Quyết định này phù hợp với đề xuất do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra vào hồi tháng 1, trong đó đề xuất đình chỉ thuế và hạn ngạch đối với hàng nông sản Ukraine cho đến khung thời gian quy định.
Đáng chú ý, cơ chế “phanh khẩn cấp” đã được áp dụng cho một số sản phẩm như thịt gia cầm, trứng và đường. Cơ chế này đòi hỏi phải áp dụng thuế quan nếu nhập khẩu vượt quá mức trung bình quan sát được vào năm 2022 và 2023.
Khoảng thời gian tham chiếu để kích hoạt phanh khẩn cấp sẽ là năm 2022 và 2023, cho thấy thuế quan sẽ được áp dụng lại nếu nhập khẩu các sản phẩm này vượt quá khối lượng trung bình trong hai năm này.
Các nhà lập pháp châu Âu hiện đã thêm một số mặt hàng vào danh sách cụ thể là yến mạch, ngô, ngũ cốc và mật ong, đồng thời bảo đảm rằng, EC sẽ hành động trong vòng 14 ngày, thay vì 21 ngày, nếu đạt đến mức kích hoạt các biện pháp bảo vệ tự động. Ngoài ra, Nghị viện châu Âu cũng đã đạt được cam kết từ EC về hành động nếu nhập khẩu lúa mì của Ukraine tăng mạnh.
Trong một thông cáo báo chí, Hội đồng châu Âu cho biết, các biện pháp thương mại tự chủ (ATMs) sẽ cho phép Ukraine tiếp tục tạo thu nhập từ dòng chảy thương mại với EU, và điều quan trọng là hỗ trợ nền kinh tế nước này trong những hoàn cảnh khó khăn.