Em ơi! Hà Nội phố Ta còn em...
Viết kịch, đạo diễn, làm thơ, vẽ tranh, nhưng Phan Vũ nổi tiếng với trường ca Em ơi! Hà Nội phố đã được nhạc sỹ Phú Quang phổ nhạc. Điều đặc biệt, đây là bài thơ duy nhất về Hà Nội của Phan Vũ, mặc dù ông vẫn dành cho Thủ đô một tình cảm đặc biệt.
Tôi viết Em ơi! Hà Nội phố sau 12 ngày đêm Hà Nội bị bom B52 Mỹ tàn phá, giữa tiếng còi hụ, với giọng Hà Nội chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B52 vào thành phố. Nhà tôi ở phố Hàng Bún, ngay đối diện với nhà máy điện Yên Phụ. Chung quanh nơi tôi ở, nhà cửa đổ nát, quang cảnh chết chóc tang thương khắp nơi... Những tứ thơ của tôi nảy ra trong thời điểm đó. Bài thơ tôi không viết về chiến tranh, mà viết về những hoài niệm. Tôi đã đẩy lùi thời điểm trong bài thơ. Dấu vết của chiến tranh chỉ xuất hiện ở khổ thơ thứ 20, với: Một tháng Chạp/Trắng khăn sô/Khói hương dài theo phố… Tuy nhiên, những sự kiện trong 12 ngày đêm đó đó đã để lại một rãnh sâu đậm trong ký ức của tôi. Ta còn em, cũng có nghĩa là ta mất em. Đó là sự tiếc nuối về những gì thật Hà Nội không còn nữa. Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được.

“Tôi thân với họa sỹ Bùi Xuân Phái nên hay đi theo ông. Bùi Xuân Phái vẽ về phố còn tôi nghĩ về phố. Nhiều khi đêm đến, lúc 1-2 giờ sáng, ông Phái còn đem tranh đến nhà tôi treo”. Phan Vũ cũng vẽ tranh, từng tổ chức một số triển lãm, cả ở Pháp, nhưng đến nay ông chỉ vẽ duy nhất một bức về Hà Nội. Đó là bức tranh vẽ từ ý thơ: Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Mặc dù những người bạn cũ không còn, nhưng mỗi lần có dịp ra Hà Nội, Phan Vũ vẫn lang thang qua từng góc phố, con đường, tìm lại những kỷ niệm dấu xưa và cái chất Hà Nội còn vương vất đâu đây. |
Gần 40 năm sau khi ra đời, Em ơi! Hà Nội phố mới được chính thức in và công bố tại Hà Nội (trước đây chỉ truyền miệng), đúng vào thời điểm Thủ đô chuẩn bị kỷ niệm tròn 1000 năm tuổi, là niềm hạnh phúc tuyệt vời, một phần thưởng vô giá trong phần đời còn lại của tôi. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng... Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất Thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của Ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!
Hà Nội bây giờ đã thay đổi nhiều, nhưng dù người ta có băm nát Hà Nội, đến một lúc nào đó mọi thứ sẽ được sắp xếp lại và đâu đó vẫn có một góc rất riêng của Hà Nội mà không ai có thể làm cho khác đi. Bao nhiêu triều đại đi qua, bao nhiêu cuộc chiến tranh, xâm lăng, chịu biết bao tàn phá, Hà Nội thay đổi nhiều nhưng vẫn tồn tại đó thôi. Nhất là con người Hà Nội, luôn có những lớp tài hoa này nối tiếp lớp tài hoa khác.
Hà Nội không bao giờ mất đi vẻ đẹp của mình, mà thay đổi theo từng thời kỳ. Chẳng hạn như vẻ đẹp của người phụ nữ, ngày xưa mẹ tôi, vợ tôi đẹp theo kiểu nhu mì, hiền dịu, ngày nay, các cô gái Hà Nội đẹp theo kiểu hoang dại và rất hiện đại, nhưng vẫn có cái gì đó rất đặc trưng của Hà Nội. Thiên hạ cứ hay tiếc này tiếc kia, thực ra đấy chỉ là một thứ tâm tư lãng mạn thôi, chứ cái gì cũng phải thay đổi. Nếu Hà Nội bây giờ vẫn như Hà Nội ngày xưa thì không được. Điều quan trọng là bản sắc của Hà Nội không mất.