“Việt Nam đã có bước tiến lớn”
Tại sự kiện giới thiệu báo cáo “Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với tổ chức tín dụng”, do Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam (EY) tổ chức sáng 28.11, Chủ tịch HĐQT EY Nguyễn Thùy Dương cho biết: theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), số lượng người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng đã giảm từ 2,5 tỷ người (2011) xuống còn 1,4 tỷ người (2021), đánh dấu những bước tiến đáng kể của tài chính toàn diện. Hiện, có trên 55 quốc gia đã cam kết hướng tới tài chính toàn diện; trên 60 quốc gia đã khởi động hoặc đang phát động chiến lược tài chính toàn diện cấp quốc gia.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Quyết định 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, “tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”. Mục tiêu đến cuối 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hàng năm…
Đến nay, “Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện”, bà Nguyễn Thùy Dương nhận xét. Cụ thể, Việt Nam xếp vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore, Thái Lan), xếp thứ 14 trên thế giới, trong bảng xếp hạng Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, hiện khoảng 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán.
Tuy vậy, tiến trình tài chính toàn diện vẫn phải đối mặt với những thách thức do khoảng cách về cơ sở hạ tầng tài chính, việc tiếp cận kênh tín dụng chính thống, vấn đề chấm điểm tín dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, vấn đề thiếu kiến thức tài chính của một bộ phận người sử dụng dịch vụ cũng như vấn đề bất bình đẳng giới trong tài chính.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2023, hơn 62% dân số sống ở nông thôn và vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng từ các dịch vụ tài chính - ngân hàng chính thống. Còn theo khảo sát của EY, 42% người được hỏi trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi… trong vòng một năm trở lại đây. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh cũng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng do không đủ tài sản thế chấp hoặc hồ sơ tín dụng không đầy đủ.
Trong bối cảnh đó, Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả… đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế. Tính đến tháng 6.2024, cả nước có hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động. Khảo sát của EY chỉ ra, 53% số người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng Fintech cho nhu cầu thanh toán của họ…
Phó Tổng giám đốc Thường trực MoMo Đỗ Quang Thuận xác nhận, ban đầu, khi thuyết phục các ngân hàng cùng hợp tác với Fintech là rất khó khăn vì chưa có niềm tin. Tuy nhiên, MoMo đã tận dụng dữ liệu từ các giao dịch và hoạt động từ trên chính tài khoản MoMo của người dùng để xây dựng hồ sơ tín dụng. Điều này cho phép các ngân hàng, tổ chức tài chính đánh giá khả năng chi trả của người dùng ngay cả khi họ chưa từng có tài khoản ngân hàng hoặc lịch sử tín dụng. Thông qua MoMo, các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các sản phẩm tiết kiệm, đầu tư với quy trình thủ tục đơn giản, nhanh chóng.
Cũng theo ông Thuận, đối với tài chính toàn diện, vấn đề đầu tiên là khả năng tiếp cận. Trong khi muốn tiếp cận hệ thống tổ chức tín dụng phải qua quy trình chặt chẽ, phức tạp thì với Fintech như MoMo, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận các khoản tín dụng nhỏ theo đúng nhu cầu của mình với chi phí phù hợp dựa trên việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Quan trọng nhất là phải “đúng người, đúng thời điểm, đúng cái người ta cần”. Bởi lẽ đó, hiện, siêu ứng dụng MoMo đã có hơn 30 triệu khách hàng, chủ yếu là người thu nhập thấp và trung bình, sinh viên đăng ký sử dụng; đồng thời MoMo đã giúp hơn 01 triệu khách hàng lần đầu tiên xây dựng được lịch sử thông tin tín dụng và tiếp cận được với tín dụng ngân hàng. MoMo cũng đang nỗ lực đóng vai trò “người đi xây cầu”, nhằm kết nối người dùng với các ngân hàng, tổ chức tài chính, qua đó đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Sớm ban hành cơ sở pháp lý cho sandbox
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song theo các chuyên gia, tài chính toàn diện vẫn còn là chặng đường dài. Đại diện EY khuyến nghị, đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, trong đó nhấn mạnh đến việc áp dụng các thông lệ quốc tế; sớm ban hành cơ sở pháp lý cho sandbox dựa trên cơ sở pháp lý là Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Cùng với đó, cần nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ như hạ tầng mạng để bảo đảm internet tốc độ cao, có hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây bảo mật cho ngân hàng và công ty Fintech.
Đối với các tổ chức tín dụng, cần tăng cường phát triển cơ chế ngân hàng mở. Hoạt động ngân hàng mở góp phần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính - ngân hàng; đồng thời mở ra cơ hội cá nhân hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng…
Về phía các công ty Fintech, cần đơn giản hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng và áp dụng các công nghệ mới nổi, giúp mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng. Fintech cũng nên tập trung vào nhu cầu số hóa của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), đóng vai trò hỗ trợ chủ lực trong việc đáp ứng nhu cầu tín dụng còn chưa được đáp ứng. Việc tham gia tích cực vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ trao cho Fintech cơ hội chủ động thử nghiệm và tinh chỉnh các công nghệ mới nổi, qua đó có thể đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người dùng và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an toàn cho người dùng, thúc đẩy tài chính toàn diện.