Đó là ý kiến được nêu ra tại Hội thảo tham vấn dự thảo Sổ tay giới thiệu quy định pháp lý về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và báo cáo Đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ với ESG
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trịnh Thị Hương cho rằng, việc nắm bắt, thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc thực hiện và tiếp cận tốt các quy định pháp luật về các mục tiêu ESG sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, thông qua đó đóng góp trực tiếp vào các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn về ESG là rất quan trọng, nhưng nhiều doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu như thế nào, tìm kiếm thông tin ở đâu. Bởi các văn bản quy phạm pháp luật có rất nhiều, không chỉ bó gọn ở các hoạt động trong nước mà còn đối với các hoạt động quốc tế.
Để giúp cho các doanh nghiệp có thể biết, nắm bắt, tuân thủ và vận hành đúng các quy định, tiêu chuẩn ESG chúng tôi đã xây dựng Sổ tay rà soát pháp lý về ESG và Báo cáo đánh giá mức độ thực hành ESG trong doanh nghiệp. Đây được coi là những tài liệu được cập nhật các chính sách, quy định không chỉ ở trong nước, quốc tế về ESG nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng như công cụ để bắt đầu, thực hành trong quy trình thực hiện ESG, bà Hương nói.
Giải thích lý do vì sao phải có đánh giá về mức độ sẵn sàng thực hành ESG và mức độ thực hành ESG của các doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Hương cho rằng, chúng ta cần phải có cái nhìn rất thực tế, đầy đủ và khách quan với khu vực doanh nghiệp. Khi đó, các Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan mới có các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ xác thực, hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp.
“Đây là một nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về ESG, với quy mô mang rộng với hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát. Chúng tôi cũng rất kỳ vọng, đây sẽ là những tài liệu giúp ích cho cả phía khu vực quản lý nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp có thể tạo ra những lợi thế, cơ hội, giá trị mới lớn hơn, trong giai đoạn hiện nay cũng như tương lai. Và góp phần thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững theo hướng xanh”, bà Trịnh Thị Hương bày tỏ kỳ vọng.
Tại Hội thảo, Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) Mark Birnbaum chia sẻ, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang tăng tươrng là một trong những hoạt động trọng tâm của USAID. Điều này cũng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt. Đối với USAID khu vực kinh tế tư nhân là trọng điểm thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Đó là lý do tại sao USAID phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) thực hiện Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC). IPSC hướng tới mục tiêu loại bỏ các rào cản về chính sách, thị trường và những rào cản nội bộ cấp doanh nghiệp đang kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tại Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.
Thực tế cho thấy, hiện nay, hoạt động phát triển bền vững và công bố báo cáo ESG đã được các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp niêm yết lớn ủng hộ mạnh mẽ, song chưa lan tỏa rộng rãi đến mọi tầng lớp doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thực hiện ESG do thiếu hụt kiến thức và nguồn lực, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với số vốn chiếm 97% đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) Mark Birnbaum cũng cho rằng, hiện nay nhóm doanh nghiệp này vẫn thường gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện các tiêu chuẩn và thực hành bền vững. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn lực tài chính, nhân lực và công nghệ để đầu tư vào các sáng kiến bền vững. Đồng thời, sự thiếu hụt thông tin, hỗ trợ kỹ thuật và các chính sách khuyến khích từ nhà nước…
Đồng tình với quan điểm đó, chuyên gia dự án USAID IPSC, Giám đốc điều hành KLINOVA Nguyễn Phương Nam cho rằng, hiện nay có rất nhiều văn bản pháp lý có sẵn trên nền tảng internet, nhưng để thực hiện đúng, đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn ESG nhiều doanh nghiệp cũng không biết bắt đầu từ đâu. Tại Hội thảo các đại biểu cũng cho rằng, những yếu tố kể trên là thách thức, rào cản lớn tác động đến khả năng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững của nhóm doanh nghiệp tư nhân. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn bền vững là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp cải thiện hoạt động kinh doanh mà còn đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia, tạo nên một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và trách nhiệm hơn.
Thực hiện ESG thúc đẩy phát triển kinh tế xanh
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh doanh bền vững và xây dựng một nền kinh tế xanh, bao trùm. Kinh doanh bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách toàn diện.
Trước những thách thức môi trường, xã hội, và kinh tế mà thế giới và Việt Nam đang đối mặt, doanh nghiệp cần đóng vai trò tích cực và chủ động trong việc giảm thiểu các vấn đề này. Bằng cách áp dụng thực hành theo khung đánh giá ESG. Trong đó môi trường (E), xã hội (S) và quản trị (G) doanh nghiệp có thể đóng góp tích cực vào hành trình phát triển bền vững của đất bước, đòng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trong dài hạn.
Trên cơ sở đó, Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp đã tiến hành triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu nhận định, một trong những kết quả quan trọng của dự án là việc biên soạn và phát hành Sổ tay giới thiệu quy định pháp lý về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Sổ tay là tài liệu cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp tại Việt Nam về các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động kinh doanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo báo cáo tại Hội thảo, trước những thách thức môi trường, xã hội, và kinh tế thế giới đang đối mặt, doanh nghiệp cần phát huy vai trò tích cực và chủ động trong việc giảm thiểu các vấn đề này. Bằng cách áp dụng thực hành ESG và điều chỉnh chiến lược theo các mục tiêu phát triển Bền vững, doanh nghiệp có tiềm năng trở thành một phần của sự thay đổi tích cực về môi trường và sự phát triển của xã hội, cũng như nâng cao hiệu quả tài chính dài hạn của mình.
Giám đốc điều hành KLINOVA Nguyễn Phương Nam cũng cho biết, Sổ tay cung cấp các thông tin cơ bản cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam về các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị trong việc thực hành kinh doanh bền vững. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025 theo Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 8.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình 167), với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước...
Bên cạnh đó, Sổ tay cũng giúp các doanh nghiệp nắm bắt khá đầy đủ về các lĩnh vực như: quyền của doanh nghiệp trong hợp đồng lao động và quyền thỏa thuận của doanh nghiệp với người lao động trong giao kết hợp đồng lao động; Nghĩa vụ trung thực trong cung cấp thông tin của doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng lao động… Hay việc ban hành và áp dụng bộ quy tắc chuẩn mực đạo đức cho hoạt động của doanh nghiệp, quy tắc ứng xử phù hợp với pháp luật và đặc thù nghề nghiệp. Đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm đối với doanh nghiệp như vi phạm đăng ký kinh doanh, khai khống vốn điều lệ, kinh doanh các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố… được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự…
Chuyên gia dự án USAID IPSC, Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững theo hướng xanh thì cần phải nắm bắt, thực thi đầy đủ các quy định pháp luật, tiêu chuẩn ESG. Rủi ro ESG hiện nay là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp phải đối mặt khi bước vào thực hành tiêu chuẩn này. Để nâng cao năng lực quản trị rủi ro cho doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức có liên quan cần nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp…