Duy trì thặng dư thương mại bền vững

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 05:02 - Chia sẻ
Năm 2021 là năm thứ 6 liên tiếp cán cân thương mại nước ta xuất siêu với trị giá đạt 4 tỷ USD - vượt mục tiêu trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 và hiện tiếp tục thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030 là duy trì thặng dư thương mại, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn…

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Về nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%. Có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Việc nước ta xuất siêu 6 năm liên tiếp góp phần quan trọng vào ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giúp nền kinh tế có thêm nguồn ngoại tệ dự trữ, nhất là trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp nước ta đang phải sử dụng chính sách kết hợp tài khóa - tiền tệ. Nếu như các nguồn dự trữ này không tốt sẽ khó có công cụ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại tệ tốt mới duy trì được giá đồng Việt Nam và tỷ giá giữa đồng Việt Nam với các đồng ngoại tệ. Vấn đề nữa là thông qua việc xuất siêu đã khẳng định được chỗ đứng của các sản phẩm, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường phân tích.

Thực tế, đã từng có giai đoạn nước ta phải gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như dầu thô, than đá nhằm giảm nhập siêu, tiến tới cân bằng cán cân thương mại và có ngoại tệ để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thế nhưng, những năm gần đây, nước ta đã không chỉ cân bằng được cán cân thương mại, ngay cả khi xuất siêu với trị giá lên tới gần 20 tỷ USD vào năm 2020 thì những mặt hàng xuất khẩu như dầu thô, than đá, khoáng sản… cũng giảm, thậm chí đã không còn nằm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Đây là kết quả từ sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp, đặc biệt, là "trái ngọt" của cải cách cơ cấu kinh tế, thể hiện ở sự nỗ lực trong gia tăng giá trị của hàng xuất khẩu, khi công nghiệp chế biến, chế tạo được coi trọng và đẩy mạnh; các sản phẩm hàng hoá được nâng cao về chất, có giá cao hơn và sản phẩm xuất khẩu mới cũng nhiều hơn… Dù vậy, sang năm 2022 và những năm tiếp theo, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục tập trung khai thác các thị trường đã xuất siêu như Mỹ, EU… Bên cạnh đó phải khai thác tốt hơn nữa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như EVFTA, CPTPP để nhập khẩu máy móc, công nghệ, nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao, để xuất khẩu không thiên về số lượng mà tập trung vào giá trị.

Ngoài những vấn đề nêu trên, hiện Bộ Công thương cũng đã và đang tập trung củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu; ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu và sớm khôi phục các thị trường xuất khẩu sau dịch; theo dõi sát từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa đang có nhu cầu để khai thác thị trường và thúc đẩy xuất khẩu. Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước; triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… nhằm tạo thuận lợi cho hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó góp phần duy trì thặng dư thương mại bền vững.

Ninh Hà