Phòng, chống bạo lực gia đình: Đừng im lặng, vô cảm!

Phòng, chống bạo lực gia đình: Đừng im lặng, vô cảm! -0

Hoàn thiện thể chế giúp ngôi nhà trở lên an toàn hơn

- Nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình có rất nhiều, trong đó việc phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc BLGĐ gặp nhiều khó khăn… Vậy việc sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ lần này có ý nghĩa như thế nào trong phòng, chống BLGĐ, thưa bà?

- Bạo lực gia đình đã tồn tại dai dẳng trong xã hội với những hệ lụy kéo dài đối với các nạn nhân và con cái của họ. Theo kết quả, Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời. Nguyên nhân của tình trạng này, có thể do nhận thức của người gây bạo lực và người bị bạo lực, định kiến về giới,…

Phòng, chống bạo lực gia đình: Đừng im lặng, vô cảm! -0
Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019

Sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật đã phát huy tác dụng, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi BLGĐ, góp phần tăng cường quản lý nhà nước, giữ gìn kỷ cương, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã bộc lộ những hạn chế và BLGĐ vẫn là vấn đề nhức nhối, trong khi việc phát hiện và xử phạt hành vi vi phạm chưa thực sự hiệu quả,…

Trước thực trạng bức thiết đó, việc việc sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc thực thi công tác phòng, chống BLGĐ thời gian qua. Quan trọng hơn, những sửa đổi ấy sẽ góp phần nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống BLGĐ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 06 ngày 24.6.2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ cũng bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Những sửa đổi ấy cũng góp phần giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt và để mỗi gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ tấm, môi trường phát triển an toàn của mỗi thành viên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới,…

Nhận diện đầy đủ đối tượng và hành vi của BLGĐ

- Theo bà, những nội dung Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) được trình trong kỳ họp này có bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị BLGĐ và người tham gia phòng, chống BLGĐ…?

- Có thể thấy, Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) lần này đã bảo đảm tính kế thừa Luật hiện hành khi tiếp tục quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình để bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành luật. Bằng việc bổ sung nhiều quy định mới phù hợp, cụ thể, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) cũng có thêm các quy định nhận diện rõ về hành vi BLGĐ. Những quy định này đã mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ, sát với thực tiễn cuộc sống.

Trong quá trình xây dựng, Ban Soạn thảo đã đầu tư nghiên cứu, tổng hợp tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân. Dự thảo Luật cũng đã tập trung làm rõ và bổ sung những khái niệm liên quan đến BLGĐ, bổ sung hành vi bạo lực phù hợp với những dạng thức bạo lực mới mà Luật hiện hành chưa quy định. Mặt khác, Dự thảo Luật cũng tái cấu trúc các quy định nhằm tăng cường hiệu quả công tác tư vấn, hòa giải, phòng, chống bạo lực, nâng cao chất lượng hỗ trợ và bảo đảm quyền con người cho người bị bạo lực, nhất là nhóm yếu thế; bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ, xác định cụ thể trách nhiệm của lực lượng công an cấo xã trong công tác phòng, chống BLGĐ, xã hội hóa trong phòng, chống BLGĐ,…

Phòng, chống bạo lực gia đình: Đừng im lặng, vô cảm! -0
Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019

Một trong những quan điểm trong việc sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ là bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng gia đình Việt Nam trong tình hình mới,…; cụ thể hoá đầy đủ chính xác nội dung, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển gia đình, bảo vệ các đối tượng yếu thế ngay trong mỗi gia đình.

Có thể nói, các vấn đề được sửa đổi đã bao quát được vấn đề phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới, đồng thời, bảo đảm tính khả thi của các quy định, kịp thời bảo vệ người bị BLGĐ và người tham gia phòng, chống BLGĐ trong tình hình mới.

Tuy vậy, một số quy định cần cụ thể hơn, bảo đảm tính khả thi trong thực thi. Ví dụ, các quy định liên quan đến biện pháp cấm tiếp xúc, người bị bạo lực có thể bị bạo lực ở các dạng thức khác nhau về tinh thần, thể xác, tình dục hoặc kinh tế, nhưng biện pháp cấm tiếp xúc mới chỉ giải quyết được phần nào tình trạng bạo lực trực tiếp. Hay việc quy định người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách 50m trở lên với người bị bạo lực, có lẽ chưa bảo đảm cho người bị bạo lực được an toàn tuyệt đối trước những hành vi bạo lực không tiếp xúc, hoặc bạo lực trên môi trường mạng,… Hoặc người bị bạo lực là nhóm đối tượng yếu thế như, trẻ em, người khuyết tật thì không thể thực hiện được quyền và trách nghiệm của người bị BLGĐ như trong Dự thảo Luật (Điều 11).

Do đó, cần có quy định cụ thể để huy động các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia công tác phòng, chống BLGĐ, thay vì chỉ “khuyến khích” các tổ chức này tham gia công tác phòng, chống BLGĐ như Khoản 6, Điều 60, của Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi).

Phòng, chống bạo lực gia đình: Đừng im lặng, vô cảm! -0

Phát huy vai trò “bệ đỡ”

- Trên cơ sở hoàn thiện các quy định pháp luật, thời gian tới Trung ương Hội LHPN Việt Nam sẽ làm gì để thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ một cách thiết thực, hiệu quả?

- Để tham gia tốt hơn nữa công tác phòng, chống BLGĐ, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam đã đề ra những kế hoạch cụ thể như:

Chiến lược phát triển tổ chức Hội đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đề ra mục tiêu “đến năm 2035 khẳng định vị thế là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ Việt Nam” và xác định chương trình hành động cụ thể để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Trong đó, có việc thành lập các trung tâm “một cửa” hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị BLGĐ, bạo lực trên cơ sở giới.

Bên cạnh đó, Hội triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, trong Chương trình “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 - 2030” với nhiều hoạt động liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình Việt Nam điến năm 2030 của Chính phủ.

Mở rộng các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; chủ động kết nối với các trung tâm trợ giúp pháp lý, đường dây nóng, các văn phòng luật sư, mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, Chi hội Bảo vệ quyền trẻ em tại địa phương,… Duy trì hiệu quả đường dây nóng tham vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực của Trung tâm Phụ nữ và phát triển 1900969680. Thí điểm thực hiện và nhân rộng các mô hình bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em như Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, Trung tâm tư vấn pháp luật cho phụ nữ, Tổ Tư vấn cộng đồng,…

Không ngừng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp về phòng, chống BLGĐ, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong việc nắm bắt, phát hiện và tham gia giải quyết các vụ BLGĐ; kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Đẩy mạnh thực thiện cơ chế phối hợp liên ngành, đặc biệt là chương trình phối hợp giữa Hội với các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, lên tiếng, giải quyết các vụ BLGĐ.

Cùng với đó, chú trọng hơn nữa công tác nghiên cứu, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống BLGĐ để từ đó đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các quy định có liên quan, nhất là những nội dung về bình đẳng giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

Tôi cho rằng, cùng với những quy định mới của pháp luật, đặc biệt là những sửa đổi trong Luật Phòng, chống BLGĐ lần này sẽ là căn cứ pháp lý để Hội LHPN Việt Nam tiếp tục thể hiện tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm trách nhiệm của mình và tham gia ngày càng hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống BLGĐ.