Hoạt động dịch vụ đem về 514 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lãi mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 121 tỷ đồng, tăng 38,53% và lãi từ hoạt động khác đạt 835 tỷ đồng, cũng tăng 71,9% so với năm trước.
Trong năm 2023, chi phí hoạt động của Eximbank giảm 9,6% xuống còn 3.140 tỷ đồng. Ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 694 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần so với năm trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm 26,5% so với năm 2022, xuống mức 2.165 tỷ đồng.
Thời điểm 31.12.2023, tổng tài sản của Eximbank ở mức 201.416 tỷ đồng, tăng 8,84% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của khách hàng là 156.329 tỷ đồng, tăng 5,19%; Cho vay khách hàng là 140.448 tỷ đồng, tăng 7,62%. Vốn chủ sở hữu của nhà băng này là 22.444 tỷ đồng, tăng 9,6% so với đầu năm.
Đáng chú ý, chất lượng tín dụng của Eximbank đã đi xuống rõ rệt trong năm 2023. Tổng nợ xấu của ngân hàng tại thời điểm 31.12.2023 đã tăng 58% so với đầu năm lên mức 3.726 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cũng theo đó tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên 2,65% vào thời điểm cuối năm 2023.
Trong cơ cấu, nợ dưới tiêu chuẩn (Nhóm 3) ở mức 446 tỷ đồng, tăng 68% so với đầu năm; nợ nghi ngờ (Nhóm 4) thậm chí còn tăng đột biến 213% so với đầu năm lên 1.412 tỷ đồng; nợ có khả năng mất vốn (Nhóm 5) ở mức 1.868 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, chiếm một nửa tổng số dư nợ xấu tại ngày cuối năm.
Bên cạnh đó, nợ cần chú ý (Nhóm 2) của Eximbank cũng tăng 37% lên 1.839 tỷ đồng. Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu, nhưng với việc nợ nhóm 2 gia tăng đáng kể cho thấy tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu rất cao.
Mới đây, trong bối cảnh kinh doanh kém sắc, theo báo cáo vừa gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh Eximbank cho biết không bán được cổ phiếu nào trong số 6,09 triệu đơn vị đăng ký từ ngày 15.1 đến 7.2 bởi giá thị trường chưa đạt kỳ vọng so với giá bán mục tiêu của ngân hàng.