Gái đảm (Phần 1)
Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh
Lâu lắm Vịnh không xem ti vi.
Chiều nay, lúc đang ngồi uống bia hơi ở Tăng Bạt Hổ, nhận được tin nhắn của thằng bạn đồng môn, đang làm ở đài truyền hình “tối nay, lúc chín giờ, mở kênh Mười Ba Y, xem người thân của mày chém gió nhé”.
Vịnh vốn ghét xem ti vi, đặc biệt là chương trình Người tài lập nghiệp của kênh 13-Y, một thời được coi là “hot” của nhà đài này. Đầu tiên thì cái kênh này cũng đưa được một số nhân vật rất đáng ngưỡng mộ, rất tài năng và phong cách, rất sự nghiệp và thành công… nói tóm lại, rất đáng lên sóng. Thế là số người xem chương trình vọt lên cao ngất, quảng cáo đổ về ầm ầm, toàn giờ vàng, tiền vàng. Thế nhưng, xứ này nền kinh tế còn bé tí, còn mấy tay gọi là doanh nhân, mới như thằng trẻ con lớp một đang tập đánh vần so với mấy tay tài phiệt thế giới đang ở trình độ giáo sư, thì lấy đâu ra lắm “người tài lập nghiệp” thế? Nhưng mà chương trình đang hot thì dừng làm sao? Mấy tay nhà đài liền áp dụng ngón nghề của thời xưa, xây dựng điển hình. Khổ nỗi, cứ điển hình nào vừa lên sóng chém gió vỡ màn hình hôm trước, vài hôm sau đã thấy báo công an đăng ở mục vụ án lừa đảo, để bà con cả nước rút kinh nghiệm. Nhưng mà hợp đồng quảng cáo ký rồi, không đẻ ra chương trình để phát sóng thì vỡ nợ hay sao? Thế nên, mấy năm nay, Vịnh không thèm xem cái kênh vô vị ấy nữa. Mà Vịnh cũng chán luôn cả cái phương tiện giải trí thông dụng nhất của thời đại rồi. Vịnh quay sang đọc sách và lướt nét.
![]() Minh họa Đặng Hồng Quân |
Nhưng từ lúc nhận tin nhắn, Vịnh cứ lăn tăn mãi, mình làm quái gì có bạn bè thân thiết hay người nhà là người nổi tiếng mà lên ti vi nhỉ, nghĩ mãi chả ra. Thế là chín giờ tối, Vịnh bật ti vi lên xem. Ôi trời, nàng Yên. Người cũ của ba mươi năm trước. Nàng khác xưa nhiều lắm. Nhưng đôi mắt của nàng thì hầu như không thay đổi nên Vịnh nhận ra ngay, mà chưa cần phải nghe người dẫn chương trình giới thiệu thân thế sự nghiệp. Một đôi mắt to, sâu thẳm, long lanh ướt, đã thế lại được một hàng mi dài, đen rợp, cong vuốt tự nhiên tô điểm.
*
* *
Khi nhìn thấy Yên đến làm thuê ở khu lò gạch của nhà mình năm cô nàng mới có mười lăm tuổi, Vịnh thấy như đang đi trên đường bỗng bước hụt xuống một cái hố sâu. Trời ơi, sao gái làng Ngọc lại có đứa xinh thế, xinh theo kiểu thị thành mới lạ chứ, mảnh mai, mềm mại. Yên là con gái út của ông Vệ, một gia đình nông dân đông con nghèo kiết xác ở cuối làng. Năm ngoái, cô nàng vừa học hết cấp hai, nhưng nhà cũng chả có tiền cho học tiếp nên ở nhà theo chúng bạn đi làm thuê kiếm tiền. Yên đến nhận tiền công nhật cuối ngày ở Vịnh, năm ấy mười bảy vừa tốt nghiệp phổ thông, đang chờ kết quả thi đại học, ra giúp nhà mấy việc sổ sách. Chân tay Vịnh luống cuống, mãi chả đếm được tiền đưa cho Yên. Cái con bé ấy, mới tí tuổi đầu mà tinh quái, nó còn trêu Vịnh thêm: “Cậu tú ơi cậu tú, cậu mà tính sai tiền công cho em là em bắt đền cậu đấy, em ở đây với cậu”.
Nhưng mà Vịnh không phải tay vừa. Hồi đi học, Vịnh cũng đọc khá nhiều tiểu thuyết diễm tình nên, về lý thuyết mà nói, Vịnh biết cần phải làm gì để cưa đổ một cô gái. Thế là, một số ngón học trong sách vở và, một số ngón do bọn bạn nam sinh truyền tai nhau được Vịnh bỏ ra thực thi, tỷ như có hôm Vịnh gói tiền công cho Yên bằng tờ giấy có chép bài thơ: Hôm nay trời nhẹ lên cao/ tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
Một tuần sau, nhân lúc Yên đang đóng gạch phơ ngoài sân, Vịnh ra ngồi bên cạnh, lấy cái que tre vạch lên hòn gạch ướt dòng chữ “Anh yêu Em” và bảo Yên: “Em cho vào lò nung, khi nào ra lò chúng mình lấy ra làm minh chứng cho tình yêu của anh nhé”.
Thế là tối hôm ấy, và những tối sau nữa, tại bãi sông, bên bụi cỏ mía de thơm nức, một cuộc tình kinh điển, giữa một nàng làm thuê xinh đẹp và một công tử con nhà chủ đã diễn ra, đầy đủ mọi sắc thái như trong các tiểu thuyết diễm tình mô tả: có thề thốt yêu đương, có hứa hẹn, có dâng hiến và, thỉnh thoảng, lúc chia tay khi rạng sáng, có thêm cả mấy giọt nước mắt.
Ở đầu làng Ngọc có một cái giếng khơi, thành xây cao, cuốn tròn, xung quanh lát gạch sạch sẽ, một cái bậc thềm được bó vỉa cẩn thận để lấy chỗ cho dân làng xuống múc nước. Ở bậc cuối, chỗ tiếp giáp với nước, không hiểu sao lại có một tảng đá xanh to hình cái lá nho, giữa có một cái khe nhỏ. Đấy là nguồn cơn cho lời đồn khắp vùng Kinh Bắc là gái làng Ngọc đẹp mà lẳng. Lẳng kinh người. Nhưng người ta cũng kháo nhau là, nước giếng làng ấy ngọt lắm nên gái làng Ngọc đã xinh, da trắng mọng mà giọng hát lại hay. Mỗi dịp xuân về, các làng đua nhau mở hội, làng nào cũng chỉ mong được đón gái làng Ngọc về hát giao duyên. Trai cả vùng chỉ mong được làm rể làng Ngọc, lẳng cũng mặc kệ. Cũng lạ. Yên hát quan họ hay lắm, mỗi khi giải lao, mọi người cùng làm hay bảo Yên hát cho vui. Giọng cô cất lên: Đêm ư hôm qua mình em nhớ bạn lình tinh a lính tình tinh, này a có a em buồn… Vịnh thấy tim mình như thắt lại. Người gì mà ướt át đến thế thì thôi, mới đêm qua còn quấn nhau đến rạng sáng ngoài bãi sông, lúc chia tay, đêm nào cũng vậy, nàng vẫn cứ rực lên “em chỉ muốn có anh cả đêm”. Thế mà, mới nửa buổi sáng, chưa kịp ra cho nàng nhìn, đã “em buồn về ai, em nhớ về nỗi anh hai…”, giọng trong vắt, lả lướt. Để rồi, buổi tối, chỉ kịp ăn vội vài bát cơm là hai đứa lại chạy tuốt ra bãi sông, bên bụi cỏ mía de.
Việc một đôi trẻ có tình ý với nhau ở làng Ngọc là hết sức bình thường, ít người để ý. Làng này, từ thời thượng cổ đến nay đã nổi tiếng là huê tình. Nhưng nay là thời mới rồi nên một đôi gái mười lăm, trai mười bảy dắt nhau đến trình bày với cả hai nhà là: “Chúng con yêu nhau quá mất rồi, cho chúng con về ở với nhau không thì chúng con chết mất” thành ra cũng là một sự ầm ĩ. Thật ra thì hai nhà cũng chả có ý định ngăn cản tình yêu đôi lứa, cũng chỉ khuyên răn bảo ban rằng: “Thôi thì có yêu nhau cũng cố nhịn, cơm không ăn thì gạo còn đấy, đợi vài năm, đủ tuổi đăng ký kết hôn, công việc học hành đàng hoàng rồi cưới chưa muộn…” Nhưng lý trí của hai trẻ non say tình thì không được tỉnh táo như các bậc phụ huynh, thuyết phục hai nhà cho về ở với nhau mãi không được, lại bị ảnh hưởng của mấy cuốn tiểu thuyết diễm tình đang thịnh hành trong giới trẻ lúc ấy, cả hai suy diễn là “tình yêu bị ngăn trở”. Một đêm, hai trẻ trốn nhà ra bãi sông ôm nhau, hôn nhau, cho nhau chán chê rồi lại ôm nhau khóc lóc than thở “đêm ngắn ngày dài”, thôi thì sống cũng như thừa… Trong cơn phấn khích cao độ, cả hai cùng quấn mình vào cái chạc trâu, ôm nhau nhảy xuống giếng làng, những định chết cùng nhau để được ở bên nhau mãi mãi. Cái giếng khơi đầu làng khá rộng nhưng nông, khi cả hai nhảy xuống, nước không ngập quá đầu, chỉ lấp xấp mang tai nên không chết được mà lại xảy ra một tình huống bi hài. Đã quấn chặt nhau, nên cả hai cứ lục đục, bập bềnh dưới giếng, muốn chìm hẳn cũng không được, uống no nước rồi, đâm sợ, muốn lên bờ cũng không xong. May, đến rạng sáng, có bà góa đầu xóm Đình, không ngủ được, ra gánh nước sớm, nhìn thấy, hô hoán mọi người ra lôi vào. Chỉ khổ cho hai gia đình, bị làng phạt vạ, bắt phải vét sạch lại giếng làng cho khỏi ô uế, vì, chúng dám cởi truồng ôm nhau nhảy xuống. Rồi lại phải làm lễ tạ ở đền Bà Chúa Giếng ngay đấy mới yên.
