EVN nên tập trung cho lĩnh vực chính là sản xuất điện
Đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản là 3.590 tỷ đồng. Số vốn này đủ để EVN đầu tư xây dựng một nhà máy điện công suất 50 MW. Đó là khẳng định của Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ trong buổi công bố kết quả kiểm toán EVN vừa qua.
PV: Từ kết quả Kiểm toán Nhà nước có thể khẳng định EVN hoàn toàn có những cơ sở để có thể giảm giá bán điện. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Vương Đình Huệ: Có nhiều yếu tố tác động đến việc tăng, giảm giá điện. Trước tiên xét các yếu tố tác động đến việc tăng giá điện: Ngành điện đang được hưởng bù giá than. Nhà nước thực hiện bù chéo giá than cho bốn hộ tiêu dùng lớn với mức giá chỉ bằng 39-79% giá thành, thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu. Tuy nhiên, trong tháng 11, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng giá bán than cho ba hộ tiêu dùng lớn là: ximăng, bột giấy, phân bón và sẽ điều chỉnh tiếp với ngành điện ngay khi giá điện được điều chỉnh tăng. Cùng với đó, do EVN vay vốn cả từ nguồn nước ngoài, nên phải chịu chênh lệch tỷ giá khá lớn. Năm 2007, EVN có khoản doanh thu không mất tiền là 330 tỷ đồng từ dây chuyền chạy thử Nhà máy Uông Bí, nhưng nếu trừ vào chi phí năm nay sẽ gián tiếp làm tăng giá thành. Ngoài ra giá dầu, giá gas nếu tính theo giá thị trường thì khả năng tăng giá rất lớn. Chưa kể việc điều chỉnh tăng tiền lương cán bộ công nhân nói chung và các chi phí khác trong vận hành cũng tăng lên.
Đối với các yếu tố tác động đến việc giảm giá điện: Nếu EVN hạ được tổn thất điện năng xuống 8% sẽ tiết kiệm được 1,4 nghìn tỷ đồng. Các nhà máy thuỷ điện có thời gian đầu tư dài, công suất điện lớn nhưng giá rẻ, các tháng mùa khô không phát huy tác dụng thì được bù bằng nhiệt điện (dùng than) cộng thêm phụ tải có khi thừa điện. Giá dầu thô thế giới giảm mạnh, nhưng nhà máy điện ở nước ta chủ yếu là nhà máy thuỷ điện (chiếm 40%), còn số ít nhà máy nhiệt điện còn lại thì chạy bằng than, gas nên tác động không nhiều đến giá.
Xét về tương quan hai loại yếu tố này thì điều chỉnh tăng giá bán điện là phù hợp, nhưng phải trong điều kiện EVN phấn đấu tiết giảm chi phí.
PV: Và những gì được đưa ra trong Báo cáo kết quả kiểm toán cho thấy, Ngành điện đã kinh doanh không có lãi...
Ông Vương Đình Huệ: Nếu tách riêng chênh lệch thu được từ tăng giá điện (3,4 nghìn tỷ đồng), lợi nhuận của EVN đạt 973,4 tỷ đồng. Còn tính riêng lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện thì EVN lỗ trong 506 tỷ đồng. Lãi của EVN chủ yếu thu được từ đầu tư ngoài ngành như viễn thông, điện lực (lãi hơn 100 tỷ đồng), ngân hàng, chứng khoán (lãi trên 600 tỷ đồng)... Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước vẫn cảnh báo, đầu tư vào viễn thông tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, vì dù có lãi song EVN vẫn phải chờ phân bổ đầu tư rất lớn. Ngoài ra, nếu có mua cổ phiếu cũng tránh gây thất thoát, thua lỗ.
PV: Giá bán điện ngay giữa các công ty con của EVN cũng có sự chênh lệch, khiến nhà máy thuỷ điện đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp. Theo Ông, EVN nên cân nhắc điều này như thế nào?
Ông Vương Đình Huệ: Thực tế, giá bán điện của các nhà máy nhiệt điện cao còn thuỷ điện lại thấp. Bởi, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư vào nhiệt điện chạy than, và nếu EVN không mua điện với giá hợp lý sẽ không có nhà đầu tư nước ngoài nào chịu đầu tư. Ngoài ra, nhiệt điện tuy đầu tư thời gian ngắn nhưng suất đầu tư rất lớn, đó cũng là lý do khiến các nhà đầu tư đòi hỏi mức lãi hợp lý. Tuy nhiên, chênh lệch giá bán cần được xem xét lại. Xét trong tương quan với thuỷ điện, liệu có cần mức giá bán nhiệt điện cao như thế hay không? Điều này EVN cần xem xét lại.
PV: Giá bán điện của các công ty con của EVN chênh lệch với bên ngoài tới 70 đồng/kWh. Liệu có cơ chế bù lỗ lãi chuyền qua chuyền lại giữa các công ty con hay không, thưa Ông?
Ông Vương Đình Huệ: Chúng tôi đã khuyến cáo với EVN về vấn đề chuyền đi chuyền lại giữa các công ty con. Có điều ngành điện khác với ngành viễn thông (chỉ có một giá duy nhất), đó là các công ty cấp dưới là thành viên hạch toán độc lập. Song, việc chênh lệch giá bán do khối thuỷ điện chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận tuy cao nhưng tỷ suất trên vốn đầu tư vẫn thấp. Do vậy rất khó so sánh tỷ suất điện trên vốn giữa thuỷ điện và nhiệt điện.
PV: Là tập đoàn đầu ngành về điện nhưng EVN lại lỗ trong kinh doanh điện và lãi trong kinh doanh ngoài ngành. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Vương Đình Huệ: Đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, như viễn thông, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản lên tới 3.590 tỷ đồng, chiếm 7,22% trên vốn đầu tư và 4,82% tổng nguồn vốn chủ sở hữu. Đây không phải là tỷ lệ quá lớn, nhưng với trên 3.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể đầu tư xây dựng một nhà máy điện công suất 50 MW. Do vậy, chúng tôi cũng khuyến cáo EVN nên tập trung cho lĩnh vực chính của mình là sản xuất điện.
PV: Ông có nói việc chi phí đầu vào của EVN tăng cao có thể dẫn đến tăng giá điện, nhưng nếu EVN nỗ lực cắt giảm chi phí thì vẫn có thể giảm giá điện. Cụ thể EVN nên cắt giảm những chi phí nào?
Ông Vương Đình Huệ: Có bốn yếu tố chi phí EVN mà có khả năng cắt giảm là nguyên liệu, vật tư tồn kho giảm tổn thất điện năng và giá bán nội bộ. Nếu cắt giảm tốt EVN sẽ không phải trích lập quỹ dự phòng cho hàng hóa kém phẩm chất. Đặc biệt, nếu tiết giảm tổn thất điện năng 0,06% thì EVN cũng có thể thu được 35 tỷ đồng, và tiết giảm được từ 8-10% theo mục tiêu có thể thu được 1.500 tỷ đồng. Giá bán nội bộ cũng nên cân nhắc để nhà đầu tư có lãi hợp lý.
PV: Xin cám ơn Ông!
MAI HÀ thực hiện