Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Việc triển khai Quy hoạch sẽ mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cũng như phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là tiền đề và động lực cho sự phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của tỉnh.
Bài 1:Xây dựng Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện
“Lợi thế vị trí địa lý của Thái Nguyên không tỉnh nào có được”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói vậy với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên trong cuộc làm việc tháng 7.2022 nhằm góp ý hoàn thiện Quy hoạch.
“Lợi thế” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến chính là vị trí trung tâm vùng, là tỉnh kết nối vùng Thủ đô với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiếp giáp với cực tăng trưởng, trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội. Thái Nguyên cũng hội tụ đủ 4 phương thức giao thông, gồm: đường sắt, đường bộ, đường thủy, và cả đường không - vì sân bay Nội Bài tiếp giáp với tỉnh, bảo đảm sự kết nối đồng bộ và thuận tiện.
Đặc biệt, trong làn sóng dịch chuyển sản xuất công nghiệp trên toàn cầu, Thái Nguyên đã và đang là cứ điểm hấp dẫn các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư công nghệ có tiếng tăm thế giới. “Thái Nguyên vốn đã có cơ hội, nếu nắm bắt được sẽ có bước phát triển đột phá mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Ngày 14.3.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 222/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Thái Nguyên là địa phương thứ 5 trên toàn cả nước, thứ 2 trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, “quá trình lập Quy hoạch tỉnh đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai bài bản, khoa học, tuân thủ quy trình lập quy hoạch”. Ông Phương bày tỏ ấn tượng về “sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập quy hoạch, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong tỉnh với tư vấn lập quy hoạch; sự cầu thị của tỉnh trong việc tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các tổ chức, địa phương có liên quan cũng như sự tham gia đóng góp của các chuyên gia hàng đầu trên các lĩnh vực”.
Ông cũng cho biết, tại phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên ngày 5.7.2022, các thành viên Hội đồng thẩm định đều cho rằng đây là bản quy hoạch có chiều sâu, phương pháp tiếp cận khoa học, hiện đại với số liệu minh chứng rõ ràng đầy đủ; các phân tích, lý giải logic, thuyết phục và xác đáng.
“Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thể hiện tâm huyết của toàn bộ hệ thống chính trị và các cấp chính quyền, nhân dân của tỉnh, là nỗ lực của các chuyên gia tư vấn với mục tiêu xây dựng bản quy hoạch không phải tốt nhất mà là hiệu quả nhất, phù hợp nhất, tương xứng nhất với tiềm năng của tỉnh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Với quyết tâm cao, khát vọng lớn đưa Quy hoạch vào cuộc sống nhanh chóng, cụ thể và thiết thực, ngày 20.3 – tức là một tuần sau khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công văn về việc tổ chức thực hiện Quy hoạch. Ba ngày sau đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện. Đầu tháng 4. 2023, UBND tỉnh tiếp tục có công nhấn mạnh việc đồng thuận triển khai Quy hoạch nhằm hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu, khát vọng phát triển của tỉnh. Cũng từ tháng 4.2023, Thái Nguyên đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh và đúng các quy định của pháp luật. Cùng với đó, tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung thành phố, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn theo đúng quy định…
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, mục tiêu "xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc” là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng, thực hiện Quy hoạch tỉnh và trong sự nghiệp phát triển Thái Nguyên giai đoạn mới. Điều này thể hiện cách tiếp cận lấy con người là trung tâm của chiến lược phát triển dài hạn mà tỉnh hướng tới, để đến năm 2050 sẽ trở thành “nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng”.
Trong bản Quy hoạch tỉnh, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8 – 8,5%/năm; quy mô kinh tế đến năm 2030 đạt 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 45 tỷ USD. Trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp – xây dựng chiếm 60%; dịch vụ chiếm 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,2%. GRDP bình quân đầu người đạt 8.900 USD theo giá hiện hành, tăng 4.000 USD so với năm 2023.
Cùng với đó, tỉnh sẽ phấn đấu có 80% lao động qua đào tạo; 95% trường đạt chuẩn quốc gia; 98% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 100% dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 95%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 46%...
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã xác định 6 đột phá phát triển.
Một là, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.
Hai là, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Ba là, chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bốn là, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.
Năm là, quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh.
Sáu là, quan tâm, triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.
“Với ưu thế có quy hoạch rõ ràng, bài bản, Thái Nguyên cần tuân thủ nghiêm ngặt các mục tiêu, định hướng đề ra”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Trình bày: Xuân Tùng