Mở rộng đối tượng điều chỉnh, tăng mức xử phạt
Chỉ thị Chống buôn bán người sửa đổi (2024), được thông qua với 563 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 17 phiếu trắng, đã mở rộng khuôn khổ pháp lý của EU để bao gồm một số hình thức bóc lột mới. Lần đầu tiên, hôn nhân cưỡng ép, nhận con nuôi bất hợp pháp và lợi dụng việc mang thai hộ bị hình sự hóa ở cấp độ EU. Động thái này nhằm mục đích khắc phục những lỗ hổng pháp lý và phanh phui các thủ đoạn tinh vi mà những kẻ buôn người sử dụng để bóc lột các nạn nhân dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, để triệt phá các tổ chức tội phạm một cách hiệu quả, chỉ thị mới trao quyền rộng hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật và bảo đảm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chống buôn người và tị nạn. Phối hợp này rất quan trọng để giúp các nạn nhân có được sự bảo vệ quốc tế phù hợp, nhất là quyền tị nạn của họ được tôn trọng.
Một trong những yếu tố đáng chú ý của chỉ thị mới của EU là hình sự hóa việc sử dụng các dịch vụ do nạn nhân buôn người cung cấp, khi người dùng biết rằng nạn nhân bị bóc lột. Biện pháp đặt mục tiêu giảm nhu cầu đối với các dịch vụ mà dễ dẫn đến tình trạng bóc lột, ngăn chặn các cá nhân và doanh nghiệp tham gia hoặc hưởng lợi từ các hoạt động bất hợp pháp đó.
Chỉ thị của EU đưa ra hình phạt nghiêm khắc đối với các công ty bị kết tội buôn người, bao gồm loại trừ khỏi quá trình đấu thầu và rút viện trợ hoặc trợ cấp công. Họ sẽ phải đối mặt với nhiều hình phạt tài chính đáng kể và thiệt hại về danh tiếng. Chế tài nghiêm khắc sẽ giúp ngăn chặn các doanh nghiệp tham gia hoặc gián tiếp hỗ trợ các hoạt động buôn bán người.
Tăng cường bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương
Các điều khoản đặc biệt cũng được đưa ra cho các nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm khả năng tiếp cận nơi tạm trú và chỗ ở an toàn. Biện pháp này thừa nhận những tình huống phức tạp mà nạn nhân buôn người thường gặp phải, từ đó cung cấp cho họ con đường phục hồi mà không sợ hậu quả pháp lý.
Đặc biệt, Chỉ thị mới còn giúp bảo vệ nạn nhân là người khuyết tật và trẻ em không có người đi kèm, cung cấp cho họ hỗ trợ thích hợp, bao gồm cả việc chỉ định người giám hộ hoặc người đại diện để bảo đảm quyền lợi cho họ. Chưa hết, các quy định mới trong luật còn cho phép thẩm phán coi việc phát tán hình ảnh, video khiêu dâm mà không có sự đồng thuận là tình tiết tăng nặng khi tuyên án. Điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh khai thác kỹ thuật số đang ngày càng gia tăng. Vì vậy, thủ phạm buôn người cần phải nhận hình phạt khắc nghiệt hơn đối với những hành vi đó.
Cột mốc pháp lý quan trọng
Nghị sĩ châu Âu Eugenia Rodríguez Palop, người Tây Ban Nha, nhấn mạnh sự cần thiết của việc cập nhật Chỉ thị Chống buôn người của EU. "Mười ba năm sau khi áp dụng Chỉ thị lần đầu tiên vào năm 2011, các nghị sĩ châu Âu đã phải xem xét, sửa đổi lại các quy định của EU vì nạn buôn người ngày càng trở nên tinh vi hơn trong khi các nguồn lực hiện sử dụng vẫn còn sơ sài. Chúng ta cần phải có khả năng tìm thấy nạn nhân sớm, để bảo vệ và hỗ trợ họ. Buôn bán người chính là hành vi tra tấn. Do đó, thủ phạm phải trả giá cho những gì chúng gây ra, trong khi nạn nhân cần được đền bù cho nỗi đau khổ của họ".
Trong khi đó, nghị sĩ Malin Björk người Thụy Điển ca ngợi những tiến bộ đạt được trong quá trình đàm phán. Ông nói: "Các hình thức bóc lột mới sẽ bị hình sự hóa và quyền của nạn nhân, bao gồm cả người di cư, sẽ được cải thiện. Chúng tôi cũng đang thắt chặt các quy định liên quan đến bóc lột tình dục. Giờ đây các quốc gia thành viên phải tận dụng tối đa Chỉ thị mới để bảo đảm rằng phụ nữ và trẻ em gái không bị mua bán ở châu Âu”.
Được biết, Chỉ thị Chống buôn bán người sửa đổi năm 2024 của EU sẽ cần nhận được sự phê duyệt chính thức của Hội đồng châu Âu và sẽ có hiệu lực 20 ngày sau khi được công bố trên Tạp chí chính thức của khối. Các quốc gia thành viên sau đó sẽ có 2 năm để thực hiện đầy đủ các điều khoản của chỉ thị.
Nói chung, cột mốc lập pháp quan trọng trên được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường khả năng đối phó với sự phức tạp ngày càng tăng của mạng lưới buôn người, thường hoạt động xuyên biên giới và lợi dụng khoảng cách pháp lý giữa các quốc gia. Chỉ thị của EU cung cấp công cụ mạnh mẽ cho các quốc gia thành viên để chống lại nạn buôn người hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ những người dễ bị bóc lột nhất.