cầu cúng ngày một đông, lễ bái càng lớn. Đầu năm còn đỡ chứ cuối năm, có nhà chở mấy ô tô vàng mã để tạ lễ. Ở đây hạn chế thì họ chỉ đốt một ít, rồi chở đi đâu không biết”.

Không chỉ rải tiền lẻ hay đốt vàng mã, mà hiện tượng bạo lực, tranh cướp đã trở nên quen thuộc tại nhiều lễ hội, nhất là vào ngày chính hội. Lường trước thực trạng tiêu cực này, công tác chuẩn bị lễ hội 2017 được đặc biệt coi trọng. Các địa phương đều cho biết có công văn gửi các ban, ngành, yêu cầu tăng cường quản lý. Song thực tế tại một số điểm vẫn tái diễn hình ảnh gây phản cảm, bức xúc trong dư luận. Như ngay trong ngày khai hội Chùa Hương, Mỹ Đức, Hà Nội (mồng 6 tháng Giêng), một nhà sư đã tổ chức phát lộc (dây đeo có tượng Phật) trước đám đông hàng nghìn người, gây nên cảnh tranh giành hỗn loạn. Hoặc tại Lễ hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội (6 - 8 tháng Giêng), người đi lễ ngang nhiên trèo qua hàng rào, đạp lên đầu người khác để tranh cướp từng món lộc từ hoa tre đến trầu cau, bánh trái… Đó chỉ là một vài trong muôn hình vạn trạng biểu hiện tại các lễ hội hiện nay. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gạn đục, khơi trong
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO