“SiliconValley” của châu Âu
Tầm nửa đêm, chúng tôi mới đặt chân đến Estonia, sau khi bay cùng một vành trăng lưỡi liềm màu cam sẫm treo lung liêng trên nền trời. Đêm phương Bắc kéo dài. 11 giờ đêm, vẫn thấy những chiếc xe điện sáng lúng liếng trôi qua dưới cửa sổ khách sạn. Và tới 4 rưỡi sáng, lại xuất hiện trở lại. Ô tô lác đác và một vài người đi bộ. Gió mạnh đến mức mấy cái cột cờ inox trước cửa khách sạn rung rung. Biển tối đen. Những con tàu gần bờ bật đèn sáng trưng. Tôi luôn thích nhìn những con tàu lớn màu trắng trên biển, chúng gợi đến những hải trình xa xôi tít tắp đầy bí ẩn và khám phá.
Estonia thu nhập bình quân đầu người chừng hơn 28.000 USD, rất phát triển công nghệ thông tin, khởi nghiệp… Một đất nước bé nhỏ, nhưng lại là quốc gia điện tử. Skype ra đời ở đây. Tallinn - Thủ đô, đồng thời là thành phố lớn nhất của Estonia được mệnh danh là “SiliconValley” của châu Âu vì nơi đây có tỷ lệ những công ty khởi nghiệp tính trên đầu người cao nhất châu Âu và là một trong 10 thành phố phát triển tin học quan trọng nhất thế giới. 99% dịch vụ của Chính phủ tiếp cận qua Internet, trừ kết hôn, ly hôn, bán nhà (vì còn liên quan đến xác minh thủ tục pháp lý). Công dân giao tiếp với Chính phủ ở bất kỳ đâu, chỉ cần điện thoại, kể cả đang trong rừng rậm châu Phi hay giữa sa mạc Úc. Thẻ định danh của công dân, trên đó có tên, ngày sinh, địa chỉ, mã số… rất đơn giản nhưng có thể dùng cho đủ thứ việc: Định danh, đi lại trong khối Schengen và một số nước châu Âu, thay chữ ký điện tử, giấy phép lái xe, khám bệnh, bỏ phiếu, thẻ ngân hàng… - Tất cả tích hợp trong tấm thẻ nhựa đó.
Dịch vụ cư trú điện tử cũng thú vị. Nếu bạn ở nước nào đó mà muốn đầu tư vào Estonia hay khối Schengen nhưng không muốn “nhấc mông” khỏi nhà, bạn có thể đăng ký dịch vụ cư trú điện tử - đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Estonia chỉ trong vòng vài phút. Hiện có 14.000 cư dân điện tử, trong đó có 27 người Việt. 1.030 công ty mới đã được thành lập và nếu dùng lợi nhuận đó đầu tư ở Estonia sẽ không mất thuế, rút lợi nhuận về mất thuế 20%.
Tại một trường học gần Tallinn, học sinh lớp 1 đã dùng smartphone nhoay nhoáy. Cô phụ trách IT của trường bảo, người lớn dạy bọn trẻ biết nên xem cái gì, xem ở đâu, xem khi nào, chứ không cấm hay chặn gì cả. Nếu ngăn cản sẽ không có hiểu biết. Trong phòng học IT, bọn trẻ lớp 3 đang học về robot, mỗi nhóm 2 - 3 đứa được cầm tận tay một con robot bé xíu. Trên tường, họ dán câu này: “Hãy dạy cho trẻ con nghĩ thế nào, không phải dạy nghĩ gì!”.
Du học Estonia, tại sao không?
Chị Katrin Saks là Giám đốc trường Báo chí Điện ảnh Baltic, nơi tổ chức chương trình này cho đoàn nhà báo Việt Nam. Trước, chị từng có 20 năm làm phóng viên truyền hình, chuyên làm phim và talk show với các chính khách, sau đó tham gia chính trường từ cấp địa phương tới cấp nghị sĩ EU, thuộc Ủy ban Đối ngoại. Chị bảo, chọn Việt Nam là nước ASEAN đầu tiên tham gia chương trình vì ấn tượng với Việt Nam khi đến thăm năm 2005. Chúng tôi hỏi chị đủ thứ, về sự thay đổi kinh tế xã hội, bí quyết thành công của Estonia, quan hệ với Nga... Katrin Saks nói, sau khi độc lập, Estonia chuyển hướng xuất khẩu sang Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy... và đón nhận đầu tư của phương Tây nên phát triển rất nhanh. Nhưng không phải tất cả mọi người đều hài lòng, vì dưới thời Liên Xô, họ được bảo đảm việc làm, an sinh xã hội... Khi độc lập, nơi đây có nguy cơ bất ổn xã hội, biểu tình..., nhưng bản tính người Estonia vẫn là sự bình tĩnh, hiền hòa của Bắc Âu. Giá trị cốt lõi của thành công là con người.
Estonia có hệ thống giáo dục rất tốt được gây dựng từ thời Liên Xô. Có những giáo sư từ thời Liên Xô vẫn tiếp tục giảng dạy ở Đại học Tallinn. Học đại học ở Estonia không phải là không đáng cân nhắc đâu nhé! Học các ngành kỹ thuật không mất tiền, học khoa học xã hội bằng tiếng Estonia cũng miễn phí, còn bằng tiếng Anh thì sẽ phải trả chừng 3.500 - 4.000 euro mỗi năm (bằng ¼ ở Phần Lan). Giá thuê phòng ở ký túc xá 130 euro một phòng 2 người, ăn 200 - 250 euro một tháng. Bằng cấp công nhận quốc tế.
Cộng đồng Nga chiếm 1/4 dân số ở Estonia, tức khoảng 300.000 người, trong đó 100.000 là công dân Estonia, 100.000 vẫn là công dân Nga nhưng được cư trú hợp pháp, và 100.000 nữa, rất đặc biệt, không là công dân nước nào cả. Những người này mang hộ chiếu xám - grey passport, hay còn gọi là hộ chiếu “người ngoài hành tinh” - alien passport, họ không phải công dân Nga, cũng không phải công dân Estonia, nhưng được phép đi lại ở các nước EU mà không cần visa.
Báo chí Estonia cũng rất thú vị! Hầu hết báo chí thuộc về các công ty tư nhân. Có một công ty báo chí công (Public Broadcasting Co) là do Nhà nước cấp ngân sách nhưng Quốc hội quản lý. Thị trường quảng cáo báo chí trị giá 93 triệu euro mỗi năm, rất lớn so với 1,3 triệu dân. Công ty báo chí Public trên 10 năm nay không có quảng cáo, chỉ hoạt động bằng ngân sách, nhưng nội dung do họ tự quyết định. Trên kênh phát thanh truyền hình công từng có quảng cáo, và đã diễn ra tranh luận xem nên quảng cáo cái gì, không quảng cáo gì. Rượu, thuốc lá, những thứ không có lợi cho trẻ con thì sao? Cuối cùng quyết định không quảng cáo nữa. Và các công ty báo chí tư nhân phải đóng góp một khoản tiền cho ngân sách báo chí công để tài trợ một phần cho kênh báo chí công đó, để “đền bù” cho việc kênh này không có quảng cáo.
Postimees, tờ báo in lớn nhất Estonia và các nước Baltic, có số phát hành chừng 46.300 bản, cũng không tồi so với báo Việt Nam. Ở đây có những tờ chỉ vài nghìn bản.
Nóng và lạnh
Buổi sáng, chúng tôi đi bộ vào thành cổ Tallinn. Những con đường lát đá dẫn lên đồi, tường thành cũng bằng đá và những tòa nhà, nhà thờ xây từ 8 đến 5 thế kỷ trước. Hầu hết vẫn còn nguyên vẹn. Cả những tháp canh, pháo đài bảo vệ thành phố. Thành cổ Tallinn là di sản văn hóa được UNESCO công nhận từ năm 1997. Khách du lịch là đông, nếu so với 400 nghìn dân thành phố. Gặp rất nhiều trẻ con trong thành cổ, đứa nào đứa nấy kín mít trong những bộ áo liền quần như nhà du hành vũ trụ, hở ra cái mặt hồng hào như táo, hoặc chạy thung thăng, hoặc ngủ bình yên trên xe nôi.
Trong thành cổ có tòa nhà từng là trụ sở của Hội thợ thủ công. Theo quy định, đàn ông phải có vợ mới được gia nhập Hội, bởi thời ấy, người ta tin rằng người có vợ thì tử tế, đáng tin hơn (?!). Bảo tàng Hàng hải Estonia nằm trong khu nhà để máy bay cũ từ đầu thế kỷ XX. Bên trong có trưng bày một bộ cốt thuyền từ thế kỷ XIV được phục chế cùng nhiều loại tàu thuyền bằng gỗ khác nhau mà người Estonia cổ dùng đi săn hải cẩu. Ngoài ra, còn phải kể đến chiếc tàu ngầm Lembit của Anh đóng từ năm 1937 cho Estonia và sau đó quân đội Xô Viết sử dụng suốt 40 năm, tới năm 2011 mới được đưa về bảo tàng.
Ẩm thực ở đây rất tuyệt! Bữa trưa, chúng tôi dùng cá hồi nướng, kèm một cốc lớn Vana Tallinn, gồm cà phê pha với rượu, ở trên là kem tươi, ngon nhưng khá nặng. Bữa tối có cá chẽm áp chảo, cốc lớn rượu vang đỏ nóng bỏng, thứ đồ uống rất điển hình Bắc Âu mà mỗi nhà hàng đều có bí quyết riêng - gồm chủ yếu là rượu vang đỏ, chút rượu mạnh và bỏ thêm vào cốc vài hạt nho khô, hạt khô gì đó.
Hẳn là nhờ thế mà cái lũ chịu rét kém như chúng tôi mới có thể “sống sót ngon lành” trong giá lạnh phương Bắc. Rất lạnh đấy! Bỏ tay ra khỏi găng vài phút chụp ảnh mà ngón tay cứng đơ… Thấy bảo, nhiệt độ ngoài trời ở đây là 3 - 5 độ âm. Mùa đông Hà Nội 15 - 20 độ bằng mùa hè nóng nhất ở đây. Bờ biển Estonia rất dài, hơn 3.000km, lại thêm hàng trăm hòn đảo. Đằm mình trong cái lạnh phương Bắc, tôi tự hỏi: Lạnh thế này, người Estonia bơi làm sao được nhỉ?