Bài 1: Buýt nhanh BRT chưa đạt kỳ vọng?

Bài 1: Buýt nhanh BRT chưa đạt kỳ vọng? -0

Bài 1: Buýt nhanh BRT chưa đạt kỳ vọng? -0

Sau gần 6 năm triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên của Hà Nội chưa đáp ứng được kỳ vọng. Tuyến BRT01 Kim Mã - Yên Nghĩa được phê duyệt từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng. Ngày 1.1.2017, tuyến bắt đầu hoạt động theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Thời gian di chuyển toàn tuyến dài 14,77km sẽ mất khoảng 45 phút.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hợp phần trong lộ trình dài hơi phát triển giao thông công cộng Hà Nội mà WB tham gia. Tuyến BRT01 được xây dựng với nhiều mục tiêu như thời gian di chuyển nhanh, cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Bài 1: Buýt nhanh BRT gây thất vọng -0
Bến tuyến buýt nhanh BRT

Theo báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, UBND TP Hà Nội cho biết, đã giao cho Viện Kinh tế xã hội thành phố khảo sát đánh giá tuyến buýt nhanh BRT sau khi đi vào khai thác. Theo đó, người dân đánh giá tuyến BRT đã tạo được hình ảnh mới về phương thức vận tải hành khách công cộng theo hướng văn minh hiện đại, tạo cho người dân có ý thức khi sử dụng vận tải hành khách công cộng theo hướng xanh - sạch - đẹp.

Còn theo báo cáo đánh giá kết quả hoạt động tuyến BRT (từ năm 2017 đến hết tháng 6.2022), sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, loại hình buýt nhanh BRT đã mang lại những kết quả tích cực. Được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt. Chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao so toàn mạng. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, dù được đầu tư vốn lớn, có làn đường riêng, nhưng sau gần 6 năm vận hành, tuyến BRT chưa thu hút người dân, chưa giảm được ùn tắc và thúc đẩy giao thông công cộng.

Cụ thể, ĐBQH Trương Xuân Cừ (TP Hà Nội) đánh giá, ưu điểm của là tuyến BRT nhanh hơn tuyến buýt truyền thống, bởi đây là hình thức vận tải công cộng với làn đường biệt lập, được ưu tiên tại các nút giao cắt nên rút ngắn được thời gian di chuyển; loại bỏ hoàn toàn thao tác rẽ vào - ra bến khi dừng đón trả khách trên đường nên không có khả năng gây cản trở, ùn tắc giao thông... So sánh với xe buýt thông thường hiện nay vẫn sử dụng chung làn đường với các loại phương tiện khác, ưu thế của buýt BRT là có. Tuy nhiên, từ khi tuyến BRT đi hoạt hoạt động đến nay, lưu lượng người sử dụng buýt nhanh BRT tuy có tăng, nhưng số lượng khách không lớn.

Mặt khác, BRT cũng chưa góp phần giải quyết vấn đề ách tắc giao thông một cách hiệu quả. Thực tế, tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường nội đô Hà Nội rất thường xuyên, các phương tiện di chuyển khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm, những vẫn dành một diện tích lớn, riêng cho làn BRT là rất lãng phí.

Bài 1: Buýt nhanh BRT gây thất vọng -0
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ

ĐBQH Khóa XIII, TP Hà Nội Bùi Thị An nhận định, các phương tiện vận tải giao thông công cộng đã góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Xe buýt nhanh BRT cũng là một loại hình trong hệ thống vận tải khách công cộng với mục tiêu vận tải số lượng lớn, thời gian di chuyển nhanh. Nhưng khi mô hình xe buýt nhanh BRT được đưa vào hoạt động tại Hà Nội cho thấy hiệu quả chưa cao. Mặc dù, được dành làn đường riêng ưu tiên nhưng lưu lượng người di chuyển trên các xe BRT là thấp.

Theo ghi nhận của phóng viên, vào các khung giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, tuyến đường có làn xe buýt BRT chạy luôn trong tình trạng ùn tắc khó lưu thông vì làn này chiếm khoảng 1/3 diện tích mặt đường.

Không những thế, để tiếp cận với các nhà chờ, người dân phải băng qua mặt đường. Hơn nữa BRT lại sử dụng phần đường cũ trên tuyến đường vốn đã thường xuyên ùn tắc, nhiều đoạn đi chung hỗn hợp với các phương tiện khác. Do đó, được xây dựng với mục tiêu là tuyến buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn, nhưng BRT lại đi tốc độ bình thường.

Bài 1: Buýt nhanh BRT chưa đạt kỳ vọng? -0

Số liệu từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội cho thấy, tuyến BRT Yên Nghĩa - Kim Mã phục vụ khoảng 5 triệu hành khách mỗi năm trong giai đoạn 2017-2020. Khi dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách giảm còn 1,8 triệu lượt vào năm 2021. Doanh thu năm 2018 toàn tuyến đạt 27,5 tỷ đồng, năm 2020 sụt còn 15,2 tỷ đồng, tỷ lệ trợ giá lên đến 36,6%.

Sản lượng khách đi vé tháng 1 tuyến của tuyến BRT (là đối tượng đi lại thường xuyên trên tuyến) cao nhất toàn mạng: Năm 2017 là 1,6 nghìn người/tháng, năm 2018 là 2,2 nghìn người/tháng, năm 2019 là 2,1 nghìn người/tháng (chiếm 7,8% 7,6% lượng vé tháng 1 tuyến của toàn mạng vận tải hành khách công cộng).

Doanh thu thực hiện của tuyến luôn ở mức cao trong toàn mạng: Năm 2017 đạt 25 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn mạng); năm 2018 đạt 27,5 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn mạng); năm 2019 đạt 24,8 tỷ đồng (đứng thứ nhất toàn mạng). Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2018 chỉ là 26,6% thấp thứ hai toàn mạng; năm 2019 tỷ lệ này là 36,6%, thấp nhất toàn mạng vận tải hành khách công cộng.

Từ năm 2020 đến nay, do chịu tác động của đại dịch Covid-19 (xe buýt phải dừng hoạt động và giảm dịch vụ từ 20-80% công suất), sản lượng và doanh thu thực hiện trên tuyến BRT sụt giảm so với giai đoạn trước đó. Khách bình quân/lượt năm 2020 đạt 45,6 hành khách/lượt tăng 6,5% so với năm 2019; năm 2021 đạt 23 hành khách/lượt giảm 49,6% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 đạt 45,5 hành khách/lượt, tăng 97,7% so năm 2021.

Doanh thu năm 2020 đạt 15,2 tỷ đồng (đứng thứ hai toàn mạng); doanh thu năm 2021 đạt 7,9 tỷ đồng (đứng thứ nhất toàn mạng). Tỷ lệ trợ giá/chi phí năm 2020 là 48,6%, thấp nhất toàn mạng; năm 2021 tỷ lệ này là 65,2%, thấp nhất toàn mạng.

Tuy nhiên, trong ba năm (2017-2020) tổng lượng hành khách đi tuyến BRT gần như không đổi. Trong khi đó, từ năm 2019 đến nay mỗi năm Hà Nội tăng khoảng 320.000 phương tiện cá nhân, với 80% là xe máy.

Bài 1: Buýt nhanh BRT gây thất vọng -0

Chị Nguyễn Thuỳ Linh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng có nhiều tiện ích, giảm tải lượng phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tính kết nối giữa BRT với phương tiện công cộng khác còn kém khiến người sử dụng xe buýt BRT phải đi bộ khá xa mới tới bến xe và phải băng cắt qua làn đường hỗn hợp với lượng phương tiện dày đặc là nguyên nhân khiến người dân ngại sử dụng phương tiện này.

​​​​​​​​​​Lý giải nguyên nhân BRT chưa hút khách, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, BRT đối với một số quốc gia khác rất thích hợp, nhưng đối với Việt Nam còn rất nhiều các điều kiện hạ tầng chưa thực sự phù hợp. Có thể thấy, khi được triển khai dự án BRT đã không được khảo sát kỹ lưỡng. Giao thông phải được đồng bộ ở nhiều mặt, từ nhà ra bến bãi cho đến đường xá. Trong khi BRT đã tách rời khỏi hệ thống giao thông mà không có sự liên kết. Điều này dẫn tới lượng người sử dụng không nhiều, dự án hoạt động kém hiệu quả, gây thất thu cho nhà nước. Do vậy, để tuyến xe buýt nhanh BRT hoạt động hiệu quả phải gắn kết với các hệ thống giao thông khác tạo sự tiện lợi cho người dân sử dụng. Vì đa số người dân sử dụng các tuyến xe công cộng như xe buýt BRT đều để phục vụ cho công việc.