Sau vụ đấy một tuần thì Vịnh có giấy gọi đi học đại học, ngoài Hà Nội, Vịnh vốn học giỏi nhất làng. Học xong, Vịnh làm việc, lấy vợ, sinh con ở Hà Nội ít khi về quê, mà có về cũng chỉ chớp nhoáng đảo nhoàng là đi luôn.
Yên thì vẫn ở quê. Nàng mới học hết lớp bảy nên đành ở nhà. Yên và Vịnh có lẽ là đôi duy nhất trong làng được dầm mình trong cái giếng thiêng nổi tiếng là có nguồn nước huê tình ấy. Thế mà sau đó cả hai, tự nhiên cứ như người tỉnh ngủ. Dân làng thì lâu lâu cũng quên dần, họ còn lo làm lo ăn, hơi đâu mà quan tâm đến lũ rửng mỡ. Chỉ có bọn con trai, nhất là mấy thằng đã nhảy xuống lôi đôi ấy lên, kháo nhau: “Hàng họ của con ấy đẹp mê ly, chỗ nào ra chỗ nấy. Thế mà nhỡ chẳng may chết thật thì có phí của giời không cơ chứ”. Lấy cớ an ủi động viên em nó chả việc gì phải chết, trai làng kháo nhau tấp nập hàng đêm đến nhà em Yên chơi. Cũng lạ, chỉ sau một tuần nằm bẹp ở nhà, nghe tin bạn bè đến nói Vịnh đã ra Hà Nội nhập trường mà chả buồn đến chào một tiếng, Yên vùng dậy ngay, khỏe mạnh như không. Yên thấy mấy đứa bạn gái đến chơi nói phải: “Đời còn dài, giai còn nhiều” việc gì mà phải chết. Không có thằng này thì sẽ có thằng khác, còn khối thằng đẹp trai, khỏe mạnh, hát hay, biết chiều chuộng. Đời vẫn vui.
Không hiểu sao, từ độ đó trở đi, nhìn trai nào Yên cũng thấy hay hay, cũng “cho” được. Yên tự nhiên trở thành “gái” hồi nào không hay. Có điều, cô nàng vẫn đẹp, vẫn hát hay, thế mới lạ. Bố mẹ và anh em trong nhà chả ai dám tham gia ý kiến gì, chỉ sợ nói ra nói vào nhiều nó chạy ra sông nhảy xuống thì trời cứu. Nhưng cứ thế thì chả có thằng thanh niên nào ở vùng này dám đưa Yên về làm vợ.
Thật ra, sau vụ ôm nhau nhảy xuống giếng làng, Vịnh cũng không cạn tình đến mức khi đi học đại học, không cả muốn đến chào Yên một tiếng và nói với nhau vài lời cho phải phép. Nhưng, ngặt một nỗi, sau sự việc đó, giữa hai nhà xảy ra chiến tranh dữ dội. Nhà nọ đổ lỗi cho nhà kia. Lời qua tiếng lại, có lúc căng thẳng đến độ suýt dùng dao búa. Thế là hai gia đình cùng thề từ mặt nhau. Nhà Vịnh sai người kèm chặt cậu quý tử, lại huy động anh em bạn bè khuyên bảo lời hay lẽ thiệt. Vịnh có giấy gọi đại học thì liền đưa thẳng ra Hà Nội, ở luôn nhà người quen, không cho về quê nữa. Nhưng những tin tức về cuộc sống phóng túng của Yên ở làng chả hiểu sao đều dội vào tai Vịnh hết. Vịnh thấy tức trong ngực. Hàng đêm, trái tim Vịnh nhói buốt khi tưởng tượng ra cảnh tấm thân đẹp đẽ thơm tho của Yên, một thời đã là tất cả tình yêu của mình, nay đang lăn lóc hết từ tay thằng này sang lòng thằng khác. Vịnh đau lắm. Nhưng Vịnh cũng hèn nhát và an phận. Hình như bao nhiêu khí phách của một đấng nam nhi đã chìm hết vào cái giếng làng rồi. Vịnh cố bưng mắt, bịt tai, muốn quên đi, muốn lảng tránh cái sự thật tàn nhẫn nơi làng quê, Yên đang dùng thân xác của mình để kiếm ăn và, hình như cả là một cách trả thù cho sự chạy trốn hèn nhát của người yêu. Vịnh cứ âm thầm với những nỗi niềm không thể san sẻ cùng ai. Đúng lúc ấy, Ngân, vợ Vịnh bây giờ xuất hiện, cô gái Hà Nội dịu hiền cùng lớp đại học, như là sự cứu vớt cho cuộc đời Vịnh.
Nhưng Yên thì vẫn cứ phải sống ở làng Ngọc, vẫn phải đối mặt với những thị phi. Và dù có chơi bời đến đâu, thì trong sâu thẳm trái tim thiếu nữ, Yên vẫn mơ một cái vai đàn ông để tựa vào cả cuộc đời.
(Số sau đăng hết)