Gà Hồ - đại cát và thịnh vượng

Cao Sơn 14/03/2014 08:04

Gà Hồ ở làng Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh được coi là giống gà quý hiếm bậc nhất trong thiên hạ. Thịt gà Hồ hồng, chắc ngọt và thơm ngon. Xưa, dân làng nuôi gà Hồ tiến vua. Hình tượng gà Hồ trong tranh Đông Hồ thể hiện sự đại cát, thịnh vượng…

Hội tụ 5 phẩm chất của bậc quân tử

Gà Hồ có ngoại hình cường tráng, được mệnh danh là đệ nhất đô vật trong làng gà. Trọng lượng của gà trưởng thành có thể đạt từ 4 - 7kg. To lớn là thế nhưng gà Hồ lại hiền lành, gần gũi với con người. Gà trống chỉ có 2 màu lông là mã mận (đỏ mận) và mã lĩnh (đen), tuyệt đối không có lông trắng. Dân gian quan niệm, gà trống Hồ khi trưởng thành sẽ hội tụ đủ 5 phẩm chất của bậc quân tử. Mào gà tượng trưng cho chiếc mũ của quan văn (văn); cựa gà chắc khỏe tượng trưng cho thanh kiếm (võ); sự anh dũng chiến đấu bảo vệ đàn (dũng); biết chia sẻ khi kiếm được mồi (nhân); luôn dậy sớm gáy đúng giờ để báo thức một ngày mới (tín). Gà mái cũng hội tụ đủ các đặc điểm của con trống nhưng khác là có 3 màu lông, đẹp nhất là mã thó (trắng màu đất thó), rồi đến mã sẻ (màu lông chim sẻ) và mã nhãn (màu quả nhãn chín). Người xưa không coi gà Hồ đơn thuần như một loại thực phẩm mà nhìn nhận nó như một tác phẩm nghệ thuật, bởi gà Hồ mang dáng vẻ dũng mãnh mà các giống gà khác không thể có được. Vì thế, nhiều người nuôi gà Hồ để làm cảnh.

Theo các bậc cao niên làng Lạc Thổ, giống gà Hồ được thuần hóa, nuôi dưỡng tại địa phương cả nghìn năm trước và gắn với dòng tranh dân gian Đông Hồ. Làng Lạc Thổ (đất vui) còn có tên nôm là làng Hồ nên chúng còn được gọi là gà Hồ Lạc Thổ, nay gọi tắt là gà Hồ. Gà Hồ gắn với tục lệ nuôi gà thờ trong lễ khao trầu vào ngày 4 tháng Giêng của những người đến tuổi 55. Lạc Thổ xưa chia thành 17 giáp, mỗi giáp tự định số người được nuôi gà thờ để dự thi. Tiêu chuẩn gà dự thi sau khi luộc chín phải cân nặng tối thiểu bằng 3 quan tiền (khoảng 4kg). Những con không đủ trọng lượng phải bù bằng tiền và phạt một thành hai... Trải qua năm tháng chiến tranh, biến động của xã hội, phần do kinh tế eo hẹp, phần chạy theo cơ chế thị trường, giống gà Hồ dần bị lai tạp, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng...

Bảo tồn giống gà quý

Khoảng giữa năm 1991, trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ hưu trí của làng, các cụ cao niên đã kể lại những tục lệ xưa như: thi gà, nuôi gà tiến vua... Chính từ câu chuyện đó, một số người tâm huyết đã có ý tưởng khôi phục giống gà Hồ. Hơn một năm sau đó, tháng 10.1992, nhóm nuôi gà Hồ được tập hợp gồm một số cụ tâm huyết, có kinh nghiệm như: cụ Bản, cụ Hậu, cụ Cư, cụ Mỹ, cụ Chính... Các cụ đã đứng ra sưu tầm, nghiên cứu tài liệu nói về đặc điểm, hình dáng của con gà Hồ và dựng lại nguyên mẫu để làm tiêu chí tuyển chọn. Ngày 21.11.1992, Hội Chăn nuôi gà Hồ được thành lập, do ông Nguyễn Đăng Chung làm Chủ nhiệm, đánh dấu mốc quan trọng trong quyết tâm khôi phục giống gà quý của vùng Lạc Thổ.

Năm 1993, Hội thi gà Hồ đầu tiên được tổ chức sau một thời gian dài gián đoạn. Ở hội thi này, gà của cụ Chính đã đoạt giải nhất với trọng lượng 5,6kg. Khác với hội thi của người xưa, hội thi ngày nay thi gà sống. Theo ông Nguyễn Đăng Chung, sở dĩ chọn thể thức thi gà sống vào dịp hội làng vì ba điều lợi: thứ nhất, tăng thêm nét văn hóa độc đáo của địa phương trong lễ hội; thứ hai, bảo tồn, nhân giống phát triển gà Hồ; thứ ba, khuyến khích dân tăng thu nhập từ chăn nuôi. Các thành viên thống nhất, cứ  3 - 4 năm lại tổ chức hội thi một lần, nhưng do thiếu kinh phí nên đến nay chỉ tổ chức thêm được 3 hội thi, còn lại chỉ tổ chức trưng bày. “Dịp hội làng năm nay, Hội Chăn nuôi gà Hồ đã tổ chức trưng bày trong ngày 9.2 âm lịch. Chúng tôi đã chọn lựa 10 đôi gà Hồ đẹp nhất để vinh danh và để nhân dân, khách thập phương dự hội làng cùng chiêm ngưỡng” - ông Nguyễn Đăng Chung cho biết.

Mấy năm gần đây, cùng với nỗ lực của người Lạc Thổ, Viện Chăn nuôi quốc gia cũng đã quan tâm, khảo sát và tổ chức hội thảo về bảo tồn, phát triển giống gà Hồ. Gà Hồ đã được đưa vào danh sách động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng để bảo tồn gene. Đồng thời, Viện Chăn nuôi quốc gia nuôi hỗ trợ kinh phí để phát triển đàn gà Hồ như một sản phẩm văn hóa của vùng Kinh Bắc. Cho đến năm 2010, làng Lạc Thổ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí, khoa học kỹ thuật thông qua dự án của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Viện Chăn nuôi Quốc tế (GEF - UNEP  ILRI). Từ chỗ chỉ có vài chục hộ, đến nay làng Lạc Thổ đã có cả trăm người nuôi gà Hồ. Chất lượng đàn gà Hồ được nâng lên, thu nhập từ gà Hồ ngày một tăng, có gia đình thu 60 - 70 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành Lê Đình Thanh khẳng định, thời gian tới huyện sẽ có tờ trình UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở NN và PTNT, đồng thời lập đề án để có chính sách hỗ trợ vốn, quỹ đất, tuyên truyền, quảng bá nhằm bảo tồn, phát triển và xây dựng thương hiệu gà Hồ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Gà Hồ - đại cát và thịnh vượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO