"Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 05:57 - Chia sẻ
Cách đây hơn 70 năm, tại Hội nghị cán bộ tư pháp toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, vấn đề tư pháp là vấn đề ở đời và làm người; do vậy, “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Tòa án Nhân dân Tối cao về công tác cải cách tư pháp của ngành tòa án, phương châm đó một lần nữa được Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại. Theo đó, các tòa án phải tăng cường giữ mối quan hệ mật thiết với Nhân dân; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, tôn trọng Nhân dân.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, các tòa án đã hoàn thành nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội giao với chất lượng cao; đã thụ lý hơn 2,4 triệu vụ việc, tỷ lệ đã giải quyết đạt 97,6%. Đồng thời, đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo và áp dụng hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội... Kết quả này không chỉ cho thấy, sự nỗ lực của quá trình cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án mà còn thể hiện những đổi mới về mặt tư duy trong việc đặt người dân vào vị trí trung tâm. 

Còn nhớ, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao từng phát biểu, với tư duy đổi mới, Tòa án "giúp dân" chính là mang lại công bằng cho người dân. Do đó, các phán quyết của Tòa án không chỉ căn cứ vào chứng cứ có trong hồ sơ, mà còn dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trong xét xử hình sự, bản án của Tòa án không những áp dụng chế tài trừng trị, răn đe người phạm tội, mà còn có tác dụng cảnh tỉnh, giáo dục và phòng ngừa chung. Đối với giải quyết, xét xử các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính, lao động, giờ đây, Tòa án giữ vai trò trọng tài, hướng dẫn người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng theo luật định. 

Qua thực hiện cải cách tư pháp, Tòa án còn thể hiện sự "gần dân" ở việc tạo điều kiện để người dân dễ dàng tìm đến công lý; nắm bắt được các văn bản, trình tự tố tụng và công việc của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Sự “gần dân” thể hiện ở việc đơn giản hóa thủ tục hành chính - tư pháp; minh bạch trong ban hành, công bố bản án, quyết định và phát triển án lệ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin… để người dân tiếp cận hoạt động tố tụng từ xa.

Muốn "hiểu dân" tường tận, Tòa án cần giải quyết, xét xử các tranh chấp trong dân trên nền tảng pháp luật nhưng không tách rời đời sống hàng ngày. Nói như Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, thẩm phán giờ đây không chỉ cần tinh thông nghiệp vụ, giỏi kỹ năng xét xử mà cần phải am tường về thực tiễn xã hội, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, những khó khăn của người dân ở nhiều góc độ để có phương pháp giải quyết phù hợp. Từ đó, đưa ra phán quyết công tâm, có sức thuyết phục.

Rõ ràng, chính sự “gần dân, hiểu dân, giúp dân” tạo nên tương tác đa chiều để “học dân”. Khi đó, Thẩm phán trau dồi kiến thức, kỹ năng xét xử từ việc tham khảo tiền lệ pháp, tập quán pháp tốt đẹp trong dân; đối chiếu với thực định pháp để đưa ra phán quyết thấu tình, đạt lý; làm phong phú thêm kinh nghiệm xét xử, hình thành án lệ, bổ sung cho những khoảng trống mà pháp luật chưa điều chỉnh.

Song, để có thể phát huy phương châm "lấy dân làm gốc", cần phải cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động tư pháp. Muốn vậy, vai trò giám sát của Nhân dân phải phát huy được thế mạnh, bảo đảm hiệu quả nguyên tắc Hiến định “việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân tham gia” - cơ chế để Nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước. Với kinh nghiệm, hiểu biết và kiến thức của mình, Hội thẩm sẽ góp phần quan trọng xác định sự thật khách quan của vụ án, làm tăng thêm niềm tin của Thẩm phán trong việc đưa ra phán quyết “thấu tình, đạt lý”. Có như vậy, mới bảo đảm được tính công khai, minh bạch trong xây dựng tòa án và nền tư pháp, để tòa án thực sự là "hạt nhân" của cải cách tư pháp.

Đỗ Quyên