Duyên nợ với giải Nobel hòa bình

Thu Hằng
Theo Hồ sơ Sự kiện, số 177.2011
14/10/2012 08:48

Năm 1905, Bertha von Suttner trở thành phụ nữ đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel hòa bình. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, chính Bertha von Suttner là người đã thuyết phục Alfred Nobel, khơi mào ý tưởng để ông lập ra giải thưởng Nobel hòa bình và dùng gia sản khổng lồ của mình tài trợ cho giải thưởng danh giá đó.

Duyên nợ với giải Nobel hòa bình ảnh 1

 Cuộc sống thuở thiếu thời

Bertha von Suttner (1843 - 1914) là con gái của 1 thống chế người Áo. Khi cô mới chào đời tại Praha, Czech, cha của cô đã qua đời và gia đình cũng mất đi trụ cột kinh tế, mẹ con Bertha von Suttner đành phải di cư sang Áo để nương tựa vào những người họ hàng quý tộc. Mặc dù từ nhỏ Bertha von Suttner đa tài, đa nghệ, nhưng cuộc sống nghèo khó buộc bà phải từ bỏ học nhạc và đi làm gia sư, dạy cho con em các gia đình giàu có. Trong thời gian đó, Bertha von Suttner đã yêu Arthur Gundaccar von Suttne - nhà văn, kiêm kỹ sư kém bà 7 tuổi, nhưng bị gia đình nhà văn phản đối, vì không “môn đăng hộ đối”.

Cái duyên với Alfred Nobel

Năm 1876, Alfred Nobel, 43 tuổi, quyết định sang định cư tại Paris, Pháp. Sau bao năm làm việc nỗ lực, một hôm ông bỗng giật mình và cảm thấy cuộc đời cần có một phụ nữ, ít nhất là để trông coi nhà cửa và phụ giúp ông những công việc cần thiết. Sau khi suy nghĩ, Alfred Nobel quyết định đăng quảng cáo trên báo với nội dung: “Một người đàn ông lịch lãm và giàu có, học vấn cao, đã lớn tuổi, cần tìm một phụ nữ biết nhiều thứ tiếng, đã trưởng thành để làm thư ký hoặc quản gia”.

May mắn thay, Bertha von Suttner đọc được đoạn quảng cáo đó. Qua những lá thư, 2 người dần dần hiểu nhau và Alfred Nobel đánh giá rất cao vốn ngoại ngữ của nữ thư ký tương lai, cũng như những phẩm chất mà Bertha von Suttner đang có. Và rồi, Bertha von Suttner nhận làm thư ký, kiêm quản gia cho nhà bác học nổi tiếng này tại Paris. Tuy nhiên, Bertha von Suttner chỉ làm thư ký cho Alfred Nobel được 1 tuần thì nhận được bức điện báo tuyệt vọng vẻn vẹn chỉ có mấy dòng chữ của người yêu: “Thiếu em anh không thể sống được”. Và Bertha von Suttner quyết định trở về Vienna, Áo, âm thầm kết hôn với Arthur Gundaccar von Suttne giữa tháng 6.1876.

Mặc dù không còn làm thư ký cho Alfred Nobel, nhưng Bertha von Suttner vẫn thường xuyên trao đổi thư từ với ông, cho tới khi ông qua đời năm 1896. Tổng cộng Bertha von Suttner đã viết cho Alfred Nobel 70 lá thư, trong đó, bà đã bày tỏ nguyện vọng rất mong Alfred Nobel ủng hộ về kinh tế cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình của thế giới.

Rất nhiều chuyên gia về giải Nobel đã nhận định rằng, Bertha von Suttner là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với Alfred Nobel về giải Nobel. Thậm chí, có nhiều người vẫn còn thắc mắc, có phải Nobel đã yêu người phụ nữ ấy và chính tình yêu đó đã khơi nguồn cho ý tưởng giải thưởng Nobel hòa bình hay không? Cho đến nay, điều bí mật này vẫn chưa được hé mở, nhưng người ta không thể phủ nhận rằng, đó là kết quả của mối quan hệ ly kỳ giữa một nhà tài phiệt về vũ khí với một người yêu chuộng hòa bình.

Duyên nợ với giải Nobel hòa bình ảnh 2

Sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình

Sau khi về nước kết hôn với Arthur Gundaccar von Suttne, vợ chồng Bertha von Suttner không được gia đình chấp nhận. Họ đã sang Nga và sống tại đó trong vòng 9 năm. Quãng thời gian này, cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Tuy nhiên, đời sống tinh thần của vợ chồng Bertha von Suttner rất phong phú, họ thường ngồi chuyện trò với nhau về các vấn đề thời sự, triết học nhân sinh. Họ cho rằng, chiến tranh là trở ngại lớn nhất cho cuộc sống hạnh phúc của nhân loại. Họ tin rằng, chỉ cần cố gắng phản đối chiến tranh hết mình, cuộc sống của nhân loại sẽ phát triển theo chiều hướng tích cực.

