Chiến lược với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

EU không muốn chậm chân

- Thứ Bảy, 18/09/2021, 06:26 - Chia sẻ
Chỉ đúng một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thông báo chính thức thành lập liên minh AUKUS, một cơ chế an ninh mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhanh chóng tiết lộ chiến lược của riêng mình ở khu vực quan trọng này để đáp lại việc bị “cho ra rìa” khỏi liên minh do Mỹ dẫn đầu nói trên.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell thảo luận về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới của EU ở Brussels
Nguồn: EPA-EFE

Bất ngờ và lấy làm tiếc

Thực tế, châu Âu cảm thấy rất không hài lòng trước liên minh mới. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết, khối này “không được thông báo” hay được tham vấn về AUKUS, và coi đây là dấu hiệu EU cần phát triển chiến lược riêng của mình, nhằm tăng cường quan hệ chính trị và quốc phòng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ông phát biểu: “Chúng tôi rất tiếc vì đã không được thông báo, không tham gia các cuộc đàm phán này”, vì vậy “chúng tôi phải tự mình tồn tại, giống như những người khác”.

Một điểm đặc biệt nhức nhối của hiệp ước ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia là thỏa thuận mới của Mỹ nhằm giúp Australia xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều đó đã hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm diesel trị giá 40 tỷ USD (34 tỷ euro) của đất nước chuột túi trước đó với Pháp, khiến Paris hết sức bất bình.

Ông Borrell cho hay, “tôi hiểu mức độ mà Chính phủ Pháp phải thất vọng”. Dù “lấy làm tiếc” về thỏa thuận, nhưng theo ông không nên kịch tính hóa ảnh hưởng của sự kiện này lên quan hệ Mỹ - EU. Hay việc Australia hủy hợp đồng với Pháp sẽ không cản trở các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại của nước này với EU.

Kế hoạch của EU đòi hỏi những gì?

Theo tuyên bố của liên minh lá cờ xanh, kế hoạch của EU cũng bao gồm việc “khám phá các cách thức để bảo đảm các nước thành viên EU triển khai hải quân tăng cường nhằm giúp bảo vệ các tuyến đường liên lạc và tự do hàng hải”. Các lĩnh vực khác mà kế hoạch dự định giải quyết bao gồm xây dựng hợp tác với các nước trong khu vực về thương mại, y tế, dữ liệu, cơ sở hạ tầng và môi trường. Ngoài ra, chiến lược mới còn có thể củng cố hồ sơ ngoại giao của EU về các vấn đề quan trọng đối với khu vực, cũng như tăng cường hiện diện quân sự của các nước EU ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cũng có thể liên quan đến việc triển khai nhân sự và hiện diện an ninh của EU để hỗ trợ các sứ mệnh quốc tế, bao gồm cả việc đưa các tàu mang cờ EU đi tuần tra ở Biển Đông.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa viết trên Twitter rằng, “quan hệ đối tác an ninh AUKUS chứng tỏ sự cần thiết phải có thêm cách tiếp cận chung của EU trong khu vực có lợi ích chiến lược”. Ông cho hay, kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được các nguyên thủ EU thảo luận thêm tại Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào tháng 10.

Vì sao Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lại quan trọng đối với EU?

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực được hình thành bao gồm từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản đến Đông Nam Á và qua Australia vào Thái Bình Dương.

Liên minh AUKUS và thông báo chiến lược mới của EU tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa các nước phương Tây và Trung Quốc đang diễn ra, khi Bắc Kinh tăng quy mô hải quân và tiếp tục xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố hầu hết các vùng biển quốc tế trên Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc, điều này gây ra nhiều lo ngại về các tuyến đường biển quan trọng, giúp trao đổi một phần đáng kể thương mại toàn cầu mỗi năm.

Tuyên bố của EU cho biết: “Với tầm quan trọng của sự hiện diện hải quân có ý nghĩa của châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, EU sẽ tìm cách bảo đảm các hoạt động triển khai hải quân tăng cường của các quốc gia thành viên trong khu vực”.

Tuy nhiên, ông Borrell cũng nhấn mạnh, kế hoạch của EU là mang tính hợp tác chứ không phải đối đầu với Trung Quốc. “Chiến lược của chúng tôi mang tính bao hàm, nó cởi mở với tất cả đối tác của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi muốn hợp tác, từ Đông Phi cho đến Thái Bình Dương, và nó bao gồm cả Trung Quốc”, ông nói. Theo EU, căng thẳng tại các điểm nóng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, như Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và thịnh vượng của châu Âu. Bởi khoảng 40% thương mại của châu Âu đi qua khu vực này.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích đánh giá, lập trường của EU đang bị lu mờ bởi cả các sự kiện và sự chia rẽ trong liên minh về mức độ hoạt động chính xác của khối ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ví dụ, Pháp ủng hộ một vai trò mạnh mẽ hơn, trong khi Đức miễn cưỡng hơn.

“Tôi nghĩ rằng các quốc gia châu Âu, và đặc biệt là Đức, sẽ không đóng góp quá nhiều,” ông Nils Schmid, phát ngôn viên đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội Đức, vốn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử của nước này, cho biết vào tuần trước. “Bởi vì thực tế là không có quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thực sự ở châu Âu”, ông nói.

Linh Anh