Euro chưa chinh phục được cả châu Âu

Phạm Thái 13/12/2008 00:00

Khi đồng tiền chung châu Âu chuẩn bị đón chào lễ kỷ niệm 10 năm ra mắt trong vài tuần tới, các nhà lãnh đạo kinh tế châu lục có rất nhiều lý do để tự hào. Vượt qua vô số hoài nghi kéo dài cả thập kỷ, đồng euro đã trở thành đơn vị tiền tệ quan trọng thứ 2 sau sự thống trị của USD. Thực tế đã chứng minh, một loạt quốc gia từ Ai Len tới Slovenia đã có những chấn hưng kinh tế quan trọng kể từ khi gia nhập khu vực đồng tiền này. Nhưng…

      Theo MarketWatch, sự mạnh lên của euro kể từ khi ra đời ngày 1.1.1999 đã chưa thể chinh phục toàn châu Âu. Còn rất nhiều nhà lãnh đạo tỏ ra hoài nghi, chần trừ gia nhập liên minh tiền tệ vì lo ngại đây có thể là nguyên nhân gây tăng giá, thậm chí là mối đe dọa dân tộc. 
      Khi bắt đầu bước sang một thập kỷ mới, đồng euro đang phải đối mặt với thách thức thực sự đầu tiên trong tuổi đời non trẻ của mình khi cuộc khủng hoảng toàn cầu đang tấn công toàn lực nền kinh tế châu Âu. Euro đã mất dần giá trị trong một vài tháng qua khi các nhà đầu tư lại đổ xô về bến cảnh an toàn của đồng USD. Nhiều nước, vốn được hưởng nhiều ưu đãi từ việc hội nhập tiền tệ giờ nhận ra rằng họ đang nằm dưới sự định đoạt của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Đối với một số nước, không chỉ ở tại châu Âu, nguy cơ vỡ nợ hiện nay vượt quá nguy cơ của các ngân hàng lớn. 
      Đối với dân Anh quốc, những người luôn từ chối euro, cuộc khủng hoảng hiện nay là một bằng chứng cho thấy chính phủ tốt hơn nên tự kiểm soát số phận kinh tế của chính mình. Mặc dù đồng bảng Anh cũng đang lao dốc cùng với sự chao đảo của trung tâm tài chính London, ít nhất nội các của Thủ tướng Anh Gordon Brown vẫn có quyền kiểm soát và đưa ra các chính sách giải cứu tài chính và khôi phục kinh tế. 
      Ý thức về yếu tố này sẽ vẫn còn tồn tại lâu dài kể cả khi khủng hoảng kết thúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ quét sạch đồng euro trong ngày mai hay thậm chí trong 10 năm tới. Xu hướng chuyển sang một đồng tiền chung đã đánh dấu một sự thay đổi cực lớn trong những suy tư kinh tế, đặc biệt khi một thập kỷ qua đã cho thấy những lợi ích mà euro mang lại thời thịnh vượng. Tuy nhiên,  một số vấn đề kinh tế tại những nước như Italy, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha đã cho thấy một khả năng, rất có thể trong một thập kỷ tới liên minh tiền tệ sẽ ít thành viên đi và mỗi một trường hợp bỏ cuộc lại càng khiến cho nhận thức về euro suy yếu. 
      Trong khi đó, nhận thức này lại rất quan trọng. Các nhà lãnh đạo kinh tế có thể tranh luận cả ngày trời về những lợi ích mà euro đem lại cho người châu Âu, nhưng thậm chí cả một thập kỷ lớn mạnh vẫn chẳng thay đổi được suy nghĩ của nhiều người về sự đe dọa của euro với dân tộc mình. Gói cứu trợ cho ngành công nghiệp ô tô và khu vực tài chính phố Wall cũng có thể được coi là biện pháp tốt nhất giúp Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng, nhưng nó cũng chẳng thay đổi được ý nghĩ của nhiều người dân Mỹ về việc bị đối xử bất công khi chính phủ lãng phí những đồng tiền đóng thuế. Thực tế và nhận thức thường vênh nhau nhưng cả hai luôn rất quan trọng. 
      Theo giáo sư kinh tế của Đại học Havard Martin Feldstein, có thể liệt kê ra một loạt thách thức khiến đồng euro phải đối mặt trong bóng đen của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trước tiên, đó là là chính sách tiền tệ “một cho tất cả” trong khu vực đồng tiền chung. Một quốc gia lo sợ kinh tế suy sụp kinh niên có thể rời bỏ liên minh để nới lỏng các điều kiện tiền tệ và định giá lại đồng tiền của mình. 
      Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định châu Âu, trong đó hạn chế số thâm hụt tài chính của các thành viên khu vực đồng euro cũng là một lý do khác khiến cho một số nước ở lại không yên. Năm tới sẽ là thử nghiệm mạnh nhất chưa từng có cho euro, khiến nhiều người hoài nghi về khả năng tận dụng cơ hội từ khủng hoảng để phát triển của đồng tiền này. Trong thời kỳ khó khăn, một nước có thể muốn theo đuổi chính sách truyền thống của Keynes thông qua các gói kích thích tài chính quy mô lớn có thể gây thâm hụt để khôi phục kinh tế. Bên cạnh đó, cũng như đã đề cập ở trên, cuộc khủng hoảng tài chính còn làm cho vấn đề “người cho vay phút chót” trở nên gây cấn. Người ta sẽ quan sát rất kỹ độ nhiệt tình của Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc cung cấp euro cho các quốc gia như thế nào. Nếu một nước nào đó thấy hệ thống ngân hàng của mình sụp đổ do ngân hàng quốc gia không thể có đủ tiền để cho vay, họ có thể rời liên minh tiền tệ và kinh tế châu Âu (EMU) để ngân hàng trung ương của mình có thể cung cấp bất cứ khối lượng tiền nội tệ nào thấy cần thiết. Một vấn đề nữa, khủng hoảng có thể dẫn đến việc tái khởi động các cuộc đàm phán về sự cần thiết phải có một cơ chế đánh thuế của châu Âu. Việc mở cửa dẫn đến tình trạng tái phân phối thu nhập lớn sẽ khiến nhiều người giàu muốn rời EMU. 
      Bước sang tuổi thứ 10, độ tuổi còn quá trẻ nhưng để tiếp tục lớn khỏe mạnh, đồng euro cần phải vượt qua được những thách thức kể trên, đặc biệt khi kinh tế thế giới suy sụp.

Con đường phát triển của đồng euro

      Đồng euro ra đời vào 1.1.1999 với 11 quốc gia thành viên là Đức, Pháp, Áo, Bỉ, Phần Lan, Ai Len, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, các đồng nội tệ vẫn được lưu hành nhưng bị hãm bằng tỷ giá cố định. Sau đó Hy Lạp (2000), Slovenia (2007), Đảo Síp và Malta (2008) tiếp tục gia nhập, đưa liên minh tiền tệ và kinh tế châu Âu trải dài trên một khu vực gồm 320 triệu người gồm 15 quốc gia. Những thành viên sắp tới sẽ là Slovakia (2009), Rumani (2013), Estonia (2011), Bulgaria (dự kiến vào năm 2015)…

      Năm 2002, tờ giấy bạc và đồng xu euro được chính thức đưa ra giới thiệu

      Năm 2005, đồng tiền chung châu Âu đã vượt Mỹ để trở thành loại tiền tệ thông dụng nhất trên thị trường vốn quốc tế.

      Năm 2006, đồng bạc Euro được đưa vào lưu hành lần đầu tiên vượt qua giá trị của tất cả số USD hiện lưu hành. Euro đã chiếm vị trí thứ 2 sau USD trong dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên thế giới và có khả năng tăng tỷ phần từ 28% lên một phần ba trong những năm tới. Đồng yen Nhật nằm ở vị trí số 3. 

      Theo số liệu của IMF, trong số 7 ngàn tỷ dự trữ ngoại hối của thế giới, có  63% được lưu giữ bằng đồng USD và 27% bằng đồng Euro. Số còn lại là đồng bảng Anh, đồng yen Nhật và Franc Thụy Sỹ. Trong vòng 10 năm qua, đồng euro đã củng cố được vị trí là một tài sản dự trữ quan trọng toàn cầu. So với mức dự trữ bằng đồng DM Đức, lúc đó vốn là một ngoại tệ mạnh, vào khoảng 300 tỷ USD cách đây 10 năm với mức 1900 tỷ USD của euro hiện nay, mức tăng đã lên tới 6 lần.

      Hiện có 9 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực đồng euro sử dụng đồng tiền này như là đơn vị tiền tệ duy nhất của quốc gia.

      Căn cứ vào GDP của năm 2007, khu vực đồng euro là nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Euro chưa chinh phục được cả châu Âu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO