Gắn đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng

- Chủ Nhật, 28/11/2021, 05:53 - Chia sẻ
Cùng với ưu tiên nguồn vốn dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021 - 2025, cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng đồng bào DTTS và MN từng bước tiếp cận nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay.

Đó là nội dung Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh đối với UBND tỉnh qua giám sát kết quả triển khai thực hiện chính sách pháp luật về tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.

Giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống

Theo ghi nhận của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận, nhìn chung, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn. Trong đó, tập trung ưu tiên cho các xã vùng DTTS và MN, nhiều hộ vay vốn từ 2 - 3 chương trình tín dụng. Giai đoạn 2016 - 2020, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải quyết cho hơn 39.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS và MN vay vốn, với số tiền hơn 1.077 tỷ đồng, số tiền cho vay bình quân mỗi hộ là 27,5 triệu đồng, với 1.985 hộ vay, Qua đó, đã góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS và MN phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội. Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ khác từ ngân sách, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 7,21% so với cuối năm 2016. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và MN đến ngày 31.12.2020 còn 16,18% so với số hộ là đồng bào DTTS và MN, giảm 16,97% so với cuối năm 2016; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 13,11% so với số hộ là đồng bào DTTS và MN, giảm 2,87% so với cuối năm 2016.

Thông qua chính sách tín dụng của Trung ương và nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, với số tiền là 55,8 tỷ đồng/2.339 tỷ đồng tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay trên địa bàn tỉnh đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cuộc sống trong vùng đồng bào DTTS và MN như: Phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện và dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào DTTS và MN từng bước chuyển biến nhận thức, quen dần với việc đầu tư làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo.

Tăng cường gắn đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa 

Ảnh: Phước Thành 

Từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay

Bên cạnh kết quả đã đạt được, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh thực tế: Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... chưa gắn kết thường xuyên với hoạt động tín dụng chính sách xã hội để giúp hộ vay sử dụng vốn mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, giá cả vật nuôi bấp bênh, thiếu ổn định, nhất là giá bò, dê, cừu, nhưng chưa có sự hỗ trợ, kết nối trong việc tiêu thụ sản phẩm làm cho hiệu quả đầu tư không cao, nhiều thời điểm bị thua lỗ dẫn đến việc thoát nghèo không bền vững. Mặt khác, tình hình thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của người vay. Nhiều hộ đã thoát nghèo, nhưng khi gặp rủi ro trong sản xuất, kinh doanh dễ bị tái nghèo.

Vì vậy, cùng với đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kết luận số 06KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 22/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung, ưu tiên nguồn vốn dành cho vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục quan tâm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội hằng năm để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đạt mức từ 6 - 8% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội cho vay trên địa bàn tỉnh…

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh việc tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng đồng bào DTTS và MN từng bước tiếp cận nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hộ dân trong việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay.

THẢO YẾN