Thúc đẩy các ngành nghề nông thôn
Giai đoạn 2004 - 2023, với tổng kinh phí trên 54,8 tỷ đồng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Trị (Trung tâm Khuyến công) đã tổ chức các hoạt động: đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu...
Trong đó, đã tổ chức 7 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; đào tạo nghề, truyền nghề cho khoảng 3.800 lao động. Đặc biệt, đã hỗ trợ, xây dựng 38 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới. Hỗ trợ 330 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời cơ sở vào cụm công nghiệp.
Năm 2024, Trung tâm đã hướng dẫn các đơn vị đáp ứng các tiêu chí lập hồ sơ đề án khuyến công để tổng hợp, đánh giá trình Sở Công Thương xem xét, tổ chức họp thẩm định và thống nhất trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 14 đề án ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng và tổ chức Khu trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị tại Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.
Năm 2024, Quảng Trị có 34 sản phẩm/bộ sản phẩm của 32 cơ sở được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và 10 sản phẩm/bộ sản phẩm được chọn đề nghị tham gia bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.
Có thể thấy, thông qua chương trình hỗ trợ các đề án khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở đã được tiếp cận phương thức quản lý và công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, cơ sở trong việc đầu tư thiết bị vào sản xuất. Nguồn kinh phí khuyến công năm sau luôn cao hơn năm trước.
Hướng dẫn cụ thể về các đề án, nhiệm vụ
Tuy nhiên, tình hình khó khăn với doanh nghiệp vẫn còn tiếp diễn. Một số đề án khuyến công phải điều chỉnh hoặc xin ngừng thực hiện. Các nội dung khác trong chương trình khuyến công chưa được doanh nghiệp quan tâm đầu tư thực hiện, chủ yếu tập trung vào ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nên đây cũng là nội dung chính của đăng ký hỗ trợ khuyến công.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động khuyến công, Trung tâm sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực công thương đến rộng rãi các cấp, các ngành và cơ sở công nghiệp nông thôn. Lồng ghép nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại để kết nối thị trường tiêu thụ trong nước cho doanh nghiệp với tinh thần không tách rời hỗ trợ sản xuất với hỗ trợ xúc tiến thị trường, đặc biệt là quan tâm đến các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Đồng thời, ưu tiên đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận tiêu biểu, quan tâm hỗ trợ xúc tiến thị trường, quảng bá cho các sản phẩm này. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng chuỗi giá trị liên kết, tạo cơ hội cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh đến được với các thị trường tiềm năng, hướng đến xuất khẩu.
Về phía các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng cần phải nỗ lực, sáng tạo, tích cực chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Nhằm bảo đảm việc thực thi có hiệu lực, hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, Sở Công Thương Quảng Trị đề xuất Bộ Công Thương, Cục Công Thương địa phương có hướng dẫn cụ thể đến từng đề án, từng nhiệm vụ. Như vậy sẽ giúp tạo ra quy chuẩn để thực hiện, lúc đó sẽ thuận lợi hơn cho cả đơn vị thực hiện, đơn vị quản lý và giám sát.