Triển vọng kinh tế năm 2022

- Thứ Sáu, 02/09/2022, 10:55 - Chia sẻ

Khi “cơn bão” Covid-19 tạm lắng thì những cú sốc kinh tế mới lại phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu, làm gia tăng bất định về hướng phục hồi trong ngắn hạn và trung hạn. Tuy nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi khá “thần kỳ” sau những “tổn thương” vì dịch nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách.

Phục hồi thần kỳ

Theo các chuyên gia, kết quả là tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 hiện được dự báo chỉ đạt tốc độ 2,9%, giảm 1,2% so với dự báo đưa ra trước đó vào tháng 1, năm 2022. Tốc độ tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi (EMDE) được dự báo giảm một nửa trong năm nay, từ mức 6,6% năm 2021 xuống còn 3,4% năm 2022. Bên cạnh đó, lạm phát tăng mạnh ở cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế EMDE, với trên 75% các quốc gia ở cả hai nhóm đều đã vượt mục tiêu lạm phát.

Ngoài ra, viễn cảnh phục hồi kinh tế trên toàn cầu cũng phải đối mặt với không ít rủi ro. Trong đó, các biến chủng Covid-19 mới tiếp tục là một rủi ro nghiêm trọng, và khi mọi người trên khắp thế giới trở nên kiệt sức với các biện pháp kiểm soát dịch thì tình trạng “mệt mỏi” này có thể cản trở những nỗ lực kiểm soát sự lây lan. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến Covid-19 tiếp tục diễn ra trên bình diện quốc tế, đẩy giá cả lên cao và làm thay đổi xu hướng của các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Thêm vào đó, căng thẳng chính trị làm dấy lên những thắc mắc về lợi ích và tương lai của toàn cầu hóa, với kết quả là các khu vực đang tách ra khỏi các quan hệ kinh tế - ít nhất trong ngắn hạn và ở một số lĩnh vực chiến lược.

Các chuyên gia cũng nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang hồi lại sau hai năm tổn thương, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế đối ngoại bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn. Các chuyên gia của của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) đánh giá GDP của Việt Nam trong năm 2020 - 2021 tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng bình quân 6,5 - 7% trong giai đoạn 2016 - 2019, nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít các quốc gia vẫn có khả năng tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch. Nền kinh tế bật tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng 5,1% trong quý I.2022, sau đó, tăng trưởng vượt lên 7,7% trong quý II. Đây là tốc độ cao nhất trong một thập kỷ qua nhờ khu vực công nghiệp chế tạo, chế biến có khả năng chống chịu và sự phục hồi vững chắc của khu vực dịch vụ…

Triển vọng kinh tế năm 2022 -0
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Các chuyên gia phân tích, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,42% trong nửa đầu năm 2022 là mức cao nhất trong 3 năm qua, nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ trước đại dịch. Nhưng nhờ có sự phục hồi mạnh mẽ, GDP tăng trưởng đạt 7,72% trong quý II, năm tương đương tốc độ tăng trưởng các quý trước đại dịch. Trong đó, năng động nhất trong 6 tháng năm 2022 vẫn là một vài lĩnh vực chế tạo chế biến như may mặc (tăng 23,3%), giày da (tăng 13,1%), sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (tăng 11,2%), và chế tạo máy (tăng 9,1%). Những lĩnh vực này cũng là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.

Thực tế cho thấy, khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 4,6% trong quý I và đạt tốc độ cao kỷ lục 8,6% trong quý II, khi biện pháp giãn cách xã hội trong nước và kiểm soát biên giới được nới lỏng làm nhu cầu dồn nén đối với các dịch vụ tiêu dùng được giải phóng, sức hồi phục mạnh mẽ. Đà phục hồi của tiêu dùng tăng lên 7,3% trong quý II, năm 2022, tương đương với tốc độ trước đại dịch. Dữ liệu tần suất cao cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng tốc nhanh chóng từ tốc độ tăng 0,4% trong tháng 1 lên mức kỷ lục 27,3% trong tháng 6.

Triển vọng kinh tế năm 2022 -0

Tuy nền kinh tế đã mở cửa trở lại, nhưng các doanh nghiệp đang phục hồi nhưng còn yếu. Theo Khảo sát đánh giá tác động tới doanh nghiệp lần thứ 5 của Ngân hàng Thế giới được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 3, năm 2022 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh đạt 92,6%, mức cao nhất kể từ giai đoạn tháng 9 - 10, năm 2020. Tỷ lệ gia nhập ròng cũng tăng, trong đó số doanh nghiệp giải thể từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2022 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 và số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức cao nhất kể từ năm 2019.

Mặc dù, Covid-19 vẫn tiếp tục để lại một số tác động trên thị trường lao động đến tận quý II.2022, nhưng tình hình thị trường lao động đã có chuyển biến tích cực ngau khi nền kinh tế phục hồi sau đợt giãn cách vào quý III.2021.

Rủi ro vẫn tiềm ẩn

Các chuyên gia của Worldbank cho rằng, triển vọng kinh tế tích cực, nhưng rủi ro đã gia tăng đòi hỏi các cấp có thẩm quyền phải có những biện pháp chính sách chủ động hơn để ứng phó với những biến động và đạt những mục tiêu tăng trưởng.

Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn khá thuận lợi. Điều quan trọng là sự phục hồi đã diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành địa phương trong thực hiện các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Triển vọng kinh tế năm 2022 -0

“Nửa cuối năm năm 2022, mặc dù tình hình đại dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng ở mức cao và chưa quay về mức tiềm năng đầy đủ. Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2022, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7% - 7,5%. Khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%, vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra. Mặc dù, cú sốc giá nhiên liệu dự kiến sẽ tiêu tan vào năm 2023, nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng hai có thể tiếp tục diễn ra. Trong bối cảnh đó, chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã được điều hành linh hoạt và chủ động hơn. Lượng cung tiền vào nền kinh tế ở mức vừa phải, tỷ giá cơ bản ổn định. Đây là cơ sở để chỉ số lạm phát cơ bản thấp, giúp ổn định thị trường tài chính tiền tệ và giúp cho CPI tăng thấp”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Triển vọng kinh tế năm 2022 -0
Thị trường lao động phục hồi tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách tài khoá, tiền tệ nới lỏng ở mức độ thấp hơn nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023. Viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Trong đó có rủi ro do các biến chủng Covid-19 mới xuất hiện và lây lan, cùng với sự gián đoạn của hoạt động kinh tế kèm theo. Rõ ràng, những rủi ro liên quan đến Covid-19 có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ và thiếu hụt lao động có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi đầy đủ. Ngoài ra, rủi ro tài chính có thể tăng lên khi nhìn vào những yếu kém trên bảng cân đối tài sản của khu vực doanh nghiệp, ngân hàng và hộ gia đình, do có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của đầu tư và tiêu dùng trong nước…

Một số chỉ số dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam
Một số chỉ số và dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam

“Trong bối cảnh đó, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang phát sinh. Bất ổn định gia tăng đồng nghĩa với việc chính sách phải tiếp tục thích ứng với nhịp độ phục hồi cả ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời phải thận trọng với lạm phát và những rủi ro về tài chính”, các chuyên gia khuyến cáo.

Trong điều kiện quá trình phục hồi trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế. Chương trình phục hồi dự kiến đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ số, để giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam. Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu là hướng đi không chỉ giúp các hộ nghèo và dễ tổn thương chống đỡ lại tác động của các cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng mà còn hạn chế được tác động đến tiêu dùng tư nhân hiệu quả hơn…

Đức Hiệp
#