Sau 9 năm sống ở Nga, vợ chồng Bertha von Suttner trở về Áo và tích cực hoạt động cho phong trào kêu gọi hòa bình. Trong những lá thư gửi cho Alfred Nobel, Bertha von Suttner và Alfred Nobel đã tranh luận rất nhiều về vấn đề hòa bình. Bà cực lực phê phán thuốc nổ do Alfred Nobel phát minh được dùng trong quân sự. Và cuối cùng, ngăn chặn chiến tranh đã trở thành mục tiêu chung của 2 người.

Để truyền bá tư tưởng hòa bình cho các tầng lớp nhân dân cũng như phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh và hậu quả đáng sợ mà nó gây ra, Bertha von Suttner đã quyết định viết một cuốn tiểu thuyết dài, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả. Mùa xuân năm 1887, bà bắt đầu miệt mài đọc tài liệu lịch sử, phỏng vấn rất nhiều người đã từng tham gia chiến tranh. Tháng 8.1889, cuốn tiểu thuyết bán chạy có tên Die Waffen Nieder (Hãy buông vũ khí) của Bertha von Suttner đã được xuất bản. Đó là thiên anh hùng ca về Martha, phụ nữ trẻ có chồng bị hy sinh trong cuộc chiến tranh Áo - Italy năm 1859 và một mình sống nuôi con. Vài năm sau, Martha tái hôn với một bá tước và người này cũng buộc phải tham gia vào 2 cuộc chiến tranh: Áo - Đan Mạch, năm 1864 và Áo - Phổ, năm 1866. Sau chiến tranh, vợ chồng Martha đã đưa 2 cậu con trai sang Paris sinh sống. Vì đã phải chứng kiến quá nhiều điều hãi hùng trong chiến tranh, bá tước quyết định dành những năm tháng cuối cùng của cuộc đời cho sự nghiệp phản đối chiến tranh. Tuy nhiên, vị bá tước lương thiện này lại bị nghi ngờ là gián điệp và bị kết án tử hình. Sau 2 lần mất chồng, Martha đã dồn hết cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình. Hãy buông vũ khí là tác phẩm mang tính tự truyện, qua Martha, chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của Bertha von Suttner trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình tại châu Âu nói riêng và trên thế giới nói chung.

Sau khi tiểu thuyết Hãy buông vũ khí được xuất bản, Bertha von Suttner đã gặp phải rất nhiều lời chỉ trích của quân đội, giáo hội và chính phủ Áo. Người ta chỉ trích Bertha von Suttner là kẻ nhát gan, sợ vũ khí. Tuy nhiên, cũng trong thời gian đó, Bertha von Suttner nhận được thư khích lệ của người bạn cũ Alfred Nobel. Ông ca ngợi tác phẩm Hãy buông vũ khí là một cuốn sách kỳ diệu, tượng trưng cho phong trào hòa bình ở Áo. Năm 1891, Bertha von Suttner đã sáng lập nên Tổ chức chủ nghĩa hòa bình Áo. Và bà bắt đầu được thế giới biết đến khi làm chủ bút nhật báo theo chủ nghĩa hòa bình quốc tế Die Waffen Nieder! (Hãy buông vũ khí), từ năm 1892 - 1899.

Duyên nợ với giải Nobel hòa bình ảnh 3

Trắc trở với giải Nobel hòa bình

Ngày 10.12.1901, 5 năm sau ngày mất của Alfred Nobel, lễ trao giải Nobel lần đầu tiên được tổ chức. Đối với Alfred Nobel, người đầu tiên mà ông đề cử cho giải Nobel hòa bình chắc chắn là người bạn cũ Bertha von Suttner. Tại thời điểm đó, hầu như tất cả những người theo chủ nghĩa hòa bình đều tin rằng, giải thưởng Nobel hòa bình đầu tiên sẽ gọi tên Bertha von Suttner. Tuy nhiên, kết quả lại không diễn ra như mong đợi. Bertha von Suttner không những có quá nhiều kẻ thù quyền lực, mà thời kỳ đó, bà còn là phụ nữ bị kỳ thị. Và thế là, giải Nobel hòa bình vốn thuộc về bà đã bị đẩy sang hết năm này đến năm khác. Đến năm 1903, giải Nobel hòa bình vẫn không thuộc về Bertha von Suttner và người giành giải năm đó là Bjornstjerne Martinus Bjornson - nhà văn người Na Uy. Ông cũng tỏ ra vô cùng phẫn nộ và viết một bài báo chỉ trích Ủy ban giải Nobel Na Uy. Mãi 2 năm sau đó (năm 1905), Bertha von Suttner mới trở thành chủ nhân của giải Nobel hòa bình cao quý. Sau khi đoạt giải, bà tiếp tục triển khai gấp rút các hoạt động tuyên truyền cho hòa bình tại châu Âu.

Ngày 21.6.1914, Bertha von Suttner từ trần tại Vienna để lại rất nhiều kế hoạch chưa được thực hiện. Lời di chúc cuối cùng mà Bertha von Suttner để lại cho hậu thế là: “Hãy buông vũ khí! Xin hãy nói điều này cho tất cả mọi người”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Duyên nợ với giải Nobel hòa bình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO