Thầy giáo Sùng A Trừ - "Đổi thanh xuân, gieo mầm tri thức"

Đổi thanh xuân, gieo mầm tri thức -0

Xã Chế Tạo là xã đặc biệt khó khăn của huyện, cách trung tâm Mù Cang Chải 35km và đây cũng là xã xa nhất của tỉnh Yên Bái.  Để di chuyển đến đây, từ thành phố Yên Bái vượt qua đèo Khau Phạ với chiều dài 27km, rồi từ quốc lộ 32 rẽ trái, thêm hơn ba giờ vượt qua các đỉnh Kim Nọi, Háng Gàng, Chế Tạo cao sừng sững, mới đến xã Chế Tạo.

Địa hình phúc tạp, xa trung tâm, di chuyển khó khăn khiến kinh tế nơi đây rất khó khăn. Tuy nhiên, Trường Phổ thông Dân tộc Bán Trú (PTDTBT) TH và THCS Chế Tạo - nơi thầy Sùng A Trừ công tác như một điểm nhấn, thay thế cho những lớp học tạm bợ. 

Trường mới, được xây dựng lại nằm trên rẻo cao, khang trang, sạch đẹp, có đủ lớp học, nhà vệ sinh kiên cố. Mái trường ấy được được ví như “ngôi nhà hạnh phúc” - ở đó có các thầy, cô giáo đang từng ngày dìu dắt các em học sinh vững bước trên con đường chinh phục tri thức. Hiện nhà trường đang có 530 em học sinh là con em đồng bào dân tộc đang theo học.

Cùng với đó là những con đường bê tông mới như những “con đường hạnh phúc” đưa bước các em học sinh vùng cao đến trường. Bởi trước khi có những con đường mới, nhiều học sinh đã phải đi bộ đến trường, qua những con đường đất trượt trơn, ẩn chứa đầy hiểm nguy mỗi mùa mưa lũ.

Những học sinh ở xa, mỗi ngày các em phải đi bộ 2-3 tiếng để đến trường. Các em đi qua bóng tối mù sương từ lúc chưa nhìn rõ mặt đất và trở về nhà lúc không còn trông rõ mặt người.

Cứ thế, các em đi qua ngày, qua tháng, qua trời mưa, vượt lũ quét và đất lở. Hành trang đi học của các em ngoài cặp sách có khi còn là phần cơm trưa có khi chỉ là cơm trắng, mèng méng, cùng chút thức ăn,…

Đổi thanh xuân, gieo mầm tri thức -0

Khó khăn trăm bề và để giữ học sinh ở lại với trường, các thầy, cô luôn song hành với các em.

Nhớ lại những ngày băng rừng, vượt núi đi vận động các gia đình cho con đến trường, thầy Trừ tâm sự: "Đường sá xa xôi, chúng tôi phải đi bộ đến từng nhà để vận động, nhưng càng vì thế tôi càng quyết tâm thuyết phục đưa các cháu đến trường thường xuyên hơn. Hơn thế, là giáo viên tôi luôn mong các em học sinh đến trường đều đặn, cùng bè bạn học tập, rèn luyện để tương lai có thể thoát nghèo, vượt khó".

Cũng là người dân tộc Mông, hơn ai hết thầy giáo Sùng A Trừ hiểu được nỗi khó khăn vất vả của những em nhỏ người dân tộc thiểu số nên ngay từ khi còn “theo đuổi” con chữ trên ghế nhà trường, thầy Trừ đã ước mong sau này khi lớn lên cũng sẽ được là thầy giáo trở về quê hương dạy chữ cho các em nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Trừ lựa chọn quay trở về quê hương. Trong suốt 12 năm qua, thầy luôn nỗ lực đem kiến thức truyền dạy cho lớp lớp những em nhỏ vùng cao Mù Cang Chải. 

“Hình ảnh các em nhỏ phải đi bộ từ 6 - 7 tiếng đồng hồ để đến trường, nên tôi quyết tâm về đây để dạy các em biết cái chữ, mong các em yêu thích trường lớp và học tập tích cực. Tôi luôn tự nhủ, dẫu khó khăn, vất vả đến mấy nhưng tôi và các đồng nghiệp vẫn kiên định bám bản, bởi chúng tôi hiểu muốn gieo chữ nơi vùng cao khó khăn là phải biết hy sinh”, thầy Trừ chia sẻ.

Đổi thanh xuân, gieo mầm tri thức -0

Vốn là giáo viên dạy giáo dục thể chất, vừa đảm nhận công tác đoàn đội, thầy Trừ cũng kiên luôn dạy chữ cho các em. Sau mỗi giờ tan lớp, thầy Trừ lại tranh thủ làm công việc cá nhân và soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, tối đến tập trung giúp đỡ các em học sinh học tiếng Việt. Thầy cũng là người có sáng kiến để các em học sinh lớn kèm các em lớp nhỏ hơn nhận biết mặt chữ, giúp nhau trong học tập để các em tiến bộ.

Đổi thanh xuân, gieo mầm tri thức -0

Theo thầy Trừ, khó khăn nhất là một số học sinh nhỏ tuổi chưa đọc được bằng tiếng phổ thông. Do đó, phải kiên nhẫn giảng dạy, hướng dẫn cho các em nhỏ bằng tiếng địa phương.

Để cải thiện việc học tiếng phổ thông, thầy Trừ đã có sáng kiến đưa các bạn học sinh lớn tuổi hơn kèm các bạn học sinh lớp dưới, giúp các em nhận biết mặt chữ nhanh hơn.

Không chỉ vậy, thầy Trừ còn khai thác, mở rộng thêm những phương pháp dạy khác, để các em hứng thú hơn, yêu thích tiết học hơn. Trong quá trình dạy, thầy Trừ thường tổ chức trò chơi tạo sự lôi cuốn cho các em học sinh trước và sau đó lồng ghép thêm phần nội dung bài học chính khoá.

“Sau khi các em tập trung tiếp thu nội dung bài học chính khoá, tôi cho học sinh tập thể dục, như vậy sẽ tạo hứng thú hơn cho các em học sinh khi học tập, rèn luyện”, thầy Trừ chia sẻ kinh nghiệm.

Đổi thanh xuân, gieo mầm tri thức -0
Thầy Trừ thường tổ chức trò chơi tạo sự lôi cuốn cho các em học sinh

Thầy Trừ cho biết: "Trải qua nhiều năm công tác, tôi thấy rằng cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhận thức của trẻ em tốt hơn, đời sống phụ huynh đã có nhiều thay đổi. Họ biết quan tâm hơn nhiều đến việc chăm sóc và nuôi dạy con. Vì vậy, tôi cũng càng cảm nhận rõ hơn về trách nhiệm của người giáo viên.

Chính sự khát khao biết chữ, mong muốn được đến trường và tình yêu của những em học sinh vùng cao đã giúp những giáo viên vùng cao như chúng tôi bám trụ lại ở những vùng đất khó.

Tôi luôn mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục, thắp lên những ngọn “lửa hy vọng”, những “mầm xanh” tri thức của các em học sinh ở mảnh đất Mù Cang Chải, nơi tôi đang sinh sống”.

Có lẽ với những người “lái đò” niềm vui lớn nhất là nhìn thấy những em học sinh của mình từng ngày tiến bộ, tương lai thêm rộng mở, hay chỉ đơn giản là thấy các em biết đọc, biết viết để giao tiếp với cộng đồng được dễ dàng hơn. Điều đó cũng tạo thêm cơ hội cho các em nhỏ vùng cao tiếp cận với kiến thức mới nhiều hơn,...

Đổi thanh xuân, gieo mầm tri thức -0