Bóng đá là cỗ máy kiếm tiền khổng lồ, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận. Và việc kiếm tiền bắt đầu từ áo đấu của các đội bóng, một nguồn thu béo bở. Các thương hiệu lớn sẵn sàng chi khoản tiền khá lớn để tăng nhận diện thương hiệu, cải thiện hình ảnh và giành được khách hàng mới.
Các công ty chuyên về đồ thể thao như Adidas và Nike chi hàng trăm triệu euro mỗi năm để giành quyền cung cấp áo đấu cho các cầu thủ. Đổi lại, logo của công ty sẽ xuất hiện trên áo đấu. Các thương hiệu hi vọng điều này sẽ cho phép họ bán được nhiều sản phẩm thể thao khác.
Nhà tư vấn tiếp thị thể thao Peter Rohlmann cho biết: “Áo đấu được coi là món đồ chính mà người hâm mộ sử dụng. Đó là lý do chúng đóng vai trò lớn nhất trong chiến dịch tiếp thị của các câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia”.
Không đội tuyển quốc gia nào có hợp đồng tài trợ áo đấu lớn như Đức. Công ty đồ thể thao Adidas (của Đức) đã tài trợ cho Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) hơn 70 năm. Nhưng gần đây Nike (của Mỹ) sẵn sàng chi nhiều hơn để được vinh dự này. Và vì vậy, từ năm 2027, logo của Nike sẽ được in trên áo thi đấu của đội tuyển quốc gia Đức.
Không rõ Nike đã trả bao nhiêu để có được hợp đồng, nhưng Giám đốc điều hành DFB Andreas Rettig cho biết Nike đã đưa ra đề nghị mà DFB không thể từ chối. Các phương tiện truyền thông như nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức đưa tin Adidas đã trả 50 triệu euro (53,6 triệu USD) và Nike đưa ra mức giá gấp đôi số tiền đó.
Rohlmann cho biết, các câu lạc bộ chuyên nghiệp thậm chí còn được trả nhiều hơn. Chẳng hạn, Adidas được cho là đã chi 120 triệu euro để gia hạn hợp đồng 10 năm với CLB Manchester United (Anh). Công ty thậm chí còn trả nhiều hơn cho Real Madrid (Tây Ban Nha), 150 triệu euro. Các câu lạc bộ được trả nhiều vì chơi nhiều trận hơn, ít nhất là gấp bốn lần/năm, so với các đội tuyển quốc gia, có nghĩa là áo đấu được nhìn thấy trên sân thường xuyên hơn.
Liệu các hợp đồng tài trợ có thực sự xứng đáng không? Theo GS. Markus Voeth, chuyên ngành kinh doanh tại Đại học Hohenheim (Đức), doanh số bán hàng trực tiếp hiếm khi được tạo ra. "Chỉ khoảng 12% số người được thăm dò chủ yếu tìm kiếm các thương hiệu tài trợ cho EURO khi họ mua hàng hóa hoặc dịch vụ".
CEO của Adidas Björn Gulden cũng tiết lộ, tất cả các nhà sản xuất trang phục đều thua lỗ nếu nhìn nó thuần túy về mặt thương mại. "Mọi người đều nghĩ doanh số bán áo đấu sẽ tăng vọt… nhưng thực tế đã không như vậy. Giả sử Đức vô địch châu Âu, liệu cả thế giới có chạy ra mua áo đấu của Đức không? Không, chủ yếu là người Đức".
Rohlmann khẳng định, không nhà sản xuất đồ thể thao nào có thể thu lại được số tiền từ việc bán hàng. Động lực chính là nâng cao hình ảnh!