Sự cân bằng khéo léo
Bài xã luận trên tờ báo cho biết: Trong 9 tháng qua, Việt Nam đã lần lượt tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và mới nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin, một "nhiệm vụ" cân bằng cạnh tranh địa chính trị tương đối nhạy cảm mà các nước khác có thể sẽ muốn né tránh.
Nhưng chuỗi chuyến thăm của lãnh đạo của ba cường quốc hàng đầu thế giới đã cho thấy Việt Nam - quốc gia thành thạo trong việc thu hút đầu tư sản xuất từ các công ty mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình, đang quản lý các mối quan hệ quốc tế một cách khéo léo như thế nào.
Tuần này, đón tiếp ông Putin trong chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đầu tiên kể từ năm 2017, Việt Nam đã chứng tỏ một quốc gia có chính sách đối ngoại độc lập và đa dạng lâu đời.
Chuyến thăm của ông Putin diễn ra chưa đầy một năm sau khi Washington và Hà Nội nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Theo Financial Times, điều đó dù có thể khiến Mỹ khó chịu nhưng không có khả năng làm gián đoạn mối quan hệ giữa hai nước. Ông Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore, cho biết: “Việt Nam đã xử lý vấn đề rất tốt”. Ông nói, Việt Nam đã “chủ động trung lập” không giống như các nước khác tỏ ra thụ động hơn. “Hà Nội biết phải tích cực cân bằng các cán cân quyền lực khác nhau. Nếu không họ sẽ bị lôi kéo vào các trò chơi chính trị mà không có khả năng thay đổi hướng của trò chơi”.
Ông nói thêm rằng, Việt Nam sẽ không để chuyến thăm làm tổn hại tới bất kỳ mối quan hệ nào khác. Họ đã và sẽ duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam thu hút đầu tư từ các đối tác khác nhau.
Thành tựu từ "ngoại giao cây tre"
Chính sách đối ngoại độc lập của Việt Nam được áp dụng từ cuối Chiến tranh Lạnh, khi Hà Nội quyết định trở thành “bạn của tất cả các nước”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhân vật chính trị cao cấp nhất ở Việt Nam, đã ví von chính sách này là “ngoại giao cây tre”, bởi cây tre, một loại cây đặc trưng cho nông thôn Việt Nam, có “rễ chắc khỏe”, “thân vững vàng”, “cành uyển chuyển”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã thành công nâng cấp quan hệ với Mỹ và các quốc gia khác như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc lên “đối tác chiến lược toàn diện”, mức quan hệ ngoại giao cao nhất mà Hà Nội thiết lập.
Khi Tổng thống Biden đến thăm Hà Nội vào tháng 9 năm ngoái, ông đã ca ngợi động thái nâng cấp quan hệ đối tác như một phần trong “bước tiến” kéo dài 50 năm giữa hai cựu thù.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các công ty lớn như Apple khi họ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD vào năm ngoái.
Điểm đặc biệt là Hà Nội đã đạt được ưu thế này mà không làm gián đoạn mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của nước này. Hai bên là đối tác chiến lược với Việt Nam lần lượt từ năm 2008 và 2012.
Ba tháng sau chuyến thăm của Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt chân đến Hà Nội và hai nước láng giềng đã đồng ý xây dựng một “tương lai chung” để tăng cường mối quan hệ.
Financial Times đánh giá: định hướng chính sách đối ngoại Việt Nam đã đứng vững trước những biến động chính trị và sẽ đứng vững ngay cả trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy, Susannah Patton nhận định: “Việt Nam đã được hưởng lợi từ chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa của mình và khiến quốc gia này trở nên phù hợp với nhiều đối tác”.