EVFTA - động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng

- Thứ Bảy, 01/08/2020, 08:15 - Chia sẻ
Hôm nay (1.8), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và EU đi vào chiều sâu.

Bước ngoặt mới

Sáng 31.7, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu: EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững”.

Tại diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, EVFTA được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp, đầu tư giữa hai bên đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững.

EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ) với kim ngạch 2 chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại ASEAN (sau Singapore); đồng thời là quốc gia đang phát triển đầu tiên trong khu vực châu Á ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU.

“Những con số thực tiễn đó đã tạo nên vị thế đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của EU tại Việt Nam duy trì suốt 3 thập kỷ qua. Những con số trên cũng là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp hai bên háo hức đón chào bước ngoặt mới trong lịch sử quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam và EU khi EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.8. 2020 sau khi hai bên đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn cũng như thủ tục pháp lý khác theo thỏa thuận”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Công bố Báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI), Phó Chủ tịch Hiệp hội EuroCham Jacques Bouflet cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam. “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch, cho thấy ứng xử hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ. Điều này củng cố thêm niềm tin của doanh nghiệp châu Âu trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam”, ông nói.

Diễn đàn được tổ chức trực tuyến với 27 điểm cầu trong nước và EU  

Ảnh: Nhật Trường 

Làm ăn bài bản để tạo quan hệ bền vững

Không chỉ bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - EU khi EVFTA có hiệu lực, nhiều đại biểu đã chỉ ra nhiều khó khăn doanh nghiệp phải vượt qua để tận dụng hiệu quả các ưu đãi của Hiệp định.

Theo ông Trần Ngọc Quân, tham tán Thương mại tại Bỉ và EU, cơ hội từ EVFTA rất lớn nên mỗi doanh nghiệp phải làm ăn bài bản để thiết lập các mối quan hệ bền vững với các đối tác trong EU. Đồng thời, doanh nghiệp nên có tinh thần bảo vệ mình và ngành của mình, không tham gia vào các hành vi gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa để nước khác trục lợi từ EVFTA.

Ông Quân cũng cho biết, hiện nay, EU đẩy mạnh việc kiểm soát các hành vi gian lận thương mại. Khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này. “Cơ quan điều tra chống gian lận của EU đã làm việc với Thương vụ để tìm hiểu, cân nhắc việc mở rộng điều tra sang Việt Nam khi thấy Việt Nam tăng xuất khẩu nhiều một số mặt hàng của Trung Quốc bị áp thuế. Do vậy, các hiệp hội cần có vai trò hơn đối với doanh nghiệp của ngành mình, phát hiện xu hướng tiêu cực tại doanh nghiệp để phối hợp với cơ quan chức năng sớm có biện pháp”, ông đề xuất.

Các ý kiến tại Diễn đàn cho rằng, những ưu đãi từ Hiệp định được xem là yếu tố hỗ trợ, nhưng tiên quyết vẫn phải là nội lực và quyết tâm đổi mới của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy EU là thị trường khó tính với những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đòi hỏi đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, phát triển bền vững đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại, cải thiện khả năng tham gia thương mại quốc tế để nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, chinh phục thành công thị trường EU, tiến sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Nhật Trường