Cơ sở cho bước quyết định của ECB
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cam kết sẽ đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ trên cơ sở các số liệu kinh tế. Tuy nhiên, ECB nhiều khả năng sẽ bỏ qua sự tăng tốc gần đây của lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mà vẫn khởi động việc cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Eurostats, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của ECB. Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, ECB có thể sẽ chấp nhận một quỹ đạo lãi suất riêng biệt với Fed, cho dù điều này có khiến đồng euro suy yếu hơn và có thể gây lạm phát.
Theo tờ Financial Times, các nhà hoạch định chính sách của ECB khó làm khác được, bởi nhiều người trong số họ thời gian qua đã phát tín hiệu rõ ràng rằng ECB đang trên đà trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên hạ lãi suất. Một động thái hạ lãi suất của ECB sẽ khởi đầu cho cuộc dịch chuyển của thế giới khỏi chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu 3 năm trước, để chống lại sự leo thang giá cả mạnh nhất trong một thế hệ.
Theo đó, thành viên hội đồng quản trị ECB kiêm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan, ông Olli Rehn cho biết, nhờ tiến trình giảm lạm phát, tốc độ lạm phát đang tiến dần về mục tiêu 2% một cách bền vững. Bởi vậy, tháng 6 là thời điểm chín muồi để ECB nới lỏng lập trường chính sách tiền tệ và bắt đầu hạ lãi suất. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB nhận định rằng: “Ngoại trừ khả năng có những bất ngờ lớn, vào thời điểm này các quan chức ECB đều thấy có đủ cơ sở để giảm bớt mức độ thắt chặt của chính sách tiền tệ”.
Với những quan điểm trên, thị trường đang đặt cược lớn vào kịch bản ECB sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp tới, đưa lãi suất giảm xuống từ mức kỷ lục 4% hiện nay. Theo Bloomberg, ECB đã chứng kiến triển vọng chính sách tiền tệ khác nhau bắt đầu tác động đến thị trường toàn cầu ra sao. Đồng euro đã giảm xuống mức yếu nhất so với đồng bảng Anh trong gần 2 năm sau khi xuất hiện quan điểm rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ tụt hậu so với ECB trong câu chuyện cắt giảm lãi suất.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy Fabio Panetta mới đây đã thừa nhận rằng, việc cắt giảm chi phí đi vay gây ra rủi ro tiền tệ đối với giá cả, song chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của Mỹ cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu và do đó hạn chế lạm phát ở eurozone. Quyết định lãi suất sắp tới của ECB sẽ đi kèm các dự báo hàng quý được xem xét kỹ lưỡng để tìm hướng đi cho chính sách tiền tệ trong tương lai. Các thị trường tiền tệ cũng dự báo rằng, ECB sẽ có hai đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Thêm vào đó, Ngân hàng Trung ương Đan Mạch có thể sẽ bắt kịp động thái lãi suất của ECB bằng việc cắt giảm 0,25 điểm phần trăm chỉ vài giờ sau quyết định của ECB.
Chủ trương lãi suất của Fed
Thị trường tài chính Mỹ đang ra nhiều ý kiến khác nhau về thời điểm Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất. Nhiều số liệu kinh tế Mỹ công bố trong tuần vừa rồi cho thấy, nền kinh tế vẫn giữ nhịp tăng trưởng tốt và áp lực lạm phát còn dai dẳng. Do đó, Ngân hàng Goldman Sachs đã lùi dự báo về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 7 sang tháng 9.
Tuy nhiên, dự báo này của Goldman Sachs vẫn còn sớm so với mặt bằng chung của thị trường. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, các nhà giao dịch không còn đặt cược nhiều vào khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9, và thay vào đó dịch chuyển sang tháng 11.
Biên bản cuộc họp của Fed hôm 30.4 - 1.5 mới được công bố cũng cho thấy, các nhà hoạch định chính sách trong Fed còn chưa chắc chắn về thời điểm có thể hạ lãi suất. Các phát biểu gần đây của giới chức Fed, cũng như cả biên bản cuộc họp gần đây nhất đều cho thấy hiện tại Fed chưa tính đến hạ lãi suất. Hơn nữa, báo cáo của Bank of America nhận định, chu kỳ giảm lãi suất lần này của ECB và Fed sẽ có nhiều sự khác biệt.
Bên cạnh đó, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày 7.6 tới có thể ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng lãi suất. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, giới chuyên gia dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 180.000 công việc mới trong tháng 5, tăng nhẹ so với con số 175.000 việc làm mới của tháng 4, tháng mà thị trường việc làm Mỹ có sự giảm tốc đáng kể so với trước.
Mức tăng trưởng này sẽ cho thấy thị trường việc làm cuối cùng đã có dấu hiệu suy yếu sau nhiều tháng trụ vững trong môi trường lãi suất cao. Mặc dù, theo dự báo Fed sẽ không hạ lãi suất trong lần họp này, nhưng có thể sẽ đưa ra những tín hiệu về đường đi của lãi suất trong thời gian tới. Fed sẽ chỉ giảm lãi suất một hoặc hai lần trong năm nay, song, sự suy yếu của thị trường việc làm sẽ khiến khả năng đợt giảm lãi suất đầu tiên diễn ra sớm hơn.
Trao đổi với hãng tin CNBC, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho rằng, Fed nên đợi cho tới khi có bước tiến lớn về giảm lạm phát rồi mới bắt đầu hạ lãi suất, thậm chí không loại trừ khả năng Fed có thể sẽ tăng thêm lãi suất nếu lạm phát không giảm.
Những rủi ro tiềm ẩn
Một số chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về những kịch bản tiêu cực có thể xảy ra nếu ECB nới lỏng chính sách tiền tệ trước Fed. Khi ECB có sự khác biệt quá lớn so với Fed về lãi suất sẽ có rủi ro đối với cả tăng trưởng và lạm phát. Trước đây, ECB đã cắt giảm lãi suất trước Fed vào tháng 4.1999 và tháng 11.2011, nhưng bối cảnh hiện tại đã rất khác với hai lần trước vì những lý do sau.
Thứ nhất, khả năng đồng euro mất giá sau khi ECB cắt giảm lãi suất có nguy cơ làm tăng lạm phát nhập khẩu. EU sẽ gặp bất lợi lớn do giá năng lượng tăng vì khoảng 2/3 nhu cầu năng lượng của khu vực này được đáp ứng bằng nhập khẩu ròng. Trong khi Mỹ là quốc gia sản xuất nhiều năng lượng hơn mức tiêu thụ. Giá năng lượng tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh trong ngắn hạn, cân bằng cho tác động tích cực dự kiến đối với đầu tư tư nhân của việc cắt giảm lãi suất.
Thứ hai, việc ECB cắt giảm lãi suất trước Fed sẽ gián tiếp củng cố quan điểm rằng kinh tế eurozone đang tăng trưởng yếu. Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế tại khu vực này trong quý đầu tiên là 0,3%, trong khi Mỹ là 0,4%. Khu vực tư nhân sẽ trở nên bi quan hơn về tương lai nếu triển vọng kinh tế tăng trưởng yếu, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của hộ gia đình và doanh nghiệp.
Cuối cùng, ECB có thể mắc phải một trong hai vấn đề tiềm ẩn là chính sách hạn chế quá mức hoặc nới lỏng quá sớm. Chính sách hạn chế quá mức có thể gây suy thoái và giảm phát, đe dọa sự ổn định của thị trường tài chính hoặc giá bất động sản. Ngược lại, việc nới lỏng quá sớm có thể khơi dậy lạm phát, buộc ECB phải đảo ngược mức cắt giảm ban đầu và tăng lãi suất lên mức cao hơn hiện nay. Kịch bản này thực sự có thể đe dọa sự ổn định của khu vực đồng euro, vì các quốc gia thành viên mắc nợ cao sẽ phải đối mặt với tình trạng nợ không bền vững.